Phát triển sản phẩm thu hút khách quốc tế hạng sang

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh các sản phẩm du lịch di sản, văn hóa, thì du lịch golf, du lịch tàu biển, du lịch chăm sóc sức khỏe, mua sắm, giải trí… đều là “mỏ vàng”, giúp du lịch Việt hút khách quốc tế hạng sang.
Du lịch tàu biển cũng là loại hình Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới để thu hút khách quốc tế hạng sang.

Du lịch tàu biển cũng là loại hình Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới để thu hút khách quốc tế hạng sang.

Thời điểm trước dịch Covid-19, bình quân khách du lịch quốc tế tới Việt Nam chi tiêu khoảng 930 USD/người, theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Đây là con số khá khiêm tốn nếu so sánh với các nước như Indonesia (1.225 USD), Philippines (1.252 USD) và đặc biệt là Thái Lan (1.695 USD).

Điều này cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế trong việc thu hút du khách quốc tế có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nước ta chưa có những sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn có thể níu chân du khách quốc tế hạng sang.

Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhận định, sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa bắt kịp xu thế thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa.

“Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm. Chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có sẵn, mà chưa tiếp cận theo cái mà du khách cần, vì vậy, ít nhiều thiếu sức thu hút du khách quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Theo đó, ngành du lịch Việt Nam cần có những giải pháp đột phá để xây dựng các điểm đến, thương hiệu độc quyền, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng “gây thương nhớ” cho du khách, nhất là phân khúc khách tỷ phú, giới siêu giàu; nâng cấp chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị du lịch.

Đặc biệt, chất lượng dịch vụ phải đẳng cấp, khác biệt. Muốn tạo sự khác biệt, phải khai thác các đặc trưng giá trị văn hóa, tự nhiên của mỗi vùng, miền, khu vực; và muốn thu hút được dòng khách có thu nhập cao, thì phải nghiên cứu kỹ tâm lý của họ.

Trăn trở về những vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển cho một số sản phẩm du lịch mới, có khả năng thu hút khách quốc tế hạng sang, điển hình như du lịch golf.

“Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf ngày càng tăng… Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phát triển sân golf để thu hút du khách hạng sang có chi tiêu cao. Chính vì thế, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những người chơi golf là du khách quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất.

Bên cạnh du lịch golf, du lịch tàu biển cũng là loại hình Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới để thu hút khách quốc tế hạng sang. Khảo sát của UNWTO cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng, khai thác triệt để.

Theo đánh giá của bà Wendy Yamazaki, Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ, khu vực châu Á của Tập đoàn Royal Caribbean, tiềm năng phát triển loại hình du lịch tàu biển ở khu vực châu Á rất lớn. Tại Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Singapore, Việt Nam là một trong 3 nơi yêu thích của du khách tàu biển quốc tế.

Thị trường khách du lịch tàu biển tới Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm 2024. Liên tiếp các chuyến tàu du lịch đã cập cảng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Huế.

Tại Quảng Ninh, đầu năm 2024, tàu biển quốc tế Dream Cruise, du thuyền Celebrity Solstice (thuộc hãng Celebrity Cruises)… đã đưa hàng ngàn khách tham quan tới Hạ Long. Chỉ tính riêng tháng 1/2024, có 13 tàu biển cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, mang theo gần 20.000 du khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Tháng 2/2024, Phú Quốc liên tục đón các tàu biển du lịch, siêu du thuyền chở nhiều khách hạng sang đến tham quan, vui chơi, mua sắm tại đảo ngọc. Ngày 2/2/2024, Phú Quốc đón tàu du lịch 5 sao Costa Serena, với khoảng 1.100 du khách quốc tế. Sau đó 1 tuần, ngày 9/2 (ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), Phú Quốc đón tàu du lịch Aida Bella, chở gần 2.000 du khách châu Âu, trong đó, hơn 90% là du khách Đức. Sáng 22/2, siêu du thuyền Le Jacques Cartier (quốc tịch Pháp) chở 150 du khách hạng siêu sang từ các nước Pháp, Mỹ, Anh… đến Phú Quốc.

Theo các chuyên gia trong ngành, với tình hình du khách quốc tế được khơi thông, số chuyến tàu cũng như lượng khách du lịch tàu biển cao cấp tới Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Do đó, để thu hút hiệu quả dòng khách quốc tế cao cấp, cần đưa ra nhiều chính sách nhằm tăng cường khai thác khách du lịch đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế - đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao và văn hóa mang tầm quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức…

Tin bài liên quan