Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ và có thể tham khảo các bài học thành công từ những quốc gia trong khu vực.

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ và có thể tham khảo các bài học thành công từ những quốc gia trong khu vực.

Phát triển ngành logistics, nhìn từ bài học Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhìn vào kinh nghiệm thành công của các quốc gia trong khu vực, nhất là trong cách thức xây dựng, phát triển ngành có thể là bài học quý cho ngành logistics Việt Nam.

Kinh nghiệm hay từ Trung Quốc

Khi nhìn vào câu chuyện phát triển logistics tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã chia sẻ rằng, ngành logistics Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ chính sách thể chế (còn thiếu, còn chồng chéo, chưa đồng bộ,…), cơ sở hạ tầng (cần đột phá mạnh hơn nữa, trong đó có việc phát triển các cảng biển gắn với các trung tâm sản xuất), hay lực lượng doanh nghiệp còn non trẻ,…

Theo ông Trung, để ngành logistics phát triển mạnh hơn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, ngoài hạ tầng lớn trong quốc gia thì còn hạ tầng tiểu vùng, giữa các vùng trong quốc gia cũng rất quan trọng, vì nếu không chỉ cần hạ tải là bị tăng chi phí. Ngoài ra, cả hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, hạ tầng kết nối khác cũng rất quan trọng.

“Có chuyển đổi nào mà không khó khăn ban đầu, thậm chí là đớn đau và đòi hỏi quyết tâm. Logistics muốn chuyển đổi thì các thành phần thị trường phải nỗ lực. Bản thân những người làm chính sách cũng cần thay đổi, các doanh nghiệp cũng vậy, cần phải nhìn thực chất vấn đề”, ông Trung nhấn mạnh.

Việt Nam, đặt trong bối cảnh hiện tại so với các quốc gia khu vực như Trung Quốc và Singapore, Thái Lan đang có được cả những lợi thế và thách thức. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam có nhiều dư địa để cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành.

Trao đổi cùng Đầu tư Chứng khoán, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, ngành logistics Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đầu tư và phát triển công nghệ để tối ưu hóa quy trình logistics. Ví dụ, hệ thống cảng tự động (Automated Sea Port) và hệ thống định vị Bắc Đẩu (Beidou Navigation System - BDS) giúp tăng hiệu suất vận hành và quản lý dữ liệu di chuyển của các phương tiện. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã xây dựng các tập đoàn logistics quy mô lớn để tạo ra một hệ thống chuỗi cung ứng tích hợp, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông và kho bãi, bao gồm cả chuỗi lạnh để bảo quản và vận chuyển hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ. Tất cả những nỗ lực trên đã giúp Trung Quốc tối ưu hóa việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tương tự, Singapore và Thái Lan cũng là những thị trường có ngành logistics phát triển vượt trội khi liên tục thúc đẩy chuyển đổi số và ban hành những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, từ việc tiếp cận nguồn vốn đến đào tạo nguồn nhân lực. Những bài học này có thể giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Ảnh: Bình Minh.

Ảnh: Bình Minh.

Việt Nam có thể học hỏi được gì?

Quay trở lại đòi hỏi chuyển đổi từ các doanh nghiệp trong nước, ông Eric Herding, Tổng giám đốc, DSV Air & Sea Việt Nam cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn về vị trí địa lý trong khu vực. Điều quan trọng là Việt Nam cần xây dựng một mối liên kết vững chắc giữa các khu công nghiệp, khu logistics, cùng với cơ sở hạ tầng cảng biển và đường bộ. Điều này sẽ đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, việc thiết lập các hệ thống như khu vực thương mại tự do, nơi hàng hóa có thể lưu thông ra vào một cách hiệu quả và với chi phí giao dịch thấp, cũng là một lợi thế lớn.

Còn theo Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort, Việt Nam được coi là điểm kết nối trung tâm của khu vực. Để giảm thiểu những rủi ro về chính sách, cần phải có tầm nhìn dài hạn 50 năm chứ không phải 10 hay 15 năm. Phải đẩy mạnh sự hợp tác công - tư trong lĩnh logistics để tăng tính cạnh tranh cho ngành.

