Nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam chưa quen với việc đầu tư qua quỹ, mà chủ yếu tự đầu tư

Nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam chưa quen với việc đầu tư qua quỹ, mà chủ yếu tự đầu tư

Phát triển ngành quỹ, cần sự chung tay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ đầu tư dù không phải là sản phẩm mới trên thị trường, nhưng vẫn còn tương đối xa lạ với hầu hết công chúng đầu tư.

Hiện trạng quỹ đầu tư

Quỹ đầu tư bắt đầu hình thành và phát triển tại thị trường Việt Nam từ gần hai thập kỷ trước. Trong đó, Quỹ thành viên Vietcombank 1 (VPF1) là một trong những quỹ được thành lập sớm nhất, từ năm 2006. Các quỹ ban đầu chỉ được thành lập dưới hình thức quỹ đóng và tới năm 2012, quỹ mở cho công chúng đầu tiên mới ra đời.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ đến ngày 31/3/2023 lên tới 583.700 tỷ đồng, tương đương 6% GDP của Việt Nam, song quy mô của các quỹ đầu tư chỉ là 72.600 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ. Phần còn lại là danh mục uỷ thác, chiếm tới 88% quy mô tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ, chủ yếu là tài sản quản lý cho các công ty bảo hiểm. Trong tổng quy mô của 99 quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ ETF (12 quỹ) chiếm 45%, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trung bình 61%; quỹ mở cổ phiếu (25 quỹ) chiếm 19%; quỹ mở trái phiếu (22 quỹ) chiếm 18%; quỹ thành viên (32 quỹ) chiếm 16% và các quỹ khác (5 quỹ mở cân bằng, 2 quỹ đóng và 1 quỹ bất động sản) chiếm 2%.

Có thể nói, chỉ có tỷ lệ rất nhỏ nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam lựa chọn hình thức đầu tư qua quỹ. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho thấy, tại ngày 31/3/2023, mới có 212.636 nhà đầu tư tham gia quỹ mở, cùng 35.581 nhà đầu tư tham gia quỹ ETF, mới chỉ có 0,25% dân số Việt Nam đầu tư quỹ đại chúng tính đến thời điểm này.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Vietcombank

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Vietcombank

Số liệu rất khiêm tốn này có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân:

Thứ nhất, hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ chưa phát triển. Theo quy định tại Luật tổ chức tín dụng, các ngân hàng tại Việt Nam không được phân phối chứng chỉ quỹ (phải thực hiện qua công ty con, nên không tận dụng được lợi thế mạng lưới của ngân hàng), trong khi các công ty chứng khoán còn tập trung vào mảng môi giới, chưa tập trung vào mảng phân phối chứng chỉ quỹ. Các nền tảng online - mới được phát triển gần đây - đóng góp tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị phân phối chứng chỉ quỹ.

Thứ hai, nhà đầu tư còn thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân. Nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam chưa có nhiều kiến thức về đầu tư, chưa coi đầu tư là công cụ quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân, vẫn coi chứng khoán là công cụ mang tính cơ hội ngắn hạn để đầu cơ, chưa tin tưởng vào lợi ích dài hạn của các quỹ đầu tư.

Thứ ba, sản phẩm quỹ tại Việt Nam còn nghèo nàn. Do các công cụ đầu tư của Việt Nam chưa nhiều, chiến lược đầu tư của các quỹ cũng giản đơn, thường chỉ có quỹ cổ phiếu, trái phiếu hoặc cân bằng. Trong khi trên thế giới, mỗi nước có thể có hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn sản phẩm khác nhau; chiến lược đầu tư theo ngành, theo nước, theo khu vực, toàn cầu; chiến lược tăng trưởng, giá trị, thu nhập, vốn hoá lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ... Gần đây, ở Việt Nam, có một số quỹ có chiến lược đầu tư vào một ngành cụ thể như tài chính, ngân hàng, bất động sản hay các quỹ ETF Finlead, ETF Diamond, tập trung vào các cổ phiếu hết room ngoại, nhưng rõ ràng, sản phẩm còn rất nghèo nàn.

Thế giới đang đi theo xu hướng đầu tư xanh, các quỹ ESG (môi trường - xã hội - quản trị) mở ra rất nhiều, nhưng Việt Nam gần như chưa có. Bản thân các quỹ cũng không có sự phân biệt quá rõ ràng về chiến lược đầu tư, thường để linh hoạt, có rất ít sản phẩm quy định rõ về chiến lược đầu tư cụ thể như đầu tư cổ phiếu vốn hoá lớn hay vừa hay nhỏ, đầu tư tăng trưởng hay giá trị.

Với chiến lược đầu tư chung chung, các quỹ thường không có chỉ số tham chiếu riêng cho mình mà để chung là VNindex. Bản thân nhà đầu tư cũng chưa hiểu về các công cụ đầu tư và chiến lược phân bổ tài sản, đánh đồng các sản phẩm quỹ mở với nhau. Khi so sánh lợi nhuận của các quỹ, cũng không so sánh giữa các chiến lược đầu tư với nhau.

Để ngành quỹ phát triển tương xứng với tiềm năng

Tại ngày 31/3/2023, quy mô của các quỹ đầu tư chỉ đạt 72.600 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ.

Có thể thấy, mặc dù đã có lịch sử hình thành gần 20 năm và có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, ngành quỹ Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, với các sản phẩm đơn giản, quy mô nhỏ, tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vào quỹ còn rất khiêm tốn, đóng góp của các quỹ vào giao dịch thị trường gần như không đáng kể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngành quỹ còn dư địa phát triển rất lớn trong tương lai.

Tuy vậy, để ngành quỹ phát triển tương xứng với nền kinh tế, giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định, trở thành nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp chất lượng cao phát triển cũng như là công cụ quan trọng xây dựng thịnh vượng tài chính cho cá nhân, rất cần sự chung tay của tất cả các chủ thể tham gia chuỗi giá trị của ngành, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và đặc biệt là công chúng đầu tư.

Tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đã có chiến lược phát triển nhà đầu tư tổ chức, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, văn bản chưa đưa ra mục tiêu về quy mô của các quỹ đầu tư chứng khoán và đóng góp của quỹ đầu tư chứng khoán trong tổng giá trị vốn hoá của thị trường, so với GDP hay trong tổng giá trị giao dịch của thị trường. Rất mong Chính phủ trong các lần sửa đổi sau bổ sung mục tiêu quy mô quỹ đầu tư chứng khoán vào tài liệu quan trọng này.

Chính phủ cũng nên có các quy định cởi mở hơn để phát triển ngành quỹ, ví dụ cho phép Quỹ bảo hiểm xã hội được uỷ thác đầu tư hoặc đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán. Ví dụ, năm 1998, công ty quản lý quỹ đầu tiên được thành lập tại Trung Quốc, nhưng chỉ đến năm 2002, Quỹ bảo hiểm xã hội của Trung Quốc đã được uỷ thác danh mục cho công ty quản lý quỹ đầu tư, hay cho phép các ngân hàng thương mại được phân phối chứng chỉ quỹ.

Đối với đại lý phân phối, tại Trung Quốc, mặc dù gần đây, các nền tảng online của các công ty Fintech đang tăng trưởng rất nhanh, ngân hàng vẫn đóng vai trò quan trọng trong phân phối chứng chỉ quỹ do ngân hàng có cơ sở khách hàng lớn, am hiểu nhu cầu khách hàng và duy trì quan hệ tốt với khách hàng. Việc phân phối chứng chỉ quỹ không ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng và rủi ro hệ thống ngân hàng. Tất nhiên, Chính phủ cần có các quy định để đảm bảo ngân hàng không bán sai sản phẩm.

Bên cạnh đó, cũng nên sớm có các quy định về thuế để người đầu tư vào quỹ ít nhất không thiệt hơn so với tự đầu tư. Ví dụ, nhà đầu tư cá nhân tự đầu tư chỉ phải trả thuế 5% trên cổ tức và 0,1% thuế trên giá trị chứng khoán bán ra, trong khi nếu quỹ trả cổ tức, nhà đầu tư cá nhân cũng phải nộp thuế 5%, trong khi cổ tức của quỹ đến từ cổ tức nhận được từ doanh nghiệp và lợi nhuận từ bán chứng khoán. Chính phủ nên cân nhắc miễn thuế với cổ tức phân phối từ quỹ. Ở nhiều nước, nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập cá nhân với phần đóng góp vào quỹ mở (có mức tối đa) như ở Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…

Ngoài ra, cần có các quy định phù hợp hơn để khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và quỹ đầu tư trái phiếu. Cụ thể, cho phép nhà đầu tư không chuyên được uỷ thác đầu tư trái phiếu cho công ty quản lý quỹ với giá trị tối thiểu 10 tỷ đồng; cho phép các quỹ đầu tư trái phiếu được đầu tư trái phiếu chưa niêm yết do các trái phiếu niêm yết hiện tại đã được giao dịch trên thị trường tập trung; lập quỹ hỗ trợ thanh khoản trái phiếu để hỗ trợ thanh khoản cho các quỹ trái phiếu khi thị trường có rủi ro thanh khoản như trong năm 2022; có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết trái phiếu; đánh thuế cao trên thu nhập từ đầu tư trái phiếu chưa niêm yết đối với nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện để công ty quản lý quỹ có công cụ tạo ra sản phẩm mới, ví dụ như quỹ thị trường tiền tệ. Ở Việt Nam, quy mô quỹ thị trường tiền tệ gần như không đáng kể do quỹ không có công cụ đầu tư phù hợp. Trong khi đó, quỹ thị trường tiền tệ chiếm tới gần 15% tổng tài sản của các quỹ mở trên thế giới, cá biệt ở Trung Quốc chiếm tới gần 48% tổng tài sản các quỹ.

Chính phủ cũng nên khuyến khích hỗ trợ các công ty chào bán cổ phiếu ra công chúng gắn với niêm yết, đặc biệt là các công ty có quy mô lớn; hỗ trợ các công ty trong các lĩnh vực mới như năng lượng mới, xe điện, bán dẫn… phát triển và niêm yết; đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao số lượng các cổ phiếu có chất lượng cao trên thị trường, giúp các quỹ có thêm nhiều công ty có triển vọng tăng trưởng có thể đầu tư dài hạn, tạo niềm tin cho khách hàng đầu tư vào quỹ.

Ngoài ra, nên có các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện: (i) Khuyến khích các công ty tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho nhân viên; (ii) Thống nhất văn bản về các ưu đãi thuế cũng như tăng mức ưu đãi thuế đối với các khoản đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Ví dụ, Úc, một nước được đánh giá có hệ thống hưu trí thành công nhất thế giới, có tới 88% chương trình hưu trí theo chương trình Hưởng theo mức đóng góp (Defined Contribution – DC) với quỹ hưu trí của doanh nghiệp rất phát triển, tài sản hưu trí được phân bổ tới 51% vào cổ phiếu và chiếm tới gần 70% vốn hoá của thị trường chứng khoán vào cuối năm 2023.

Quan trọng hơn hết là sự chung tay, phối hợp giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường là các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán cùng sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc đầu tư thông qua các quỹ. Với nỗ lực của tất cả các bên, sản phẩm ngày càng đa dạng, người dân ngày càng hiểu biết về sản phẩm đầu tư, nhu cầu đầu tư của cá nhân ngày càng lớn khi thu nhập ngày càng cao cùng với sự phát triển của các quỹ hưu trí, quỹ thiện nguyện, quỹ nghề nghiệp…, ngành quỹ sẽ có tương lai vô cùng tươi sáng ở phía trước. Tương tự như các nước khác, quy mô ngành quỹ hoàn toàn có thể đạt khoảng 10% GDP. Với mục tiêu 2045, Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, quy mô GDP ở có thể đạt 1.400 - 1.500 tỷ USD, sẽ không ngạc nhiên nếu tổng quy mô ngành quỹ tại Việt Nam có thể đạt hàng trăm tỷ USD vào thời gian này, trở thành thành phần quan trọng tham gia vào thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan