Phát triển kinh tế ban đêm ở Đà Lạt còn lúng túng

0:00 / 0:00
0:00
Trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, UBND thành phố Đà Lạt còn nhiều lúng túng, chưa đề xuất được các sản phẩm độc đáo, ấn tượng để thu hút khách.
Du khách vui chơi cạnh hồ Xuân Hương, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Du khách vui chơi cạnh hồ Xuân Hương, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chưa đem lại hiệu quả cao

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Đà Lạt là 1 trong 10 địa phương được chọn thí điểm triển khai mô hình này.

Việc triển khai thực hiện phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện vào ngày 10/11/2021.

Đà Lạt có 5 mô hình hiện có, gồm Khu phố đi bộ; Vườn hoa thành phố Đà Lạt; Chợ đêm và ấp Ánh Sáng; Ẩm thực đường Trần Lê; Khu Trương Công Định - Nguyễn Chí Thanh -3 tháng 2.

Ngoài ra, Đà Lạt có 5 mô hình sẽ hình thành trong tương lai, gồm: Mô hình tầng hầm sân golf; Mô hình phát triển chợ đêm tại đường Lữ Gia, Mô hình Trung tâm thương mại Hòa Bình; Mô hình công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan; Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Thành phố Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng với khu Chợ đêm (Chợ âm phủ), là một địa chỉ không thể bỏ qua của du khách thập phương khi Đà Lạt về đêm. Chợ đêm Đà Lạt đã giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Chợ đêm Đà Lạt ít được quan tâm đầu tư một cách bài bản. Các hoạt động kinh tế ban đêm của Đà Lạt nhìn chung còn đơn điệu, chưa để lại dấu ấn, nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Hiện nay, UBND thành phố Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình phát triển kinh tế ban đêm dựa trên các lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa người Đà Lạt và tiềm lực của địa phương.

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đây là lĩnh vực mới, mang tính đa ngành, đa lĩnh vực nên trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, UBND thành phố Đà Lạt còn nhiều lúng túng, chưa đề xuất được các sản phẩm độc đáo, ấn tượng để thu hút khách và nội dung của kế hoạch thực hiện còn trùng lắp.

Cần tận dụng tối đa tài nguyên, nguồn lực tại chỗ

Theo ông S, yêu cầu đặt ra đối với Đà Lạt là hình thành phát triển các mô hình kinh tế ban đêm nhằm khai thác, phát huy tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của địa phương, qua đó góp phần tác động tích cực trong việc tận dụng tốn đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch trên địa bàn thành phố, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đà Lạt cần phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” với sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư; làm cơ sở quy hoạch các khu dịch vụ tập trung theo chủ đề để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.

“Yêu cầu của kế hoạch là ưu tiên hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đồng thời gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Đà Lạt, giữa người dân Đà Lạt và khách du lịch; khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hóa, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống; thu hút sự tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp vào tham vấn và thực thi các chính sách kinh tế ban đêm; tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ công, đặc biệt là giảm hiện tượng quá tải cơ sở hạ tầng vào ban ngày; phát triển kinh tế ban đêm nhưng phải chủ động trong mọi tình huống về thực hiện an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ông S kết luận.

Theo ông S, Đà Lạt cần không lặp lại trong mục tiêu mà xác định rõ từng mô hình. Bên cạnh đó, Đà Lạt cần phải xác định nội dung trước mắt và nội dung lâu dài, xác định vị trí, nội dung hoạt động, ai làm (doanh nghiệp hay cộng đồng dân cư), cách làm, phương thức vận hành, kinh phí thực hiện (dân tự làm như các đường Trần Lê, Trương Công Định, Nguyễn Chí Thanh…; xã hội hóa 100%; ngân sách Nhà nước đầu tư)…

Tin bài liên quan