Tại phiên toàn thể - đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng các sân bay đang quá tải, vượt qua công suất thiết kế làm ảnh hưởng tới tăng trưởng du lịch và kinh tế.
Để đẩy nhanh tiến độ, theo bà Hà, nên cho các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư vẫn có thể hoàn thành những dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế.
Ví dụ như UBND tỉnh Điện Biên đề xuất dự án sân bay Điện Biên, theo tính toán Vietjet phải mất 60 - 70 năm mới hoàn vốn. Nhưng dự án này có ý nghĩa lịch sử, gắn với chiến thắng tự hào của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Điện Biên cần phải thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, thuận tiện về đường bay, xây dựng một vùng kinh tế phát triển văn minh.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề giao việc cho tư nhân, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nói: “Tôi khẳng định, những dự án như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam... mà đưa cho nhóm doanh nghiệp tư nhân làm thì thời gian triển khai sẽ không mất đến 30 năm, mà chỉ trong chưa đầy 10 năm”.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không nhận định, hàng không đang có nhiều hạn chế. Một là hạ tầng cơ sở, hai là làm sao đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và an toàn. Về chính sách cho tư nhân phát triển hàng không, thực tế trong thời gian qua, ông Thắng cho biết, tư nhân đã được tạo điều kiện tham gia, nhưng nếu cứ làm tự do, nền kinh tế nhà nước sẽ rơi vào khủng hoảng.
Liên quan đến thủ tục đầu tư và thành lập các hãng hàng không, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, đây là ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh rất lớn, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải thực thi đồng bộ, đồng thời hai quy trình một là chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, hai là xin cấp giấy phép kinh doanh của Bộ quản lý ngành dựa trên Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
“Đây là hai quy trình độc lập và tách rời phải thực hiện cùng một lúc để thực hiện hai mục tiêu quản lý nhà nước khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình này, chúng tôi đã rà soát và thấy rằng nếu có điều khoản nào trùng lặp với nhau có thể loại bỏ bớt đi. Ví dụ, điều kiện về vốn và huy động về vốn, những gì Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư thì không phải xem xét lại khi thực hiện Luật Hàng không dân dụng về vấn đề vốn nhằm giảm thiểu bớt thủ tục có thể trùng lặp. Nhưng, việc thực hiện hai điều kiện là hai quy trình theo hai Luật khác nhau vẫn phải thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tính đến tháng 3/2019, hàng không đang có 22 cảng trong đó có 9 cảng quốc tế. Từ 2014 - 2018, hàng không Việt Nam thuộc top phát triển nhanh nhất thế giới, cùng Trung Quốc, Ấn Độ. Thành quả này được nhận định nhờ chính sách mở cửa và sự tham gia của kinh tế tư nhân.