Cần nhiều “đầu tàu”
Việt Nam đang đối diện với yêu cầu cấp bách phải tăng năng suất để duy trì tăng trưởng kinh tế nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hạn. Khu vực kinh tế tư nhân, một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế như Nghị quyết Trung ương 5 khẳng định, cần đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng năng suất trong những thập kỷ tới.
Tình trạng năng suất thấp và tốc độ tăng năng suất thấp của nền kinh tế có liên quan tới thực trạng phần lớn các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. “Thiếu doanh nghiệp cỡ vừa”, tức các doanh nghiệp có quy mô trung bình có số lượng rất ít ỏi, là một thực tế đáng quan ngại.
Có nhiều bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Rõ ràng, Việt Nam cần đặt trọng tâm chính sách vào việc phát triển ngày càng nhiều công ty lớn và được quản trị tốt hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu hình thành quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh vai trò góp phần quan trọng cho cải thiện năng suất lao động, các doanh nghiệp lớn còn đóng vai trò dẫn dắt hoặc thúc đẩy tăng trưởng của cả một ngành hoặc một cụm doanh nghiệp.
Trên thực tế, các chỉ số về hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân cho thấy nhiều điểm đáng lo ngại. Mức tăng về giá trị tuyệt đối của doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể che lấp được một thực tế rằng, tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp này thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI.
Vẫn có tới gần 50% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ đang trong tình trạng thua lỗ. Đây là một con số đáng lo ngại cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và trở ngại. Tình trạng thua lỗ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tích tụ vốn bằng các nguồn lực và kênh nội bộ, và quá trình lớn lên về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Tổng vốn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng từ 98,3 nghìn tỷ đồng năm 2000 lên 11.020,9 nghìn tỷ đồng năm 2015. Nói cách khác, khoảng 546 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam huy động và đưa vào nền kinh tế chỉ trong vòng 15 năm, trung bình 36,4 tỷ USD mỗi năm.
Mối liên kết giữa các cấu phần của khu vực kinh tế tư nhân là một vấn đề cần sớm được khắc phục. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm mạnh trong vài năm qua và nền kinh tế đã trở nên phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực tư nhân nước ngoài. Nội tại trong khu vực kinh tế tư nhân, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu và có nhiều hạn chế.
Hiện tượng ba nền kinh tế trong một nền kinh tế như hiện nay rõ ràng không có lợi cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và của khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ vẫn chưa có chính sách hoặc biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối diện với sự suy giảm của những nguồn lực vốn một thời được coi là dồi dào và phong phú. Việt Nam ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn về chi phí nhân công, vì tiền lương của người lao động gia tăng liên tục trong những năm gần đây.
Hơn nữa, những lợi ích của thời kỳ dân số vàng mà khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã từng được hưởng lợi đáng kể trước đây sẽ suy giảm dần. Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực hộ kinh doanh thời gian qua chủ yếu dựa vào lợi thế về giai đoạn dân số vàng này và chi phí nhân công thấp để tăng trưởng và tạo ra tới 38,64% GDP (năm 2016). Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại chậm thích ứng với sự suy giảm của nguồn lực vốn được coi là dồi dào, phong phú và có chi phí thấp này.
Gia tăng tỷ trọng “chính thức”
Trở lại với hiện tượng “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa”, tức là tình trạng các doanh nghiệp có quy mô trung bình có số lượng rất ít ỏi, là một điều đáng quan ngại. Vào năm 2017, 97,3% các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 1,3% tổng số. Đáng chú ý, các doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,4%, tạo ra cơ cấu doanh nghiệp “bất thường” khi so sánh với cơ cấu của khu vực doanh nghiệp khác như tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
“Thiếu doanh nghiệp cỡ vừa” cũng là một biểu hiện cho thấy có rất ít doanh nghiệp nhỏ đã lớn lên để trở thành doanh nghiệp quy mô vừa do hạn chế về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và do những khó khăn của môi trường kinh doanh bên ngoài.
