Ngành công nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh Trà Vinh trong những tháng đầu năm 2024. Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải (Trà Vinh)

Ngành công nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh Trà Vinh trong những tháng đầu năm 2024. Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải (Trà Vinh)

Phát triển Trà Vinh thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
Trà Vinh có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng trưởng GRDP đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Với mức tăng trưởng GRDP đạt 10,27% trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Trà Vinh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng thứ 6 cả nước về tốc độ tăng trưởng. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, góp phần nâng lũy kế 6 tháng thu trên 11.219 tỷ đồng, tăng 20,17% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 14.096 tỷ đồng, tăng 8,12% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, Trà Vinh đã triển khai thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá; 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, tỉnh thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất thực hiện Dự án Hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé đảm bảo an ninh nguồn nước các huyện Càng Long, Châu Thành và TP. Trà Vinh (giai đoạn I); bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý Dự án 85 để triển khai thi công Cầu Đại Ngãi, đạt 99,01%. Đồng thời, tích cực quảng bá, thu hút, kêu gọi đầu tư tư nhân để phát triển kinh tế biển, trọng tâm là các dự án năng lượng tái tạo; đôn đốc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai 4 dự án điện gió còn lại và các dự án trọng điểm khác như Khu bến tổng hợp Định An, Nhà máy Sản xuất Hydro xanh, hạ tầng Khu công nghiệp Cổ Chiên...

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn biến thị trường. Các địa phương đã chuyển đổi 415,79 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cỏ, trồng mới vườn cây ăn trái, vườn dừa và nuôi thủy sản. Tỉnh duy trì các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực như lúa chất lượng cao, cây ăn trái, dừa, hoa màu; xây dựng và duy trì nhãn hiệu nông sản, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đến nay đạt 12% tổng diện tích sản xuất.

Trà Vinh hiện có hơn 24.590 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 9.742 ha sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động; 20,7 ha ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng và thủy canh; gần 9.381 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; 433 ha nuôi nghêu đạt chứng nhận ASC; 5.013,52 ha nuôi trồng thủy sản thâm canh và thâm canh mật độ cao.

Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, như nuôi cấy phôi thực vật nhân cây giống sạch bệnh (dừa sáp), phân bón nano, hệ thống quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động, bẫy côn trùng thông minh phục vụ công tác dự tính, dự báo sâu bệnh… đã mang lại hiệu quả đáng kể. Đến nay, Trà Vinh cơ bản hoàn thành 8/8 tiêu chí tỉnh nông thôn mới.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới và từng bước hội nhập quốc tế.

Công nghiệp tăng trưởng khá

Sáu tháng đầu năm nay, Trà Vinh tăng trưởng đều ở 3 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp nổi bật nhất, tăng 24,93%, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Duyên hải đều được huy động hết công suất, tổng sản lượng điện tăng 70,68% so với cùng kỳ (cao hơn 5,191 tỷ kWh). Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng duy trì tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay.

Tại Hội nghị tổng kết Ban Chỉ đạo Phát triển điện năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024; phân bổ sản lượng điện năng tiêu thụ năm 2024 đối với cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, tỉnh Trà Vinh đã đề xuất với Bộ Công thương danh mục các dự án đang triển khai và dự án kêu gọi đầu tư đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, trong đó có Dự án Nhà máy Điện sinh khối Trà Vinh công suất 25 MW (dự án đã được cấp chủ trương và đang triển khai thi công); xem xét đưa dự án điện gió tại vị trí V3-6 vào danh mục nguồn dự phòng...

Ngành công thương Trà Vinh còn đề xuất chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quản lý của ngành để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII và đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương cập nhật Dự án Nhà máy Điện sinh khối Trà Vinh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Cùng với đó, tổng hợp các nội dung rà soát, đánh giá phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030 đối với các địa phương, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm theo phương án phát triển 8 cụm công nghiệp đã được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh; theo dõi, phối hợp địa phương hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng 2 cụm công nghiệp đã được thành lập (Hiệp Mỹ Tây, Tân Ngại).

Trong nửa đầu năm, có 23 doanh nghiệp công nghiệp đăng ký mới, tổng vốn đăng ký 132,725 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 11.025 cơ sở, doanh nghiệp được đăng ký (gồm 551 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, 10.466 cơ sở và hộ cá thể), sử dụng khoảng 63.761 lao động.

Tỉnh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn, khảo sát, thu thập thông tin xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; hoàn thành Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An đến năm 2040; triển khai lập các chương trình phát triển đô thị; tiếp tục tổ chức thẩm định Đề án công nhận đô thị, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung các huyện, thành phố, các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu; tập trung hoàn thành điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị, thành lập các phường, thị xã. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến nay đạt 31,1%.

Trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, bổ sung nội dung “nghiên cứu phát triển Trà Vinh thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước”. Đây là yếu tố tiên quyết, tạo điều kiện thuận lợi để Trà Vinh phát triển mạnh ngành sản xuất năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, sản xuất hydrogen... trong thời gian tới.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trước đó, Dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội không có nội dung này.

Qua nghiên cứu, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường đã đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, gặp gỡ, trao đổi và có văn bản đề xuất, kiến nghị gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xem xét bổ sung trình Quốc hội.

Từ cơ sở pháp lý, thực tiễn phát triển, tiềm năng, lợi thế của Trà Vinh và vùng ĐBSCL như Quy hoạch Điện VIII, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của UBND tỉnh Trà Vinh, Nhà máy Sản xuất hydrogen - dự án sản xuất năng lượng mới hydrogen đầu tiên của Việt Nam - đã được khởi công tại tỉnh Trà Vinh năm 2023.

Ngoài ra, các nhà đầu tư điện gió tại Trà Vinh dự kiến tiếp tục đầu tư các dự án điện gió gần bờ, ngoài khơi và tiến hành thỏa thuận mua bán điện với đối tác Singapore, đang chờ chủ trương của Chính phủ...

Ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng giúp Trà Vinh đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nắng, gió và hydrogen - nguồn năng lượng mới, xanh, sạch, góp phần thúc đẩy phát triển tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; từng bước cùng với cả nước hiện thực hóa nội dung cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26): Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Tin bài liên quan