Có nhiều điểm cần khắc phục để TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững.

Có nhiều điểm cần khắc phục để TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững.

Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Kỳ vọng gỡ nhiều nút thắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dõi theo cả chặng đường phát triển từ cột mốc kỷ niệm 22 năm ngày giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán, có lẽ những nút thắt cho sự phát triển của thị trường được nhìn nhận rõ nét hơn.

Thăng trầm và nỗi sợ cảm giác mạnh

Phiên giao dịch đầu tiên diễn ra vào ngày 28/7/2000, đánh dấu sự ra đời chính thức của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong ký ức của nhiều thành viên còn gắn bó với thị trường vẹn nguyên hình ảnh hàng dài rồng rắn nhà đầu tư xếp hàng lấy số để được mua cổ phiếu. Từ những ngày đầu với dăm ba mã cổ phiếu như REE, SAM, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết.

Những con sóng lớn như các năm 2006 - 2007 với nhiều nhà đầu tư cũng là kỷ niệm đẹp.

Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,57% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP, trong đó trái phiếu chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 16,4% GDP.

Chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Sự chuyển đổi trong công nghệ, trong nhìn nhận của xã hội cũng như hiểu biết của nhiều người về thị trường chứng khoán, nhất là cổ phiếu đã thay đổi.

Thị trường chứng khoán trở thành một kênh tích lũy, đầu tư phổ biến hơn với người dân. Con số 1,5 triệu tài khoản cá nhân mở mới năm 2021 và số tài khoản vẫn lập kỷ lục ngay cả trong những tháng thị trường giảm điểm khốc liệt vừa qua là một tín hiệu tích cực.

Nhưng như bất kỳ thị trường nào khác, bên cạnh những nốt thăng, chứng khoán Việt Nam cũng chứa đựng nhiều nốt trầm. Tháng 5/2015, VN-Index từ 640 điểm về 512 điểm, giảm 20%; tháng 4/2018, VN - Index từ 1.200 điểm về 883 điểm, giảm 26%; tháng 2/2020, từ 933 điểm về 650 điểm, giảm 30%. Từ tháng 4/2022 đến nay, nhà đầu tư chịu thử thách khi VN-Index giảm 25%, từ 1.534 điểm về 1.150 điểm (tính trong phiên giao dịch).

Những “cú tát” của thị trường giúp nhiều nhà đầu tư thêm kinh nghiệm, bản lĩnh nhưng cũng khiến không ít người rời bỏ thị trường. Một nhà đầu tư nhiều năm tham gia thị trường thường dẫn câu nói: “Khi sóng lên ai cũng là chuyên gia, khi sóng xuống mới biết ai không mặc quần” để nói về độ khắc nghiệt của thị trường chứng khoán. Không quản trị được rủi ro, nhà đầu tư sẽ phải trả giá rất lớn, trả giá bằng tiền.

Lê Minh Hoàng, nhà đầu tư trẻ gia nhập thị trường từ giữa năm 2020 may mắn có người thân là những Fn nhiều kinh nghiệm dìu dắt đã thừa nhận: “Thị trường khốc liệt hơn tôi từng nghĩ. Những lời dạy của Fn xung quanh tôi luôn là những lời cảnh giác, họ đã nhiều lần trên đỉnh cao và trở lại con số 0 chỉ trong thời gian ngắn. Thời điểm VN-Index chạm 1.200 điểm, với tôi nó là một sự hào hứng, một sự kiện lịch sử, nhưng với mẹ tôi, nó là sự hoảng sợ sau 3 lần thất bại vượt đỉnh. Là một Fn, mẹ tôi luôn kể về những thời kỳ khủng hoảng của bà khi chứng kiến những đợt sóng mạnh của thị trường, không phải ai cũng sẽ thắng. Nhiều nhà đầu tư cùng thời với bà đã rời khỏi thị trường, họ không thể quay lại được”.

Đông đảo nhà đầu tư gia nhập thị trường nhưng không có nhiều người được đào tạo tư duy đầu tư bài bản, được chia sẻ kinh nghiệm từ người thân như Hoàng. Bởi thế, biến động mạnh cũng là đặc tính của một thị trường cận biên như Việt Nam. Thị trường càng tăng trưởng cao thì càng có những rung lắc, điều chỉnh mạnh.

