Phát triển nhanh, mạnh, nhưng bền vững và nhân văn

Phát triển nhanh, mạnh, nhưng bền vững và nhân văn

Để trở thành một cường quốc kinh tế, có thể chỉ cần 30 - 50 năm, nhưng để có một nền văn hóa phải cần tới cả ngàn năm. Thực tiễn phát triển thế giới đang cho thấy, muốn phát triển nhanh, mạnh thì đi bằng công nghệ, nhưng phát triển bền vững và nhân văn thì không thể không đi bằng văn hóa.

Thời kỳ cạnh tranh và phát triển mới của thế giới, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong “thế giới phẳng” và không phẳng đã và đang mở ra những cơ hội phát triển mới mẻ chưa từng có, với quy mô, tốc độ đột phá, nhưng cũng đặt ra những thách thức tụt hậu nan giải đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, trên quy mô toàn cầu.

Đối với chúng ta, thời cơ chiến lược hay nguy cơ bỏ lỡ vận hội và hiểm họa lệ thuộc khôn lường hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiên lượng, lựa chọn, đón bắt và giải quyết của chúng ta trên con đường phát triển: hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ. Nó đòi hỏi không chỉ về tầm nhìn chiến lược, mà còn thách thức về sự chuẩn bị thế lực một cách vững chắc, chủ động đón lấy thời cơ một cách tỉnh táo và tạo ra thời cơ một cách hiện thực, để đất nước phát triển và “cất cánh”. Đó là sự kết tinh nội lực đủ mạnh, tạo dựng nền tảng cho sự hội nhập và phát triển mới, với tất cả các ngoại xung lực, hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới đương đại.

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Vấn đề nổi lên có tính bước ngoặt, chuyển giai đoạn, cần vạch rõ sao cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thấy rằng, nếu đổi mới 35 năm qua (1986-2020) là bằng đường lối đổi mới đưa nước ta từ một nước nghèo, khủng hoảng kém phát triển thành một nước ổn định chính trị - xã hội và phát triển trung bình có vị thế lớn trên thế giới, thì đổi mới nhịp sóng thứ tư, từ năm 2016 trở đi là đổi mới, sáng tạo, với tên gọi đổi mới thời kỳ 4.0, để đưa nước ta từ nước phát triển trung bình thấp thành nước phát triển cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, tức từ 20 đến 25 năm tới.

Thực tiễn phát triển thế giới đang cho thấy, muốn phát triển nhanh, mạnh thì đi bằng công nghệ, nhưng phát triển bền vững và nhân văn thì không thể không đi bằng văn hóa.

Văn hóa là nền móng căn bản, là nguồn lực chiến lược để Việt Nam “cất cánh”

Văn hóa là nền móng căn bản, là nguồn lực chiến lược để Việt Nam “cất cánh”

Hiện nay, những mâu thuẫn thật sự gay gắt bậc nhất giữa tiếp tục tụt hậu, phát triển chậm chạp, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với yêu cầu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển cao, vững mạnh; giữa thực trạng sa lầy vào tham nhũng, lãng phí, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề với phát triển mạnh mẽ và bền vững; giữa sức ép về chủ quyền, về sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ với ổn định và phát triển, xác lập sức mạnh và uy tín thật sự được coi trọng cao và toàn diện trên trường quốc tế... đang cần kíp phải được hóa giải một cách kiên định, tổng thể, nhưng thấm đẫm nhân văn và tinh tế.

Vì thế, con đường tối ưu là, phát triển tuần tự kết hợp với nhảy vọt biện chứng đã chín muồi không chỉ về phương diện nhận thức, mà còn trên bình diện tổ chức thực tiễn, không chỉ về sự phát triển về định tính, mà quan trọng hơn là sự hoàn thiện về định lượng mang tính tổng thể, toàn diện và phù hợp, không chỉ về quy mô mang tính đồng bộ, mà còn là nhịp độ phát triển ngang tầm và hài hòa tất thảy các phương diện, các lĩnh vực đổi mới một cách chỉnh thể, toàn diện và nhân văn của công cuộc đổi mới được khởi xướng từ 40 năm trước.

