Phát triển nhanh và bền vững: Doanh nghiệp cần nâng tầm trách nhiệm

Phát triển nhanh và bền vững: Doanh nghiệp cần nâng tầm trách nhiệm

(ĐTCK) Tìm giải pháp cho phát triển nhanh và bền vững đang trở thành mối quan tâm chung của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2019 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các DN cần nâng tầm trách nhiệm, vì đây là nghĩa vụ, là quyền lợi của DN với Nhà nước, của doanh nghiệp với môi trường, doanh nghiệp với doanh nghiệp. 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực tư nhân, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho rằng, đây là một trong những yếu tố then chốt nhất giúp thúc đẩy đầu tư của các bên tư nhân, đóng góp tích cực cho sự phát triển nhanh và dài hạn của Việt Nam. Với cách tiếp cận này, ông Miura đưa ra đề xuất giải quyết các rào cản còn tồn tại trên các lĩnh vực “PPP - quan hệ đối tác công tư”, “sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ”.

“Hiện nay vấn đề nợ công của Việt Nam đã lên đến giới hạn, do đó, Việt Nam cần thúc đẩy việc đẩu tư các dự án cơ sở hạ tầng có sự tham gia của các bên tư nhân. Tuy nhiên, đại diện JCCI cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện nay các nhà đầu tư lại đang gặp phải những rủi ro cao trong mô hình PPP - Quan hệ đối tác công tư. Theo đề xuất của JCCI, để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào các dự án PPP, Chính phủ cần làm rõ việc phân bổ rủi ro giữa các bên tham gia, đồng thời hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân trong việc đảm bảo hoàn vốn hợp lý từ các khoản đầu tư.

Với vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Han Yong cho rằng, ngành công nghiệp phụ trợ là ngành có thể dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và liên tục, tạo ra giá trị gia tăng cao. Do đó Chính phủ nên cân nhắc những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích các DN tư nhân tham gia đầu tư bền vững trong lĩnh vực này. 

Ðại diện cho tiếng nói của DN Việt Nam, Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc, người đồng chủ trì VBF 2019 cho rằng, cần giải quyết nhanh và triệt để các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh để tạo hệ sinh thái khỏe mạnh cho cộng đồng DN phát triển. VCCI nhấn mạnh đề xuất khơi thông các kênh dẫn vốn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn để gỡ vướng bài toán vốn luôn là vấn đề nan giải lâu nay của doanh nghiệp, trong đó có phần lớn các DN vừa và nhỏ.

Ghi nhận các kiến nghị tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho các doanh nghiệp. Các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đều nhằm đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo với phương châm xuyên suốt coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách, khích lệ doanh nghiệp vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ và tham gia, trở thành bộ phận không thể thiếu của phát triển đất nước, đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự chủ động, tích cực hơn trong các hành động vì sự phát triển bền vững, trong đó có việc góp ý cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. “Ðó là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp với nhà nước, của doanh nghiệp với môi trường, doanh nghiệp với doanh nghiệp. Thực hiện được vai trò này sẽ góp phần nâng tầm trách nhiệm của DN với phát triển nhanh và  bền vững của quốc gia”, Bộ trưởng nói.

Doanh nghiệp là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng

Phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển. Với vai trò tích cực trong phát triển bền vững, doanh nghiệp chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Doanh nghiệp có nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, cung cấp đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Nếu doanh nghiệp gắn lợi ích của mình với cộng đồng, chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.

Tin bài liên quan