Khát định hướng dài hơi, sản phẩm mới

Nâng hạng lên thị trường mới nổi là mục tiêu đặt ra từ lâu của cơ quan quản lý, nhưng thị trường vẫn còn một số tiêu chí quan trọng chưa đáp ứng được.

Vào thời điểm thị trường kỷ niệm 22 năm phiên giao dịch đầu tiên cũng là lúc nhà đầu tư đón chờ giao dịch T+2 áp dụng, thay cho T+3. Để có sự thay đổi đó, Trung tâm Lưu ký, sở giao dịch và các công ty chứng khoán phải chỉnh hệ thống đáp ứng giờ giao dịch, đẩy nhanh quy trình thanh toán, dự phòng rủi ro.

Vòng quay vốn rút ngắn sẽ thúc đẩy thanh khoản. Nếu giao dịch T+2, một tuần nhà đầu tư có thể giao dịch được 2 vòng, mua thứ Hai và thứ Tư, bán vào thứ Tư và Thứ Sáu và nghỉ cuối tuần.

Chỉ một thay đổi nhưng là nỗ lực của các bên trên nền tảng công nghệ đã cũ, vì hệ thống giao dịch KRX vẫn chưa được vận hành, giao dịch T0 chưa thể triển khai. Các công ty chứng khoán cũng đợi KRX để đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ cho tương thích. Triển khai các sản phẩm khác cũng đều phải chờ hệ thống vì đòi hỏi thanh toán chính xác, nhất là với sản phẩm có tính đòn bẩy cao.

Một số nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao những thay đổi ít phụ thuộc công nghệ cũng chậm, chẳng hạn như cho phép vay ký quỹ sàn UPCoM đã làm đến bước các công ty chứng khoán và sở bàn về tiêu chí chọn cổ phiếu UPCoM được margin… nhưng rồi mọi việc cũng chưa có tiến triển.

Hay việc luật hóa giao dịch điện tử mở tài khoản từ xa mà công ty chứng khoán áp dụng rất phổ biến cũng chưa có, trong khi ngành ngân hàng đã có thông tư hướng dẫn cho việc mở tài khoản ngân hàng điện tử.

Các công ty chứng khoán hiện nay vẫn phải gửi bộ hồ sơ giấy để khách hàng ký bổ sung sau khi mở tài khoản giao dịch điện tử bằng công nghệ định danh eKYC.

Ngoài công nghệ, có vẻ như thị trường còn nhiều nút thắt có thể nhìn thấy nhưng khó để gọi tên. Đó là thiếu sự quyết liệt trong đổi mới.

Ngay ở những thời điểm thị trường sôi động như năm 2021, tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn nhận xét, trong hơn 20 năm qua, thị trường không có gì nổi bật về khung pháp lý, về hệ thống giao dịch, về các sản phẩm mới. Nhiều thành viên thị trường cũng đề cập đến sự đơn điệu nhìn từ nhiều góc độ và bất cập mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần hoàn thiện. Theo đó, có không ít chính sách giật cục đã khiến thị trường nóng, lạnh thất thường.

Ngày 11/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó có nội dung đáng chú ý là phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cố phiếu và trái phiếu.

Đến hết năm 2025, phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu theo chiến lược tài chính và chiến lược phát triển ngành ngân hàng, cụ thể như quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP.

Tâm lý thị trường biến động rất nhanh theo thời gian, mục tiêu bằng những con số có thể sớm đạt được, nhưng duy trì tính bền vững của thị trường mới là điều quan trọng để ở góc độ nào đó, như nhiều nền kinh tế phát triển, nhà đầu tư có thể coi chứng khoán là một kênh cất trữ tài sản an toàn.

Nhiều thành viên thị trường kỳ vọng, tới đây sẽ có những giải pháp cụ thể để “gia cố” cho thị trường về dài hạn như nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, có chính sách phát triển nhà đầu tư tổ chức, thu hút các quỹ đầu tư lớn đến với chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó là yêu cầu nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường. Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Red River Holding từng nhận xét, thị trường chứng khoán Việt Nam có ít sự lựa chọn cho các nhà đầu tư quy mô lớn. Họ cần những hạt giống tốt, những câu chuyện doanh nghiệp thành công để kể với các khách hàng của mình.