Điều đó đòi hỏi xây dựng một triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững mang tầm chiến lược, trước hết về chính trị, kinh tế - xã hội thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế một cách toàn diện và hiệu quả.

*

* *

Từ thực tiễn phát triển công cuộc đổi mới sau 40 năm và dự báo tương lai càng xác tín, tầm nhìn - thể chế - lực lượng là 3 nhân tố cơ bản quyết định thành công.

Vị thế địa - chính trị chiến lược của đất nước đã ban tạo cho dân tộc ta cơ hội và thực lực kiến tạo, phát triển một nền văn hóa Việt Nam bản sắc và hiện đại, thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhưng xử lý ra sao trước vấn đề giao thoa văn hóa, an ninh văn hóa và tiếp biến, hấp thụ tinh hoa văn hóa thế giới nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc và hiện đại - nền tảng tinh thần xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong một “thế giới phẳng” và không phẳng. Trái thế, nhất định rơi vào vũng bùn của sự thất bại từ căn cơ.

Việt Nam khát vọng trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hóa.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam không dịch chuyển, khác với tất cả các nền văn hóa khác, thích ứng với mọi thay đổi - đó là nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập cần hướng tới và kiên quyết xây dựng. Chỉ có như thế, dân tộc mới đứng vững, cho dù sóng gió của cuộc hội nhập thế giới có thách thức “mất, còn” đối với dân tộc thế nào, cho dù những đợt sóng của cuộc “động đất lịch sử” khi các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, những cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu những năm 1998, 2008 có dập vùi, đe dọa “sinh, tử” đất nước tới đâu. Đất nước đứng vững và phát triển cũng một phần vì đó và nhờ đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chính trị lúc này là đạo đức. Vấn đề văn hóa đạo đức trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế phải được xử lý ngang tầm. Môi trường phi đạo đức là môi trường phi chính trị, phi kinh tế. Càng phát triển kinh tế thị trường, càng hội nhập quốc tế, đạo đức không thể đứng hàng thứ hai. Nó là một thành tố của kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế và trở thành lực lượng kinh tế, đó chính là văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế… Nếu không chung sức vun đắp xây dựng một nền văn hóa của sự phát triển toàn diện và thống nhất, vì sự hùng cường của Tổ quốc, vì sự tiến bộ của nhân loại, thì chắc chắn khó có thể nói tới một Việt Nam phát triển phồn vinh, bền vững và nhân văn. Và, như thế, nhất định rơi vào ngắn hạn và thất bại.

Quyết sách của Đại hội XIII của Đảng về công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, theo nghĩa đó, là quyết sách chính trị - lịch sử mang tầm nhìn thế kỷ. Đó là nhân tố quyết định vị thế và phát triển sức mạnh toàn diện của đất nước, vận mệnh chính trị mới và nặng nề của Đảng, mà mấu chốt là đột phá về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội.

Theo đó, phải cải cách, đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, với một Nhà nước thực sự mang tầm kiến tạo, liêm chính, pháp quyền, vững mạnh; giữ vững độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia, tiếp tục nâng cao hơn vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Kinh nghiệm càng cho thấy, không nhận diện đúng về đổi mới thể chế chính trị, kinh tế, xã hội…, không thể nói tới phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn. Ở đây, có thể nói, bao hàm 4 nhân tố rường cột cấu thành hệ thể chế của đất nước: Thể chế kinh tế giữ vai trò nền tảng; thể chế chính trị giữ vị thế trung tâm; thể chế xã hội giữ vai trò động lực chủ yếu; và thể chế chính trị quốc tế giữ vai trò động lực quan trọng.

