Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) dự kiến chào bán 80 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Mã chứng khoán: IJC – sàn HOSE) công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) dự kiến chào bán 80 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá

Theo đó, doanh nghiệp sẽ chào bán 80 triệu cổ phiếu ra công chúng với mục đích đầu tư giai đoạn tiếp theo dự án Sunflower và IJC Aroma.

Được biết, trong Đại hội cổ đông năm 2020 doanh nghiệp dự kiến lên kế hoạch phát hành 80 triệu cổ phiếu với hình thức đấu giá công khai trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Trong bảng cáo bạch phát hành tăng vốn, doanh nghiệp cho biết tính tới 29/05/2020 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn tại doanh nghiệp là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP sở hữu 78,8% vốn điều lệ.

Hiện tại, IJC có tổng quỹ đất có thể kinh doanh là gần 68 ha, trong đó 35 ha thuộc các dự án đang triển khai kinh doanh, còn lại 33 ha thuộc các dự án chuẩn bị kinh doanh.

Ngoài ra, với lĩnh vực thu phí giao thông, IJC đang thu phí 2 trạm BOT trên quốc lộ 13 với thời gian tới năm 2037.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2020 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.541,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 156,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 146,1% và giảm 15,9% so với 6 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 62,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 51% về 19,4% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 29,6% về chỉ còn 10,1%. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp trong quý II/2020 lại tăng từ 52,6% lên 54,3%. Như vậy, biên lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm chủ yếu do kết quả kinh doanh quý I/2020.

Doanh nghiệp dùng toàn bộ tiền kiếm được chia cổ tức cho cổ đông trong nhiều năm

Tại IJC, doanh nghiệp liên tục duy trì cổ tức cao. Cụ thể, cổ tức năm 2016 là 8%, năm 2017 là 10%, năm 2018 là 12%, năm 2019 là 10% và dự kiến năm 2020 là 10%.

Tính tới 30/6/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 1,3% lên mức 6.684,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho với giá trị là 3.864,7 tỷ đồng, chiếm 57,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn lên tới 1.499,3 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng tài sản; lượng tiền mặt chỉ có 146,6 tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng tài sản, lượng tiền mặt khá khiêm tốn.

Ngoài ra, mặc dù IJC là doanh nghiệp bất động sản, nhưng lượng người mua trả tiền trước chỉ có 18,7 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng nguồn vốn. Thông thường, đối với doanh nghiệp bất động sản lượng người mua trả tiền trước sẽ thể hiện tốt nhất quá trình bán dự án, cũng như đây là chỉ báo doanh thu tương lai chưa ghi nhận của doanh nghiệp.

Có thể thấy mặc dù nhu cầu vốn cao để phát triển các dự án, cũng như khai thác quỹ đất nhưng doanh nghiệp không giữ lại lợi nhuận sau thuế mà thực hiện chia hết cho cổ đông. Hiện tại, nhu cầu vốn để thực hiện dự án lại huy động thông qua đấu giá, trong khi không huy động từ cổ đông hiện hữu.

Điều này gây một thách thức không nhỏ với nhà đầu tư bên ngoài khi doanh nghiệp không tập trung mọi nguồn lực để khai thác dự án mà thực hiện huy động từ nhà đầu tư bên ngoài.

Tin bài liên quan