Ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Sau hơn 20 năm triển khai, đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của cả nước. Vậy ngoài những mục tiêu mang tầm vĩ mô, thì việc giải quyết bài toán sinh kế đối với hàng vạn người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này ra sao, thưa ông?
Ông bà xưa có câu “Nhất Gia, nhì Xương” để nói đến những vùng quê nghèo xứ Thanh, nhất là huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy, vùng đất này có những lợi thế về cảng biển, hiếm nơi nào ở khu vực phía Bắc của đất nước có được. Quyết tâm và làm được, đến nay, nơi đây đã trở thành khu kinh tế ven biển động lực của quốc gia.
Sau khi thu hồi đất phục vụ dự án, Thanh Hóa đã quyết tâm xây dựng nhiều khu tái định cư, đồng bộ về hạ tầng. Gần như toàn bộ xã Hải Yến với hàng ngàn hộ dân, cùng một phần xã Hải Hà, Hải Thượng, Mai Lâm đã di chuyển đến nơi ở mới.
Nhà nước xác định và tập trung chỉ đạo đầu tư kiến thiết nơi đến phải tốt hơn nơi ở cũ và đền bù thỏa đáng cho người dân. Điều dễ nhận thấy là, nếu như nơi ở cũ thiếu đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…, thì nơi tái định cư được đầu tư khá hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng.
Từng có nhiều năm giữ chức Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ông có thể cho biết việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng vạn lao động ở Nghi Sơn được triển khai thế nào?
Cùng với việc phát triển hạ tầng, nhà đầu tư và chính quyền đã tạo điều kiện cho bà con khi đến nơi ở mới được đào tạo, chuyển đổi nghề từ nông, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, đi biển sang dịch vụ thương mại, làm công nhân, với thu nhập cao hơn, cuộc sống chất lượng hơn.
Thực tế, Khu kinh tế Nghi Sơn được hình thành đã tạo ra cơ hội việc làm rất lớn, thế hệ trẻ cũng được làm việc ngay quê hương mình với mức thu nhập cao, ổn định.
Năm 2018, Khu kinh tế Nghi Sơn được Chính phủ mở rộng thêm hơn 106.000 ha. Đến nay, toàn bộ Khu kinh tế gồm 34 xã thuộc thị xã Nghi Sơn, 6 xã thuộc các huyện Như Thanh và Nông Cống. Khu kinh tế mở rộng đã và đang tạo thêm hàng chục ngàn việc làm mới cho người dân Thanh Hóa và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
Ông nhận định như thế nào về công tác an sinh xã hội của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn?
Tôi đánh giá cao sự hợp tác, chia sẻ của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong việc thực hiện các dự án an sinh xã hội. Ngoài việc phối hợp với chính quyền, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã rất cẩn trọng trong việc phối hợp với đơn vị tư vấn nước ngoài chuyên về vấn đề cộng đồng, đặc biệt là an sinh xã hội.
Để hỗ trợ người dân, Công ty đã xây dựng và duy trì một kênh giao tiếp hai chiều, qua đó chia sẻ với cộng đồng các thông tin về dự án và lắng nghe phản hồi của bà con. Công ty đã hỗ trợ người dân nhường đất cho dự án thành lập 25 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại cộng đồng. Các câu lạc bộ này đang làm rất tốt công tác chăm sóc sức khỏe, gia tăng thu nhập, giúp đỡ những người thiếu may mắn.
Có thể có một bộ phận nhỏ người dân gặp khó khăn khi tái định cư. Vậy tỉnh Thanh Hóa và Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ra sao, thưa ông?
Người dân vùng dự án đã phải nhường đất của tổ tiên cho Khu kinh tế Nghi Sơn, đó là sự hy sinh không hề dễ dàng. Đặc biệt, khi di chuyển đến khu tái định cư, họ phải thay đổi để thích nghi với tập quán nơi ở mới, thay đổi cách thức làm ăn, nghề nghiệp.
Những năm tới, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ còn tiếp tục phát triển, tỉnh Thanh Hóa còn thu hút nhiều dự án lớn về đây, nên việc di dân sẽ tiếp tục diễn ra và việc ảnh hưởng là không tránh khỏi. Song công tác này đã được tỉnh Thanh Hóa làm rất tốt trong những năm qua. Đó là tiền đề, kinh nghiệm, cơ sở để Thanh Hóa tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mới.