Lấy ví dụ từ bài học của Trung Quốc, theo ông Yap Kwong Weng, Trung Quốc đã thực hiện một chiến lược tổng thể từ năm 2000. Trung Quốc bắt đầu cất cánh thông qua kết nối toàn cầu, tăng cường kết nối đường thủy và đường bộ, hàng không…. Nước này đã tăng tốc huy động nguồn lực cả từ tư nhân và Nhà nước vào phát triển logistics, đặc biệt là việc đầu tư rất mạnh vào công nghệ. Không chỉ công ty nhà nước mà cả công ty tư nhân đều rất chú ý đầu tư vào phần cứng vào phần mềm và họ đã có những công ty công nghệ hàng tỷ đôla.

“Một là nguồn lực và chính sách của Nhà nước đã hỗ trợ ngành này rất nhiều. Đây là bài học Việt Nam cũng có thể áp dụng. Thứ hai, Trung Quốc làm logistics hiệu quả vì họ xây dựng những trung tâm logistics rất lớn”, Tiến sĩ Yap Kwong Weng cho biết.

Trả lời câu hỏi về kinh nghiệm từ Trung Quốc và bài học cho Việt Nam, ông David Jackson, Tổng giám đốc, Avison Young Việt Nam cho rằng, sự thành công của ngành logistics Trung Quốc được trợ lực rất lớn từ hệ thống giao thông kết nối cao và cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, bài bản.

Ở góc độ bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp logistics Việt Nam, ba điểm chung nhìn thấy ở ngành logistics nói chung và các công ty dịch vụ logistics nói riêng tại Trung Quốc là tiết kiệm chi phí, hiệu quả và theo dõi được. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp logistics Trung Quốc có khả năng ứng dụng công nghệ, tự động hóa cao vào mọi quy trình và tích hợp toàn diện với các nền tảng thương mại điện tử.

“Cùng với hai bài học lớn nêu trên về công nghệ và hợp tác trong hệ sinh thái của chuỗi cung ứng của ngành logistics Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng ứng dụng công nghệ logistics vào nhà xưởng, kho bãi, từ đó mở ra hướng đi cho các phân khúc “ngách” như nhà kho, nhà xưởng thông minh”, ông David Jackson nhấn mạnh.

Nhìn rộng hơn, theo ông David Jackson, các công ty logistics đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam có thế mạnh về mạng lưới xuyên biên giới cũng như mức độ ứng dụng công nghệ cao. Còn doanh nghiệp trong nước lại có lợi thế về am hiểu địa hình và pháp lý, do đó phù hợp phát triển vận tải trong nước ở tất cả loại hình phương tiện; về đầu tư, kinh doanh nhà xưởng, kho bãi; và về các dịch vụ thủ tục hải quan và thuế liên quan đến logistics.

Từ góc độ cơ quan quản lý, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, ngoài việc tham khảo các kinh nghiệm phát triển ngành, Việt Nam cũng cần lưu tâm đến công tác đào tạo nhân lực cho ngành, cần cân nhắc xem cần thiết có trường riêng để đào tạo nhân lực cho ngành không, hay vẫn trông chờ vào các cơ sở đào tạo như: Đại học Giao thông vận tải, Đại học kinh tế,…

Ngoài ra, theo ông Trung, ngành logistics cần nâng cao năng lực, kể cả luật pháp khi phải làm ăn với đối tác nước ngoài. Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rất trăn trở với vấn đề này.

Theo ông Trung, từ nhận thức thành hành động và hành động có hiệu quả là cả một chặng đường dài, sự chủ động, đồng hành của các bên là vô cùng quan trọng, điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh, mà còn tạo môi trường kinh doanh tốt, không chỉ với doanh nghiệp logistics Việt Nam mà cả các doanh nghiệp logistics nước ngoài làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.

Tin bài liên quan