Tăng doanh nghiệp niêm yết có chất lượng, có năng lực kinh doanh tốt thật sự, giảm bớt số công ty niêm yết kém, rà soát điều kiện hủy niêm yết theo hướng loại cả những công ty có cơ chế quản trị “có vấn đề”, có những “nổi cộm” phi tài chính..., chứ không chỉ đơn thuần xem xét về lợi nhuận.

Dù vậy, có lẽ khởi đầu cho tất cả giải pháp này là yếu tố con người, việc kiện toàn nhân sự cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán là một trong những yếu tố quan trọng có tính quyết định cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn tới.

Hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính (Trích phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022).

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính (Trích phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022).

Thị trường chứng khoán kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, do đó, cần phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý (gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn...) đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường.

Thời gian tới, ngành chứng khoán sẽ khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán, nhất là qua 2 năm Covid vừa qua.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường.

Đối với giám sát công ty đại chúng, tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán, cũng như chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán. Rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Chúng tôi cũng đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho TTCK trong thời gian tới. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.

Với mục tiêu nâng hạng thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Nên tập trung vào vấn đề thăng hạng thị trường và cải tổ quản trị công ty

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc).

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc).

Để phát triển thị trường bền vững, điều chúng ta nên hướng đến là tăng các hàng hóa niêm yết có chất lượng trên thị trường, giảm bớt số công ty niêm yết kém chất lượng, chủ yếu niêm yết để “kéo, xả” trên thị trường, thay vì có năng lực kinh doanh tốt thật sự. Thu hút các công ty FDI có doanh thu và lợi nhuận lớn ở Việt Nam tham gia niêm yết là một con đường có thể nghĩ đến.

Bên cạnh đó, cần rà soát điều kiện hủy niêm yết và đưa công ty vào diện kiểm soát đặc biệt theo hướng hạn chế những công ty có cơ chế quản trị công ty (corporate governance) có nhiều thiếu sót, chứ không chỉ đặt tiêu chí về hoạt động tài chính làm cơ sở kiểm soát hay hủy niêm yết.

Bước đi quan trọng vẫn là nên tập trung vào vấn đề thăng hạng thị trường và có những cải tổ sâu rộng với quản trị công ty. Việc vi phạm công bố thông tin vẫn còn phổ biến cho thấy vấn đề cốt lõi nằm ở việc một số công ty có hệ thống quản lý nội bộ còn yếu, cũng như người nội bộ không hướng đến giá trị dài hạn, mà chủ yếu nhắm tới kiếm lợi, “tạo game” trên thị trường.

Minh bạch thông tin vẫn là việc khó khăn tại thị trường Việt Nam

Bà Nguyễn Thanh Tâm, Nhà đầu tư 22 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán

Điểm đáng ghi nhận của thị trường chứng khoán sau 22 đi vào vận hành là ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban ngành nhằm xây dựng thị trường phát triển hơn. Chính phủ phản ứng kịp thời hơn với các mối quan tâm của nhà đầu tư. Quy mô thị trường đã đủ lớn, góp phần tạo được các thành phần đa dạng trên thị trường.

Tuy vậy, còn nhiều điểm thị trường vẫn chưa “đạt”, chẳng hạn, minh bạch thông tin vẫn là việc khó khăn tại thị trường Việt Nam. Quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa được bảo vệ một cách đúng đắn, vẫn còn nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tập trung vào lợi ích cá nhân ăn chênh lệch giá, thay vì sự phát triển của doanh nghiệp đó. Nhà đầu tư tại Việt Nam nói chung so với các thị trường khác luôn bị bất lợi về mặt thông tin doanh nghiệp, nên việc bắt buộc công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết chính là giúp cho nhà đầu tư.

Để thị trường phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một việc không khó làm nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Thị trường chứng khoán cần có dòng vốn của tổ chức nước ngoài nhằm giúp cho thị trường ổn định hơn.

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt mục tiêu phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây, tận dụng thị trường chứng khoán sôi động, rất nhiều doanh nghiệp đã phát hành tăng vốn mà không rõ mục tiêu sử dụng. Hành động này có thể được nhìn nhận như phát giấy cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan