Đó cũng là nội dung chính tại buổi tọa đàm Cafe Xanh về chủ đề Đô thị xanh và Con người xanh tổ chức chiều qua ngày 9/11 tại Hà Nội.
Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, đô thị là là ngôi nhà lớn của cộng đồng nên cần sự chung tay chăm sóc của cả cộng đồng thì mới có đô thị xanh ở cấp độ Việt Nam, trên nền tảng lối sống và địa khí hậu của Việt Nam.
Do đó, muốn có đô thị xanh phải là sự tổng hòa, sự cố gắng của nhiều bên trong việc dung hòa những va đập xã hội, va đập văn hóa giữa những người mua để họ cùng thấu hiểu và nâng cao nhận thức về phát triển công trình xanh nói riêng, đô thị xanh nói chung.
Điều này đồng nghĩa với việc công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người, những con người "xanh". Trong đó, cần có người đi đầu với tư duy "xanh" một cách rõ ràng để từ đó có sự đồng thuận và thống nhất cao khi thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Đồng quan điểm, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư cho rằng, chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ khủng hoảng đô thị và môi trường sống. Vì thế, để xây dựng một đô thị tốt, chúng ta cần sự góp sức không chỉ của chính quyền, mà còn cần giới chuyên môn, những người dân và doanh nghiệp.
"Ở một đất nước mà người ta rời bỏ ngay làng quê để đến đô thị thì ý thức con người và sự đồng thuận xã hội có lẽ đóng vai trò lớn”, bà Thục nhấn mạnh.
Theo bà Thục, tư duy đô thị phải như nồi Thạch Sanh để cho nhiều người cùng được ăn, được sống tốt nhất. Cơ quan quản lý cần bắt buộc các nhà đầu tư phải chú trọng vào những tiện ích phục vụ người dân, tạo ra những tư duy đột phá về vành đai xanh. Bên cạnh đó, muốn phát triển công trình xanh, đô thị xanh thì chính sách phải hợp lý và phải có quy hoạch rõ ràng.
Trong đó, nên quản lý đô thị theo đặc thù của từng khu vực, từng thành phố để vừa phát triển vừa bảo vệ được tính lịch sử, giá trị văn hóa nghìn năm mới tạo dựng được.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Capital House cho biết thêm, trong câu chuyện này, vai trò của nhà nước rất quan trọng.
Bản thân tác phẩm Linh Đàm ban đầu khác, các nhà quy hoạch, kiến trúc sư đã gửi gắm những điều tốt đẹp nhưng về sau nơi này bị thay đổi. Điều này do tác động về lợi ích kinh tế học. Bản thân nơi nào có hiệu quả sinh lời cao sẽ thu hút đầu tư, nhưng vấn đề là chúng ta phải quản lý tốt theo đúng quy hoạch ban đầu”.
Đi sâu vào những giải pháp cụ thể để phát triển đô thị xanh, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tất cả đều phải thống nhất trong hành động chung mới có được mong muốn đô thị xanh. Nhiều cây xanh, mặt nước chỉ là điều kiện cần của một công trình xanh nhưng chưa đủ. Tiếp theo đó phải là vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.
"Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của công trình xanh thì càng nhiều dự án xanh được xây dựng. Một đô thị nhiều công trình xanh thì đô thị đó sẽ tốt lên” ông Chiến nhấn mạnh.
Đồng thời ông Chiến cho biết thêm, để thu hút các nhà đầu tư xanh, cũng cần phải có những cơ chế để đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Chẳng hạn, ngay chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Một điều nữa là pháp luật cũng phải bắt buộc, có những khu vực cấp cho 20 ha chẳng hạn, quy định 5 - 7% xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh.
Không phải thích thì xây, không thích thì thôi!