Một cách tự nhiên, không kiến tạo và đổi mới các thể chế liên quan tới thể chế một cách đồng bộ, chúng ta không thể đổi mới thể chế chính trị như mong muốn, càng không thể đổi mới thể chế kinh tế… trên tầm quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất và tương xứng. Vì, các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm trước, trong cuộc kiến thiết nước nhà, “phải được chú ý đến” và cần “coi trọng ngang nhau” một cách tổng thể và hài hòa. Nhưng vấn đề là, xử lý mối quan hệ tổng thể đó như thế nào? Nó hoàn toàn tùy thuộc vào việc lựa chọn thứ tự ưu tiên các vấn đề phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể; đồng thời, chủ động giải quyết đồng bộ các vấn đề khác mang tầm tổng thể và thống nhất.

Hiện nay, tiếp tục đột phá đổi mới về thể chế, trước hết bảo đảm chính trị đồng bộ với kinh tế và xã hội trở nên cấp thiết trong tổng hòa sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, tạo động lực bứt phá về kinh tế, phát triển xã hội làm nền tảng công cuộc đổi mới, với xung lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trí tuệ nhân tạo, trong hội nhập quốc tế. Đổi mới để phát triển thể chế. Và, thể chế vì đổi mới và pháp quyền. Đó là biện chứng của sự phát triển tối ưu.

Các quốc gia phát triển trước Việt Nam, Hàn Quốc mất 20 - 25 năm, từ một nền kinh tế xấp xỉ Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Trong khi chúng ta mất 35 năm để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vì sao Việt Nam như vậy? Câu trả lời là, bởi thể chế kinh tế thị trường chưa được kiến tạo đồng bộ, phù hợp và tương xứng. Nhân tố quan trọng nhất là quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, trong đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng cho thị trường phát triển. Do đó, phải xây dựng hành lang pháp lý, chứ không phải xây dựng “một đoạn đường sắt để con tàu chạy trên hai đường ray”.

Điều quan trọng nhất lúc này là phải hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế. Nhiều chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam rất thấp. Về vấn đề này, Tổng thống Indonesia từng tuyên bố, các chỉ số cạnh tranh của Indonesia xếp hạng trên 50 là nhục quốc thể.

Trong công việc kiến tạo thể chế, không thể không kiến thiết và phát triển môi trường kinh tế - xã hội song hành và đồng bộ với môi trường chính trị - văn hóa và sinh thái Việt Nam. Đến lượt nó, thể chế là sự bảo đảm sự tự do phát triển kinh tế, xã hội, sự tự do và sáng tạo vô hạn của nhân tố con người một cách pháp quyền và dân chủ. Nếu không như thế, mọi cuộc cải cách sẽ rất khó thành công.

Không một cuộc vận động chính trị nào có thể thành công, nếu không xây dựng thành công môi trường xã hội - chính trị tương dung và lôi cuốn toàn xã hội tham gia. Công cuộc đổi mới càng đòi hỏi như vậy. Dù được hoạch định và tổ chức thực thi hoàn bị bao nhiêu mà không có sự tham dự của Nhân dân đông đảo, chắc chắn rất khó thành công, nếu không nói là cầm chắc thất bại. Nghĩa là, không ai, tổ chức nào có thể “đứng ngoài chính trị” hay “kinh tế vị kinh tế”, dưới bất cứ hình thức nào.

*

* *

Sức mạnh của quốc gia trước hết được đặt trên nền móng sức mạnh của kinh tế. Tuy nhiên, lịch sử thế giới xác tín, một quốc gia chỉ cần 3, 4 thập kỷ để trở thành một cường quốc kinh tế, nhưng phải cần hàng trăm năm, thậm chí nhiều trăm năm mới có thể trở thành cường quốc văn hóa.

Việt Nam khát vọng trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hóa!

Giữa thế giới toàn cầu hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam phải trở thành tấm căn cước dân tộc trong cuộc chủ động hội nhập toàn cầu. Không có căn cước tất bị hòa tan, thậm chí vô hình biến thành “sân sau”, trở thành nô lệ cho người khác. Linh đơn của tấm căn cước ấy không gì khác là văn hóa.

