Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Việt Hưng- quận Long Biên

Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Việt Hưng- quận Long Biên

Phát triển nhà ở xã hội: Hướng đi tất yếu

Thị trường bất động sản (BĐS) tuy tiếp tục giảm giá, song thực tế, giá nhà, đất vẫn quá cao so với thu nhập của đại đa số tầng lớp người dân lao động. Chủ trương phát triển nhà ở xã hội là hướng đi tất yếu.

Thu nhập thấp khó mua nhà

Ngày 6/7, tại hội thảo "Thông minh + Kết nối: Xu thế phát triển nhà ở và đô thị hiện đại" tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho biết, thời điểm năm 2009, tổng quỹ nhà ở của Việt Nam là 1.596 triệu m2, trong đó 585 triệu m2tại các khu đô thị và 1.011 triệu m2 tại nông thôn. Mật độ nhà ở bình quân đầu người là 18,6m2/người. Về nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM, thị trường nhà ở tập trung cao, giá nhà tại hai thành phố này ngày càng tăng cao, hiện đứng vào "Top 5" của thế giới. Điều này gây khó khăn cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà.

Theo Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia được Chính phủ phê duyệt năm 2004, mật độ nhà ở trên đầu người cần đạt 25m2/người vào năm 2010. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi năm tổng quỹ nhà phải tăng thêm 60 triệu m2. Số liệu cũng cho thấy các cá nhân đã tạo ra khoảng 70% số nhà ở mới và phần còn lại là do các công ty đầu tư. Tuy nhiên, người Việt thích mua nhà hơn là đi thuê nhà, điều đó thậm chí là đúng cả đối với tầng lớp có thu nhập thấp. Vài năm trước, một căn hộ có mức giá trung bình rất dễ bán. Tuy nhiên hiện nay, mức giá của một căn hộ trung bình cũng đã nằm trong khoảng từ 400 - 600USD/m2.

Thống kê cho thấy, hiện vẫn có 15 - 20% số hộ gia đình thành phố gặp khó khăn trong việc mua nhà. Có 7 triệu người thu nhập thấp tại các khu đô thị có mong muốn mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Có 1 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và 1,2 triệu sinh viên có nhu cầu về nhà cho thuê phù hợp. Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển nhà ở xã hội để xây nhà ở xã hội bằng ngân sách Nhà nước cũng như thu hút đầu tư từ lĩnh vực tư nhân để xây dựng nhà ở giá rẻ cho những người có thu nhập thấp.

 

Chiến lược dài hơi

Từ năm 1995, Chính phủ Việt Nam đã chi tiết hóa chiến lược phát triển đô thị. Hiện nay, dân số đô thị khoảng 25,37 triệu người, tương đương với 29,5% dân số toàn quốc và theo dự báo tăng lên con số 46 triệu người, chiếm 45% dân số toàn quốc vào năm 2020. Có 729 thành phố và thị trấn, trong đó 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, 4 thành phố thuộc Trung ương, 88 thành phố trực thuộc các tỉnh, thành và 635 thị trấn. Diện tích đất đô thị tại Việt Nam vào khoảng 1.140km2 ở thời điểm năm 2000, tăng lên đến 2.400km2 vào năm 2010 và 4.600km2 vào năm 2020.

Về phát triển các khu đô thị và khu dân cư mới, hiện nay, có 1.600 dự án phát triển các khu đô thị và khu dân cư mới đang được triển khai tạiViệt Nam, với 33.000 héc-ta đất và tổng diện tích sàn là 129 triệu m2. Trong số các khu đô thị mới có 7 dự án được đầu tư bởi các nhà phát triển đô thị nước ngoài hoặc các liên doanh giữa các đơn vị phát triển Việt Nam và nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về xây mới các khu chung cư cũ tại các thành phố. Chính phủ còn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia chương trình này với nhiều ưu đãi khác nhau.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục Quản lý nhà & thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) bày tỏ: Phát triển đô thị cần kết hợp giữa cải tạo các đô thị cũ với xây dựng các khu đô thị mới, tạo thế cân bằng phát triển giữa các vùng nhưng vẫn phù hợp với đặc thù riêng từng vùng. Còn việc phát triển nhà ở làm sao để người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp cũng mua được nhà.

Ông Nguyễn Trần Nam , Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị tăng gấp 4 lần so với năm 2020 và 10 lần so với hiện nay; theo đó sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội quý giá cho Việt Nam trong việc xây dựng các thành phố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường theo đúng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.