Tín dụng xanh vẫn cần quản lý rủi ro
Ngân hàng là một định chế trung gian tài chính, đi vay và cho vay. Mục tiêu lợi nhuận được thể hiện qua việc sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động vào hoạt động tín dụng.
Suy cho cùng, dù tín dụng xanh hay bất kỳ loại tín dụng nào khác, mối quan tâm lớn nhất của ngân hàng khi giải ngân đồng vốn vẫn là rủi ro tín dụng: Khách hàng có khả năng trả nợ hay không? Phương án có khả thi hay không?…
Dù thiện chí đối với vấn đề bảo vệ môi trường như các tổ chức khác, nhưng xét dưới khía cạnh bản chất hoạt động thì các ngân hàng thương mại đều là tổ chức kinh doanh, mà đã kinh doanh thì ngân hàng phải hoạt động theo tôn chỉ lợi nhuận, lợi ích của cổ đông.
Nếu thực hiện một chính sách tín dụng mang mục tiêu xã hội nhiều hơn mục tiêu kinh doanh, ngân hàng đòi hỏi phải có sự cân bằng tương xứng về mặt lợi ích cho cổ đông. Do vậy, ngân hàng phải bảo đảm có cơ chế quản lý được rủi ro tín dụng.
Khoản đầu tư tài trợ của ngân hàng cho doanh nghiệp “xanh” chỉ có thể hiệu quả nếu như hoạt động kinh doanh, dự án xanh hiệu quả.
Dự án xanh và doanh nghiệp xanh có hiệu quả hay không thì cần nhìn vào những lợi thế cạnh tranh, ưu đãi tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Ðến năm 2014, Quyết định số 403/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được ban hành nhằm phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Các chính sách đã nêu rõ những kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển công nghệ xanh, kinh tế xanh, trong đó có đề cập đến tín dụng xanh.
Hành động cụ thể của chính sách tăng trưởng xanh vẫn chủ yếu dựa trên ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Ðiều 13 về “Ưu đãi về thuế suất” và Ðiều 14 về “Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế” Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và Thông tư số 212/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, xử lý nước thải sinh hoạt, phát triển công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường... được áp dụng thuế suất 10% với thời gian có thể kéo dài lên đến 30 năm. Thu nhập của các doanh nghiệp này sẽ được miễn thuế 4 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico.
Tuy nhiên, để đáp ứng được chính sách miễn giảm thuế thu nhập, pháp luật cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có các cơ sở chứng minh như hóa đơn chứng từ, tiêu chí để khẳng định doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có thể đánh giá khách quan, lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp xanh chưa quá rõ ràng, bởi không có nhiều chương trình hành động triển khai chi tiết chính sách tăng trưởng xanh, ngoài những quy định ưu đãi thuế như trên.
Doanh nghiệp xanh có được hưởng các lợi thế cạnh tranh khác, chẳng hạn lợi thế về quyền sử dụng đất, lợi thế về việc đấu thầu cạnh tranh dự án...? Ðiều này không rõ ràng. Trong khi đó, đối với ngân hàng, các yếu tố này tác động trọng yếu đến rủi ro tín dụng.
Giả sử, đối với công nghệ chế biến, xử lý rác thải - một trong những hoạt động liên quan chặt chẽ đến môi trường, phần lớn cộng đồng hiện nay hình dung là hoạt động chế biến và xử lý rác thải sẽ được thực hiện theo một trong hai phương thức chính là chôn lấp hoặc đốt hủy. Hai phương thức này tạo nên hai hệ lụy môi trường hoàn toàn khác nhau, mà phần lớn mảng “xanh” cho môi trường nghiêng về phương thức đốt hủy.
Doanh nghiệp xử lý rác thải theo phương thức đốt hủy sẽ phải đầu tư khối lượng tiền nhiều hơn vào hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng, thiết bị so với doanh nghiệp dùng phương thức chôn lấp rác thông thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu xử lý rác cao như hiện nay, các tỉnh thành lớn lại chưa đưa ra yêu cầu dự thầu đặc biệt chỉ lựa chọn công nghệ đốt hủy.
Vì vậy, yếu tố lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp xử lý rác thải đốt hủy và chôn lấp thực tế là như nhau.
Ngoài ra, cũng chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục những lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất.
Rủi ro có thể dẫn tới là việc thiếu cơ sở để các ngân hàng làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Nếu sau này doanh nghiệp xanh bị xét lại về nghĩa vụ tài chính trước ngân sách nhà nước về hoạt động kinh doanh, về dự án xanh, thì rủi ro tài chính sẽ đến với doanh nghiệp, còn hậu quả tín dụng sẽ đến với ngân hàng.
Chính sách tín dụng xanh chưa thực sự khuyến khích ngân hàng
Thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.Ngày 6/8/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Quyết định số 1552/QÐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Ngân hàng Nhà nước kêu gọi và thúc giục các tổ chức tín dụng hành động phát triển tín dụng xanh.
Cùng một lượng tiền tệ, nếu đầu tư vào tín dụng xanh thì ngân hàng sẽ giảm trừ cơ hội tương ứng ở những hoạt động tín dụng khác.
Còn nếu dành một nguồn vốn lớn đầu tư vào tín dụng xanh, thì về logic, ngân hàng cần nhận thấy tín dụng xanh có các lợi thế hơn gì các loại hình tín dụng khác.
Ðiều mà các ngân hàng cần hơn ở Ngân hàng Nhà nước là những chính sách ưu đãi cụ thể hơn cho các ngân hàng khi tham gia vào chương trình thúc đẩy tín dụng xanh.
Nếu như để cụ thể hóa các chỉ thị và quyết định nêu trên mà Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định đặc biệt về phát triển tín dụng xanh, trong đó rút bớt các thủ tục bắt buộc như những khoản vay thông thường, thì đây sẽ là điều được giới ngân hàng đón nhận.
Tương tự, nếu các biện pháp hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước trong cho vay tái cấp vốn, trong điều kiện xem xét mở rộng mạng lưới ngân hàng… được đặt ra như một hình thức khuyến khích, thì các ngân hàng thương mại sẽ nhìn rõ hơn về tính ưu việt thực chất khi tham gia chương trình thúc đẩy tín dụng xanh.
Có thể khẳng định, phát triển tín dụng xanh là một hành động cụ thể của giới ngân hàng trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng để tham gia thực chất vào tài trợ cho doanh nghiệp xanh, công nghệ xanh, các ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.