Dân tộc sẽ bị đồng hóa, khi văn hóa Việt Nam làm nền móng cho sự tồn tại tinh thần độc lập dân tộc bị coi nhẹ hay hạ thấp. Không một ai không thấy điều đó. Các nước càng phát triển văn minh và hiện đại, thì càng phát triển nhân văn và bền vững. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách bản sắc, nhưng tránh rơi vào vũng bùn của căn bệnh đặc thù (chủ nghĩa ngoại lệ). Cần thấy rằng, cái đặc thù là trên cơ sở cái chung, mang tính bản chất cụ thể, (có thể chưa) toàn vẹn, chứ không phải nằm ngoài cái chung. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược và nóng bỏng trong phát triển kinh tế và của chính văn hóa. Đó là tầm nhìn của chính trị và của chính văn hóa về phát triển kinh tế đất nước.

Quyết sách của Đại hội XIII của Đảng về công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ là quyết sách chính trị - lịch sử mang tầm nhìn thế kỷ. Đó là nhân tố quyết định vị thế và phát triển sức mạnh toàn diện của đất nước, vận mệnh chính trị mới và nặng nề của Đảng, mà mấu chốt là đột phá về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội.

Xét về xu hướng và tính phổ quát nhân loại, thì nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa không phải là cái ngoại lệ nào đó. Bởi vì, tính xã hội chủ nghĩa nảy sinh trên nền tảng kinh tế - xã hội hiện đại thông qua biến đổi có tính cách mạng gạt bỏ hình thức kinh tế - xã hội lỗi thời của nó - chủ nghĩa tư bản và những biến thể của nó mà thôi. Do đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội là một nấc thang, một giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại, hoàn bị, dưới chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là thứ gì khác. Nó là công cụ dưới chủ nghĩa xã hội, để tạo nên thực lực và sức mạnh Việt Nam, tôn vinh vị thế và uy tín Quốc thể Việt Nam.

Do đó, cần thiết phải thấy rằng, mỗi quyết sách về kinh tế cần bắt đầu từ nền móng trước hết là một quyết sách về chính trị, văn hóa và nhân văn, để tránh rơi vào quyết định luận kinh tế đơn thuần, nhất là khắc chế cái quy luật tàn khốc “cá lớn nuốt cá bé”, “kinh tế vị kinh tế”, “tiền vị tiền”, cổ xúy vô hình cho thói “tiền trao cháo múc”, “trả tiền ngay, lạnh lùng không tình nghĩa”… của kinh tế thị trường mà không ít quốc gia mắc phải khi cùng xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường. Đó chính là tính nhân văn, tính đạo đức làm nên bản chất nhân văn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì Nhân dân và cho Nhân dân, vì sự hùng mạnh của quốc gia. Đó cũng là bản chất ưu việt của chế độ ta, nhân tố làm nên sức mạnh và tôn vinh Quốc thể Việt Nam. Xét cho cùng, đó chính là văn hóa.

Do đó, công việc mấu chốt cần kíp tập trung đổi mới thể chế trước hết và trung tâm là nói đến vai trò của Nhà nước trong và đối với nền kinh tế đất nước, thông qua việc chế định và định chế các cơ chế, chính sách vĩ mô, đòn bẩy đối với nền kinh tế, theo chủ kiến của Nhà nước. Nói xác đáng, phải xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, xét ở mọi chiều cạnh, cả chính trị lẫn kinh tế và văn hóa.

Điều quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế, tạo động lực bứt phá về kinh tế và phát triển xã hội. Trong ảnh: TP.HCM - địa phương đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: Nguyễn Xuân Bách

Điều quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế, tạo động lực bứt phá về kinh tế và phát triển xã hội. Trong ảnh: TP.HCM - địa phương đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: Nguyễn Xuân Bách

Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, cần nhấn mạnh, Nhà nước tập trung làm tốt các công việc: đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đưa kinh tế vận động theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại; đổi mới thể chế bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng, bảo vệ các nền tảng về kinh tế và pháp lý của kinh tế thị trường; khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết và dự báo những chấn động, những “cú sốc”, “cú co giật” của thị trường; xây dựng đội ngũ điều hành nền kinh tế một cách ngang tầm... nhằm chủ động phân bổ đúng, trúng và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững; đồng thời, song hành thực hiện tốt các chức năng xã hội nhằm bảo đảm công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội. Nói gọn lại, Nhà nước làm nhiệm vụ kiến tạo phát triển, dẫn lối và chuẩn bị những điều kiện cần và đủ về pháp luật, hệ công cụ quản trị để kiểm soát, điều tiết nền kinh tế thị trường một cách dân chủ, nhân văn.

