Tham vọng vươn tầm
Tại hội nghị, hàng loạt kế hoạch lớn đã được lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân đưa ra, bên cạnh những kiến nghị tháo gỡ khó khăn để mở đường cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ, việc phát triển công nghiệp mũi nhọn là tạo động lực dẫn dắt và phát triển bền vững cho nền kinh tế, mang lại giá trị gia tăng cao, đó là lý do Vingroup tham gia lĩnh vực sản xuất ô tô với mong muốn phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn này, cũng như nâng tầm vị thế đất nước.
Lãnh đạo Vinfast cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các sản phẩm xe máy điện thông qua việc đưa ra thị trường 4 mẫu xe điện mới và xuất khẩu xe máy điện sang Mỹ vào năm 2021, đồng thời tiếp tục đầu tư và phát triển các khu công nghiệp phụ trợ trong vùng sản xuất của Vinfast, thiết kế ô tô điện, xe máy điện, xe thông minh tự lái…
Thực tế, tham vọng của tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam này không chỉ dừng ở việc vươn mạnh tới những thị trường lớn nhất, khó tính nhất thế giới, mà còn thể hiện mục tiêu phát triển bền vững kết hợp phát triển kinh tế.
“Cái giá phải trả cho chiến lược tập trung ngành lõi là không nhỏ. Doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chủ động cơ cấu lại ngành nghề, rút khỏi nhiều lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, bán lẻ… để tập trung phát triển ngành công nghiệp ô tô chưa có lợi nhuận”, đại diện Vinfast nói.
Một “ông lớn” khác trong lĩnh vực sản xuất ô tô là Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng không giấu tham vọng mở rộng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài trong vòng vài năm tới.
“Trong hội nhập, chúng tôi chọn con đường tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng thị phần trong nước vẫn đảm bảo ổn định ở mức 32%, doanh số xe 2 năm qua đạt khoảng 90.000 xe”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco cho hay.
Năm 2020, Thaco đặt mục tiêu xuất khẩu 21 triệu USD sản phẩm ô tô và linh kiện, phụ tùng các loại sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Nhật bản, góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm nhập siêu cho quốc gia từ 20-25%.
Nhằm ổn định và phát triển xã hội, ngành kiểm sát chủ trương không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, hành chính. Ngành kiểm soát từng thông báo về việc thận trọng trong xem xét xử lý vụ việc hành chính, kinh tế. Nếu có sai phạm thì ưu tiên các bên đàm phán, nếu không thể đàm phán mới xem xét xử lý hình sự. Thực tế, điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay là quy định thông thoáng...
- Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Ngoài ra, để giảm nhập siêu, Thaco còn tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm từ các ngành nông nghiệp, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực dẫn dắt cho các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất cùng phát triển.
“Cân bằng cán cân thương mại và tiền tệ là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập. Chúng tôi kinh doanh cả ô tô và nông nghiệp để đảm bảo hạn chế nhập siêu cho nền kinh tế”, ông Dương nhấn mạnh.
Có thể thấy, các tập đoàn tư nhân là nòng cốt để phát triển các lĩnh vực chủ chốt đã trở thành một trào lưu rõ nét thời gian qua. Đi cùng với đó là sự chuyển dịch của cơ cấu và quy mô doanh nghiệp một cách tích cực.
Theo số liệu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại hội nghị, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%.
Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
“Đã xuất hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn như Vingroup, Trường Hải, Sun Group, FLC, Vietjet... tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực vốn trước đây chủ yếu do khu vực nhà nước và doanh nghiệp vốn nước ngoài thực hiện như sản xuất ô tô, điện thoại, kinh doanh hàng không, phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ, chế tạo kỹ thuật cao..., qua đó bước đầu xây dựng được thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp và của quốc gia”, Bộ trưởng nói.
Còn nhiều trăn trở
Bên cạnh sự tích cực, vẫn còn đó hàng loạt khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, gây e ngại trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, bất cập về thủ tục hành chính, thể chế tiếp tục là vấn đề gây bức xúc nhất, được người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, đó là vấn nạn thanh tra, kiểm tra chồng lấn, kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí vẫn có tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt khi doanh nghiệp phản biện, hay tình trạng trì trệ của các sở, ban, ngành, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp…
“Cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt, chứ không chỉ chung chung, nhằm làm rõ những văn bản của sở, ngành nào gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà ở địa phương và trung ương để triệt để xử lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ những khó khăn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Group cho biết, hiện nay, Tập đoàn rất cần những giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng bán lẻ và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp.
“Giá mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi hiệu suất kinh doanh trên mỗi mét vuông diện tích lại thấp hơn. Bên cạnh đó, nguồn nhân sự chất lượng cao luôn khan hiếm. Chi phí tuyển dụng nhân sự cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự”, bà Phương nêu vấn đề.
Để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần chứng minh cho người dân và nhà đầu tư thấy sự bền vững của thể chế mới, mọi khoản đầu tư, mọi doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật.
Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách quyết liệt hơn để vừa cởi trói cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, vừa tạo công ăn việc làm, mang đến cho mọi người sự tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn.
“Chính phủ cần tiếp tục thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập.
Các doanh nghiệp thành lập mới từ hộ cá nhân được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10-15%.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên chuyển giao một chuỗi dịch vụ công từ các bộ ngành, địa phương cho các hiệp hội.
Qua đó, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh và cũng là cơ sở để các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, huy động nguồn lực xã hội, giảm chi phí Nhà nước...”, ông Thân kiến nghị.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, hệ thống ngân hàng lại thu hẹp tín dụng trong bối cảnh doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn, khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn.
Để giải quyết bài toán này, các ngân hàng cần tính toán vốn lưu động cho doanh nghiệp nói chung, ngành dệt may nói riêng.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ cần có chính sách đầu tư cho doanh nghiệp, hướng tới sản xuất bền vững như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, quy hoạch khu công nghiệp dệt may có đủ hạ tầng để phục vụ chuỗi cung ứng, không thu thuế VAT với sản phẩm nguyên liệu trong nước…
Cần có cơ chế chính sách để hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia…
Chính lực lượng doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam liên kết, tạo khối thống nhất, có chiều sâu, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư, kinh doanh, cùng tạo nên sức mạnh, tên tuổi và thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.