Đó cũng là chia sẻ của các chuyên gia tại Tọa đàm về du lịch nghỉ dưỡng ven đô do TheLeader và Archi Invest phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội sáng nay 21/11.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lương Ngọc Khánh – Tổng giám đốc Công ty Quản lý khách sạn H&K Hospitality cho biết, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và tầng lớp người giàu đô thi, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng đang trở nên vô cùng bức thiết.
Trong những năm qua, những khu du lịch quy mô lớn đang không ngừng tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng nhằm phục vụ sự phát triển của ngành du lịch.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, các dòng sản phẩm gia tăng về mặt số lượng, thành công về mặt thu hút nhà đầu tư chứ chưa thực sự thành công về mặt khách nghỉ dưỡng.
Mặc dù số lượng khách du lịch mỗi năm đều tăng lên khá mạnh, đặc biệt là lượng khách quốc tế ngày càng nhiều đến Việt Nam vẫn còn thiếu dịch vụ để níu chân du khách, đặc biệt không nhiều sản phẩm để du khách "móc hầu bao".
Đã có những dự án nghỉ dưỡng thành công trong việc gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tuy nhiên, đó mới chỉ là số ít cho thấy các sản phẩm nghỉ dưỡng của Việt Nam còn tương đối nghèo nàn so với hoạt động du lịch của các quốc gia khác.
Theo ông Lê Kiên Trung – nhà sáng lập chuỗi homestay Urban Getaway, trên thế giới, xu hướng đang dần chuyển dịch theo cách hưởng thụ và tận hưởng chuyến đi. Không chỉ đam mê xê dịch, họ muốn được trải nghiệm nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn nét đẹp văn hóa và bản sắc của địa phương.
"Trong "thực đơn" du lịch của mình, khách không chỉ cần ăn, ngủ, nghỉ để giải stress, mà họ còn có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, khám phá thiên nhiên…", ông Trung chia sẻ.
Vì thế, vai trò của xây dựng những trải nghiệm đó vô cùng quan trọng cho một chuyến kết hợp nghỉ dưỡng của khách hàng. Để từ đó, du khách sẽ cảm thấy hào hứng và tiếc nuối sau mỗi một chuyến đi, sẵn sàng trở lại địa điểm du lịch đó trong tương lai.
"Khách hàng bây giờ cần trải nghiệm ở những mô hình du lịch mới lạ, thay vì những mô hình đã hiện hữu với mô típ lặp đi lặp lại" ông Trung nói và cho biết nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án với phòng và sảnh lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.
Ông Trung cho biết thêm, thị trường Việt Nam bây giờ cần những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu. Công nghệ hiện đang chuyển hóa cách thức cũng như các hoạt động du lịch.
Lấy ví dụ về chuỗi homestay Urban Hospitality mà mình đang triển khai, ông Trung cho biết, đây là mô hình ra đời dựa trên việc tạo nên những trải nghiệm mới cho khách hàng với không gian kiến trúc có thẩm mỹ, gần gũi với thiên nhiên và dân dã. Sẽ không có công nghệ tại các homestay như như tivi, mạng internet…, và khách hàng sẽ phải tự phục vụ chính mình.
"Khi đó, người với người gần nhau hơn, thoát khỏi đô thị đông đúc khói bụi, cùng nhau chia sẻ những giây phút dường như đã bị lãng quên bởi nhịp sống gấp gáp của thời đại công nghệ. Ban đầu khách hàng có thể hơi khó khăn, nhưng khi họ dần quen với trải nghiệm du lịch tự túc như vậy, họ sẽ thấy thoải mái và hứng thú hơn với các chuyến đi của mình", ông Trung nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho rằng, du lịch Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội, tuy nhiên, nắm bắt và tận dụng được cơ hội đó thế nào sẽ là bài toán mà không chỉ đối với nhà quản lý, doanh nghiệp mà còn cả nhà đầu tư, khách nghỉ dưỡng, những người trực tiếp thụ hưởng các sản phẩm này.
Vì thế, cần phải có sự liên kết hợp tác để tạo thành một chuỗi giá trị trong hoạt động thúc đẩy du lịch phát triển, không thể xây một dự án rồi chờ khách đến với mình mà phải tạo ra những nhu cầu để họ tìm kiếm mình bằng mọi giá.
Đặc biệt là hình thức nghỉ dưỡng ven đô, dù có rất nhiều điều kiện phát triển như các hình thức nghỉ dưỡng khác, nhưng vẫn chưa thể tận dụng được vì mô hình chưa phù hợp, thiếu gắn kết.