Hiện tượng “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa” cũng cho thấy sẽ không có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa sẽ phát triển thành doanh nghiệp quy mô lớn trong trung hạn. Vấn đề “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa” cần phải được giải quyết do nguyên tắc thường thấy là các công ty lớn hơn có khả năng tốt hơn để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô để hoạt động hiệu quả hơn và mang lại năng suất cao hơn cho nền kinh tế.
Thống kê cho thấy chỉ có 7.422 doanh nghiệp quy mô vừa trên toàn quốc vào năm 2017. Đây là những doanh nghiệp có khả năng sẽ chuyển sang quy mô lớn trong những năm tới, với giả định tích cực là các công ty này sẽ hoạt động hiệu quả. Con số này thực sự là rất khiêm tốn khi so với thực tế là có hơn 110.000 doanh nghiệp được đăng ký hàng năm và hiện có hơn 550.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Tình trạng “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa “ ở Việt Nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong những năm gần đây, mỗi năm có hơn 100 nghìndoanh nghiệp được đăng ký thành lập (khoảng 120 nghìn doanh nghiệp trong năm 2017), nhưng cũng có khoảng 60 nghìn doanh nghiệp cũng rút lui khỏi thị trường.
Phần lớn các doanh nghiệp đăng ký có quy mô nhỏ (trung bình khoảng 10 tỷ đồng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm 2018). Hầu hết các doanh nghiệp đăng ký mới đều nằm trong những ngành có giá trị gia tăng thấp, trình độ công nghệ sản xuất thấp.
số lũy kế về doanh nghiệp được đăng ký, doanh nghiệp đang hoạt động và mức tăng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động mỗi năm.
Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường địa phương, cung cấp cho thị trường địa phương, với sự liên kết hạn chế với chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp này có khả năng tiếp cận hạn chế tới công nghệ hiện đại, chủ yếu thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp và quan hệ hơn là dựa trên các nền tảng về kiến thức, công nghệ, đổi mới và khả năng cạnh tranh. Gần một nửa số doanh nghiệp này đang hoạt động thua lỗ, và điều này cản trở khả năng tích tụ vốn của các doanh nghiệp.
Do đó, rất ít doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đã vươn lên thành doanh nghiệp quy mô vừa, dẫn đến tình trạng thiếu các doanh nghiệp quy mô vừa trong bức tranh tổng thể về các công ty tư nhân trong nước.
Thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa cho thấy một thách thức lớn đối với các nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân trong việc khắc phục tình trạng khuyết khoảng giữa này, và cần có nhiều hơn các doanh nghiệp phát triển thành các tập đoàn lớn hơn hoặc tạo ra thương hiệu quốc tế.
Chú trọng vào chất, bên cạnh lượng
Cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khu vực tư nhân là một trong những cấu phần quan trọng để tăng cường năng lực quốc gia của Việt Nam. Rõ ràng là các nỗ lực liên tục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam.
Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ hơn vào chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tăng hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong những thập niên sắp tới. Trọng tâm chính sách của Chính phủ cần nhấn mạnh vào các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, ví dụ như năng suất tại cấp độ doanh nghiệp, quy mô của doanh nghiệp, trình độ công nghệ được ứng dụng, trình độ sáng tạo, hiệu quả hoạt động tài chính và khả năng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với những động thái gần đây của Chính phủ, có thể khẳng định, triển vọng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là tích cực. Tăng trưởng kinh tế vững chắc được duy trì, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đang được thực thi và các nỗ lực nhằm cải cách thể chế sẽ tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Quyết tâm và cam kết chính trị đối với việc phát triển kinh tế tư nhân đã liên tục được tái khẳng định. Chính phủ ngày một trở nên thuần thục hơn trong vai trò “kiến tạo” và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước khởi nghiệp, hoạt động và phát triển thịnh vượng.