Mặt khác, khi chúng ta vượt qua và thoát khỏi vòng kiềm tỏa về những biến dạng của văn hóa kinh tế trên phương diện phát triển kinh tế, thì đồng thời thoát khỏi vòng kiềm tỏa về những dị tật của kinh tế một cách văn hóa, để phát triển mạnh mẽ và bền vững của chính nền kinh tế quốc gia. Người Việt phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập, phải mở được những lối đi riêng, tạo dựng được những mô hình phát triển không rập khuôn các nước khác, dĩ nhiên phù hợp với mình. Phải phấn đấu trở thành hội điểm đầu tư và thương mại toàn cầu một cách văn hóa. Đó là bản chất văn hóa của nền kinh tế quốc gia hiện nay và tương lai.

Điều cần cảnh báo là tư duy chộp giật, “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi” vô đạo đức của nhiều người có trách nhiệm đã và đang dung túng tình trạng này, gây hại lâu dài cho nền kinh tế, nhưng đáng lo hơn là làm tổn thương văn hóa và chính trị.

Nhiều năm qua, không ít cuộc “đi đêm” một cách tăm tối của không ít chính trị gia hủ bại với các doanh gia kém nát sặc mùi con buôn đã làm băng hoại cả hai về chính trị và kinh tế càng cho thấy, tất cả đều do hủ bại, suy đồi về đạo đức, về văn hóa kinh doanh và nguy hiểm hơn là hủ bại về văn hóa chính trị và cả chính kinh tế. Sự dung túng, tiếp tay cho những tệ nạn đó, không chỉ phá nát thị trường, mà còn vô hình hạ sát đạo lý chính trường, đạo lý kinh doanh; không ít người mang trọng trách nếu có tự mình mua dây để tự trói chân mình, thậm chí tự thắt cổ mình, thì cũng không lấy gì làm lạ cả. Đó là phản văn hóa. Như thế, đất nước sao có thể đi nhanh, đi xa và bền vững cho được?

Và, đó chính là “lỗ hổng” về văn hóa pháp lý, khoảng trống về văn hóa kinh tế, cần được lấp đầy.

Vấn đề phát triển mạnh mẽ và bền vững của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy cần phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển kinh tế trong mối quan hệ tổng thể, toàn diện và đồng thời về phát triển kinh tế với chính trị và văn hóa, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những chính sách kinh tế thành công biệt lập hay sai lầm, yếu kém đơn lẻ, dù là vô cùng cần thiết, và vô hình tự bó mình vào đó. Và, nếu trái thế, chắc chắn thất bại là điều được báo trước.

Thể chế mà chúng ta xây dựng chính là sự tổng hòa của cơ chế và những định chế về chính trị, kinh tế và xã hội mang tính pháp quyền, để vận hành quốc gia một cách độc lập và cụ thể. Nói cách khác, sự đột phát đổi mới thể chế phải nắm lấy như một công cụ và hành động một cách chủ động, kiên định, mạnh mẽ một cách tự do, dân chủ và pháp quyền nhằm bảo đảm phát triển công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay và tương lai một cách độc lập, sáng tạo, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.

Đó cũng chính là thách thức trong cuộc kiến tạo và phát triển môi trường văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa đạo đức, văn hóa ngoại giao Việt Nam… góp phần làm nên bản lĩnh chính trị, sức mạnh văn hóa, trong bối cảnh hiện nay, trực tiếp phát triển nền tảng tinh thần xã hội, tạo xung lực mới của công cuộc đổi mới.

Không có văn hóa Việt Nam dân tộc và hiện đại, chúng ta sẽ không có gì cả, càng không thể nói tới công việc đổi mới chính trị, kinh tế hay bất cứ phương diện nào khác, như mong muốn. Văn hóa là nền móng căn bản, là nguồn lực chiến lược cho phát triển trong thế kỷ XXI. Và điều lớn nhất là, xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia mang bản sắc Việt Nam.

*

* *

Công cuộc đổi mới đã làm đảo lộn rất toàn diện và sâu sắc đất nước, bộc lộ cả sự khiếm khuyết, thậm chí tụt hậu trên không ít phương diện, đặc biệt ở vào những bước ngoặt của đất nước, về tầm nhìn và quyết sách. Mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, giữa kinh tế và xã hội, giữa pháp luật và đạo đức, giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữa đối nội và đối ngoại… trên phương diện xây dựng con người càng thực sự là nhân tố quyết định. Một bất cập hay sai lầm trên phương diện này sẽ phải trả giá bằng cả thập kỷ, thậm chí bằng cả thế hệ.

Nói tới đổi mới toàn diện, đồng bộ trên phương diện xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, trực tiếp là đội ngũ các nhà chính trị, các kinh tế gia, khoa học gia ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, làm chủ sự vận hành, sức mạnh của nền kinh tế và xã hội quốc gia. Ở họ không chỉ hội tụ và thể hiện quyền lực của Nhân dân, mà còn thể hiện quyền năng và quyền lực của nền chính trị, quyền lực nền kinh tế quốc gia và quyền uy cá nhân, với tư cách là nhà chính trị và nhà khoa học - rường cột của nguồn nhân lực quốc gia.

Do đó, trọng tâm của công việc đổi mới xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, với trung tâm là chính trị gia, quản trị gia và kỹ trị gia hiện nay là nhân tố có ý nghĩa quyết định mang tầm chiến lược tới năm 2045.

Trước tiên, phải xây dựng đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược theo hướng chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa. Họ phải là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn chiến lược, dũng cảm, danh dự chính trực và liêm chính. Chính trị hay kinh tế là sự trong sạch. Trái thế, tất bại.

Hai là, đổi mới mối quan hệ giữa chính trị và khoa học, trước hết là mối quan hệ giữa chính trị gia và khoa học gia, một cách dân chủ và hài hòa. Đó chính là vấn đề chính trị và kỹ trị. Hơn lúc nào hết, cơ chế bảo đảm mối quan hệ giữa chính trị và khoa học phải được đặt ra và giải quyết một cách ngang tầm. Thiếu nhân tố này, sẽ thất bại.

Ba là, đào tạo họ một cách toàn diện, trước hết là tư cách, rộng hơn là đạo đức của một người làm chính trị trong nền chính trị hiện đại, làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Vì, chính trị là đạo đức, là tự trọng, là liêm chính, cao nhất là danh dự quốc gia. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài.

Bốn là, đối đãi và bảo vệ những người làm chính trị, những nhà khoa học, nhất là những chính trị gia, những kinh tế gia.. thật ngang tầm và xứng đáng. Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, xử lý thật nghiêm minh những nhà chính trị, các khoa học gia, quản trị gia, kinh tế gia làm tổn hại uy tín và sức mạnh nền chính trị, kinh tế, sức mạnh và uy tín đất nước. Vì, họ là biểu tượng quốc gia, là tấm gương phản chiếu Quốc thể Việt Nam.

Chính trị hay kinh tế đều vị nhân sinh. Mọi sự phát triển của kinh tế phải xoay xung quanh con người, vì và cho Nhân dân, chứ không phải ngược lại thì đó chính là mục tiêu chính trị mang tầm vóc văn hóa phát triển của đất nước! Xét cho cùng, đó cũng chính là mục tiêu sự phát triển văn hóa của chúng ta, trên con đường phát triển nền chính trị, kinh tế, đối ngoại Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Năm 2021, dư luận quốc tế xác chứng: “Nhìn lại lịch sử và nền chính trị Đông Nam Á, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã trở thành một trong những quốc gia gây ấn tượng nhất, lạc quan nhất và một trong những quốc gia thành công nhất”.

Tin bài liên quan