Nhìn từ các thị trường khu vực
Tại Diễn đàn “Tiêu chuẩn hóa quỹ châu Á” (AFSP), tổ chức tại Indonesia mới đây, đại diện Trung tâm Lưu ký và bù trừ chứng khoán Trung Quốc cho biết, tại thị trường này, hiện có 145 công ty quản lý quỹ, 403 đại lý phân phối và 11.528 quỹ đầu tư đang hoạt động, với giá trị danh mục quản lý đạt 3.870 tỷ USD. Dịch vụ tài khoản điện tử (E-account) cho các quỹ đầu tư phục vụ tổng số 700 triệu nhà đầu tư, tương đương 1/2 dân số Trung Quốc; trong đó, có 50% là nhà đầu tư cá nhân. Việc xây dựng dịch vụ E-account dựa trên nền tảng công nghệ giao dịch tập trung. Song song với việc vận hành dịch vụ E-account, Trung tâm Lưu ký và bù trừ chứng khoán Trung Quốc cũng thực hiện dịch vụ E-voting (bỏ phiếu điện tử) như một dịch vụ phụ trợ (không mang tính bắt buộc), cho phép nhà đầu tư và các công ty quản lý quỹ tổ chức đại hội nhà đầu tư được thuận lợi.
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Iran chia sẻ về kế hoạch nâng cấp hệ thống công nghệ, để đưa vai trò của trung tâm lưu ký từ mô hình đại lý chuyển nhượng thành mô hình bù trừ tập trung cho toàn bộ thị trường quỹ đầu tư. Kế hoạch này được đưa ra sau khi đánh giá mức độ phát triển vượt trội của ngành quỹ nước này với việc có gần 60 triệu tài khoản đầu tư. Hệ thống công nghệ mà thị trường quỹ Iran đang sử dụng mang tên FundReg dự kiến sẽ tích hợp với hệ thống tạo tài khoản giao dịch là CIGS.
Trong mô hình này, các nhà đầu tư thực hiện xác minh danh tính (KYC), tạo tài khoản trên cùng một nền tảng và cũng chỉ được sử dụng duy nhất một tài khoản, từ đó tạo thuận lợi cho các đại lý phân phối cũng như cơ quan quản lý trong việc giám sát thị trường. Đây cũng là chiến lược để tiến tới liên thông với các thị trường quốc tế và xu hướng mã hóa tài sản (Tokenizing asset) - đang được đưa ra như một sáng kiến toàn cầu đối với thị trường tài chính. Xu hướng mã hóa tài sản sẽ cho phép việc đăng ký, lưu ký thời gian thực cho các tài sản tài chính dễ dàng hơn, với độ bảo mật cao hơn.
Năm 2022, Trung tâm Lưu ký Thái Lan (TSD), thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) ra mắt ứng dụng FundConnext và mới đây đã công bố phiên bản nâng cấp là FundConnext Plus. Phiên bản mới này tiếp cận người dùng theo hướng cá nhân hóa, cho phép điều chỉnh nhiều hơn, cũng như giảm chi phí, tăng hiệu quả vận hành, cho phép nhà đầu tư thực hiện hoán đổi việc nắm giữ chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư khác nhau, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường và hiển thị toàn bộ thông tin tập trung về các quỹ đầu tư. Đây là bước tiến tập trung hóa thị trường quỹ mới nhất từ thị trường Thái Lan.
Cần phát triển các ứng dụng online thuận tiện cho giao dịch của quỹ và nhà đầu tư trên đa nền tảng |
Trong khi đó, Indonesia đạt bước tiến mới trong việc sử dụng tài khoản phụ trong tài khoản giao dịch chứng khoán như một tài khoản tiền gửi, tài khoản họp đại hội nhà đầu tư điện tử (e-General Meeting) cho cả nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và chứng chỉ quỹ, ứng dụng quản lý thuế điện tử... Ngày 12/2 vừa qua, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Indonesia (KSEI) đã ra mắt hệ thống CORES.KSEI, cho phép tìm hiểu thông tin nhà đầu tư trên một nền tảng chung, nhằm giảm thiểu tình trạng dữ liệu nhà đầu tư tồn tại trên nhiều nền tảng tại các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính khác nhau (với 40% nhà đầu tư mở tài khoản ở nhiều hơn một tổ chức và 77,42% nhà đầu tư mở tài khoản thông qua đại lý phân phối công nghệ). Đây là kết quả làm việc cùng Ủy ban Giám sát tài chính tại Indonesia từ năm 2023.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Đài Loan (TDCC), tính đến tháng 12/2023, tổng tài sản đang quản lý của các quỹ nội địa đạt 312 tỷ USD và quỹ nước ngoài là 122 triệu USD. Riêng với quỹ đầu tư phát triển bền vững (ESG), thị trường Đài Loan hiện có 48 quỹ nội địa và 83 quỹ quốc tế. Hệ thống công nghệ FundClear đã thực hiện tốt các dịch vụ cho nhà đầu tư và đảm bảo độ tập trung thông tin cũng như sự tiện dụng cho các quỹ trong vấn đề quản trị quỹ.
