Thưa Bộ trưởng, lần đầu tiên, “đổi mới sáng tạo” được đề cập như một thuật ngữ riêng trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Điều này thể hiện tầm quan trọng thế nào của đổi mới sáng tạo?
Khi nghiên cứu Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của đất nước, chúng tôi thấy rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội “ngàn năm có một” để Việt Nam đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên. Do vậy, chúng ta phải nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội này.
Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm các nước đi trước và đề xuất đưa vào đột phá chiến lược của đất nước. Việt Nam đã xác định tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta bổ sung 2 nội hàm của đột phá chiến lược là khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là đột phá chiến lược trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, quan trọng là thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. Quan điểm đó đã được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế cũng như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cả hệ thống chính trị, từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều đang nỗ lực cho mục tiêu này. Các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra các chiến lược, chương trình hành động cụ thể; rất nhiều mô hình mới, nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh mới được hình thành; nhiều phương thức huy động các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo được thực thi.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là một trung tâm hội tụ trí tuệ từ khắp thế giới, để tạo ra của cải, nguồn lực và lan tỏa, phát triển. Trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất, cần thiết nhất, sau đó là hình thành hệ sinh thái, cùng hợp tác phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến khảo sát tiến độ thực hiện Dự án Xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: Đức Trung |
Quốc hội và Chính phủ đã có những cơ chế, chính sách như thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể gọi vốn và hoạt động kinh doanh, thưa Bộ trưởng?
Luật Đầu tư (năm 2020) lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về “Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”. Có thể thấy, điều này đã tạo ra một tiền đề mới cho các quy định liên quan tới các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Tương tự, trong Luật Doanh nghiệp (năm 2020) cũng quy định các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. Chính phủ đang giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách mới. Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC có 1 nghị định riêng, bao gồm những cơ chế, chính sách khác biệt, vượt trội so với mặt bằng chính sách chung của Việt Nam, có thể cạnh tranh với quốc tế. Sắp tới, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho sửa đổi nghị định này theo hướng tạo nhiều cơ chế, chính sách vượt trội và hấp dẫn hơn nữa, để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, là đơn vị tiên phong nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các nước khác có trung tâm đổi mới sáng tạo, nhưng là phục vụ mục tiêu của các tập đoàn, các địa phương, không phục vụ mục đích chung của quốc gia.
Sau hơn 3 năm hoạt động, NIC đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính là Nhà nước - viện, trường - doanh nghiệp, với sự hợp tác của hàng trăm doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và quốc tế, hơn 200 quỹ đầu tư và gần 2.000 chuyên gia, trí thức người Việt trên toàn thế giới.
Thưa Bộ trưởng, từ nghị quyết đến thực tế là cả một quá trình. Được biết, với sáng kiến thành lập NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gặp không ít khó khăn. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?
Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thành lập NIC, có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng thành công hay hiệu quả hoạt động của NIC. Khi lập Đề án, chúng tôi đã làm việc, bàn bạc rất kỹ với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng một đề án rất bài bản, nghiên cứu cả kinh nghiệm quốc tế, trong nước, cùng với phân tích tình hình cụ thể của Việt Nam và khu vực, để đề xuất mô hình tốt nhất có thể.
NIC là một đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng tự chủ về tài chính, tập trung vào 8 lĩnh vực trọng tâm, gồm: nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, bán dẫn, công nghệ y tế, hydrogen xanh.
Với sự ủng hộ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp cùng mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, đến nay, chúng ta đã có 2 cơ sở NIC Hà Nội (tại quận Cầu Giấy) và NIC Hòa Lạc (tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc) - hiện là trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam và chúng tôi tham vọng sẽ phát triển NIC trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
Đổi mới sáng tạo là câu chuyện của toàn cầu và không thể có đổi mới sáng tạo trong giới hạn. Vậy mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã từng bước trở thành nơi hội tụ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Khi NIC thành lập mạng lưới trí thức, tài năng Việt Nam cách đây 5 năm, chỉ mới quy tụ được 100 nhân tài công nghệ. Đến nay, mạng lưới đã mở rộng tới 2.000 người ở 8 địa điểm khắp thế giới, trong đó có 2 mạng lưới tại Hoa Kỳ (bờ Đông và bờ Tây), gồm các nhân tài công nghệ, tài chính, luật, quản trị và các lĩnh vực quan trọng khác.
Tuy nhiên, số chuyên gia, nhà khoa học tham gia “chưa chính thức” thì có thể lên tới hàng chục ngàn người. Đây là nguồn lực vô giá nếu chúng ta tạo điều kiện để các bạn trở về Việt Nam, hoặc ở nước ngoài nhưng vẫn kết nối với trong nước.
Chúng ta có tài sản rất lớn là những con người Việt Nam được đào tạo rất bài bản tại các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, làm việc tại các tập đoàn, công ty, viện, trường tên tuổi trên toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần phải rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách cần thiết để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyên gia, trí thức. Nếu các bạn chưa về Việt Nam được, thì vẫn có điều kiện hợp tác, kết nối với trong nước. Khi các bạn về Việt Nam, thì có các cơ chế sinh hoạt, đi lại, thị thực, nhập cảnh… thuận lợi.
Giới chuyên môn và các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Đây cũng là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên của NIC. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần chuẩn bị gì để đón cơ hội này?
Chúng tôi đang đề xuất xây dựng một đề án thành lập các trung tâm thiết kế chip, trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo tại NIC trong ngành bán dẫn, hydrogen, y tế… và sẽ triển khai ngay.
Chúng tôi cũng đang đề xuất xây dựng đề án đào tạo 50.000 chuyên gia, kỹ sư trong ngành bán dẫn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo để cụ thể hóa các giải pháp, làm sao đến năm 2030 đạt mục tiêu trên. Khi đó, chúng ta ở tâm thế, vị thế khác và sẵn sàng chủ động tham gia một cách hiệu quả vào ngành công nghiệp bán dẫn.