TDCC đã giới thiệu về ứng dụng e-Passbook cho phép ghi nhận sở hữu chứng khoán và các dữ liệu giao dịch của nhà đầu tư ngay trên một nền tảng thống nhất một tài khoản. Ứng dụng này ra mắt năm 2017 và đã có bước tiến vượt bậc, với 4,5 triệu tài khoản sử dụng và 680.000 người dùng thường xuyên hàng tháng. Với ứng dụng này, nhà đầu tư được quyền lựa chọn thông tin quỹ, đặt mục tiêu đầu tư và tạo ra danh mục đầu tư ưa thích, so sánh các lựa chọn và phần mềm sẽ cho phép minh họa lợi nhuận kỳ vọng.
Hướng tới việc phát triển thị trường quỹ vượt ra ngoài phạm vi thông thường, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Hàn Quốc (KSD) cho biết, chiến lược mới của KSD trong việc phát triển nền tảng công nghệ FundNet là hướng tới các tài sản không có giá niêm yết trên thị trường tập trung (Non-marketable Asset/NMA). Định hướng này là do KSD đánh giá quy mô thị trường các quỹ tư nhân (Private Fund) lớn hơn rất nhiều so với quỹ đại chúng (gần gấp đôi số lượng tài sản các quỹ đại chúng). Hàn Quốc cũng đã kịp thời có khung pháp lý cho vấn đề quản lý tài sản của các quỹ tư nhân từ năm 2015. Với điều kiện này, KSD đã bắt đầu xây dựng nền tảng NMA cho FundNet từ năm 2020.
Để có “passport” ra thế giới
Cập nhật quy định mới nhất về thanh toán bù trừ tại thị trường chứng khoán Mỹ - thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu, bà Nellie Dag Dag, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương DTCC cho biết, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chuyển từ chu kỳ thanh toán T+2 sang T+1 và ngày 28/5/2024 sẽ là ngày cuối cùng Mỹ chấp nhận cho thanh toán T+2. Chu kỳ này áp dụng với tất cả các đối tác giao dịch và thanh toán với thị trường Mỹ trên khắp thế giới. Cho tới nay, đã có 99% đối tác đáp ứng được thời điểm thanh toán T+1. Đây là bước đi giúp giảm thời gian sử dụng đòn bẩy tài chính trong giao dịch trên thị trường Mỹ, giảm áp lực lãi suất qua đêm trong môi trường lãi suất cao, cũng như giảm độ rủi ro thanh toán.
Về mặt công nghệ, việc thống nhất áp dụng T+1 trên toàn cầu cũng sẽ hỗ trợ giảm các thao tác thủ công khi xử lý hệ thống. Do vậy, đây là mô hình các thị trường khác, trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu và đưa ra lộ trình áp dụng phù hợp. Ngoài ra, việc chuẩn hóa thời gian chuyển tiền và nhận lệnh cho các quỹ cùng một thị trường và cùng khu vực đảm bảo sự thống nhất giữa các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiến tới chuẩn hóa hoạt động sau giao dịch cho các quỹ đầu tư. Việc áp dụng một hệ thống chung nhất cho hoạt động KYC nhà đầu tư để đạt đồng nhất dữ liệu thị trường, sử dụng một ứng dụng công nghệ cho phép nhà đầu tư quản lý tài sản trên cùng một nền tảng là cần thiết để nhà đầu tư có thể tiếp cận toàn bộ thông tin thị trường quỹ.
Xét trong phạm vi hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), việc xây dựng các điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của quỹ, phát triển các sản phẩm đa dạng như trên cần có sự phối hợp giữa VSDC với các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và cả các công ty cung cấp giải pháp công nghệ.
Đối với hoạt động dịch vụ cho quỹ đầu tư, để chuẩn bị tốt cho quá trình tiến tới phát triển hoạt động đầu tư quỹ xuyên biên giới và chương trình Hộ chiếu Quỹ đầu tư (Fund Passport), VSDC cần tham khảo các quy định đối với hoạt động đầu tư ngày một đa dạng của các loại hình quỹ đầu tư chưa có tại thị trường Việt Nam, từ đó kiến nghị các cơ quan quản lý xây dựng chính sách cho phép cơ chế Fund Passport được thực hiện và hỗ trợ trung chuyển dòng vốn đầu tư tốt hơn cho toàn bộ thị trường.
Cùng với đó, VSDC cũng cần tìm hiểu thêm về các hệ thống công nghệ mới, hiện đại, các giải pháp/ứng dụng online thuận tiện cho giao dịch của quỹ và nhà đầu tư trên đa nền tảng.
(*) Phụ trách Ban Quản lý Dịch vụ quỹ và chứng quyền có bảo đảm, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC)