Xu thế thời đại
Dù được nhắc đến trên nhiều bình diện khác nhau, nhưng tại Việt Nam, khái niệm “cảnh quan đô thị” (các thành phần của một hệ sinh thái, tồn tại và tương tác với nhau trong không gian nhất định của đô thị) có vẻ như ít được đem ra mổ xẻ, nghiên cứu một cách khoa học, bài bản để ứng dụng thực tế.
Với công trình khoa học “Kiến trúc cảnh quan trong điều kiện biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, cuối năm 2021, TS. Phạm S đã giành Giải Vàng, Giải thưởng Quy hoạch đô thị lần thứ II năm 2020, do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức.
Đây là công trình khoa học mà tác giả đã vật lộn thực hiện hơn 10 năm qua, trong đó trọng tâm nghiên cứu là cảnh quan đô thị, cảnh quan nông thôn ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Từ phân tích những chức năng riêng có của các đô thị trên toàn cầu, ông Phạm S đề xuất những giải pháp tiếp cận theo xu thế thời đại để chỉnh trang đô thị ở TP. Đà Lạt theo mô hình của Hà Lan và cơ sở khoa học xây dựng đô thị cảnh quan, đô thị carbon thấp, giải pháp tổng thể quy hoạch nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam.
Tác giả cũng giới thiệu các kiến trúc sư cảnh quan nổi tiếng thế giới. Đây là những nhà khoa học đã có những ý tưởng sáng tạo, làm nền móng cho kiến trúc cảnh quan hiện đại ngày nay. Các lý thuyết chuyên sâu mang tính khoa học cao, các công trình kiến trúc cảnh quan của họ là tài sản vô cùng quý báu cả lý luận và thực tiễn; là tài liệu tham khảo cả chuỗi thời gian trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cho biết bao thế hệ kiến trúc sư cảnh quan trên toàn cầu.
Viện Nội dung Kỷ lục thế giới tặng Đĩa vàng cho Kỷ lục gia Phạm S vào năm 2017. Ảnh: N.D |
Đồng thời, tác giả cũng giới thiệu các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế cảnh quan để bạn đọc tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn. Tất cả những công việc đó đòi hỏi người làm nghiên cứu phải lao động một cách nghiêm túc, có trách nhiệm.
Ông Phạm S cho rằng, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. So với các vùng khác thì Lâm Đồng lại là địa phương ít bị tổn thương hơn. Có được điều này là nhờ Lâm Đồng có khí hậu đặc thù, địa hình đa dạng, tài nguyên phong phú, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, có cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, rất phù hợp để phát triển các đô thị sinh thái, đô thị sinh thái thông minh, đô thị xanh, làng đô thị xanh và đô thị cảnh quan trong tương lai.
Đặc biệt, Lâm Đồng hội tụ các yếu tố tự nhiên và xã hội rất quan trọng như mật độ dân số thấp, nhiều khu dân cư thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên, có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Do đó, Lâm Đồng được đánh giá là hậu phương cung ứng hàng triệu tấn nông sản cho các tỉnh vùng dịch từ Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM.
Một trong những thách thức, yêu cầu đặt ra trong tương lai là quá trình phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh, thì cần phải có quy mô phù hợp, kiến trúc độc đáo, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hệ thống cây xanh là những giá trị cốt lõi của một đô thị theo xu thế thời đại, trong đó cần phải chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở là yêu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, tại Lâm Đồng, nhờ áp dụng nông nghiệp công nghệ cao nên giá đất nông nghiệp trung bình hiện nay ở địa phương này cao nhất Việt Nam, riêng giá đất nông nghiệp ở Đà Lạt thuộc nhóm cao nhất thế giới. Do đó, quá trình phát triển đô thị cần chú ý chất lượng quy hoạch. Các dự án phát triển dân cư đòi hỏi quy hoạch có chất lượng tương ứng với giá trị đất, đặc biệt, các nhà đầu tư chiến lược cần quan tâm số một đến chất lượng quy hoạch đô thị, chất lượng sản phẩm, phân khúc khách hàng để tạo một đô thị sinh thái như kỳ vọng.
Để phát triển đô thị động lực, thân thiện với môi trường tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế, theo ông Phạm S, trong số 19 đô thị của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, cần định hướng phát triển bền vững như đô thị sinh thái, đô thị sinh thái thông minh, đô thị vườn, làng đô thị xanh. Riêng đối với TP. Đà Lạt, phát triển thành đô thị động lực, có bản sắc riêng, độc đáo, hiếm có trên thế giới.
Phát triển đô thị trên 4 chữ T
Quá trình phát triển đô thị ở Lâm Đồng sẽ có việc chỉnh trang đô thị. Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12/2/2019, trong đó có chỉnh trang trung tâm Hòa Bình và khu vực Đồi Dinh.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân, nhất là đội ngũ công chức có liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị theo 4 chữ T (tâm, tầm, tư duy và trách nhiệm).
Trong thời gian qua, TP. Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, của các chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề này. Chính quyền các cấp và nhân dân TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng luôn lắng nghe, tiếp thu. Tuy nhiên, ông Phạm S cho rằng, còn có nhiều ý kiến chưa đưa ra khuyến nghị một cách khoa học và tính bền vững để đô thị đáp ứng với yêu cầu phát triển trong tương lai.
Với tình yêu Đà Lạt và vì sự phát triển Đà Lạt bền vững, ông Phạm S đề nghị Bộ Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam... quan tâm ủng hộ quá trình chỉnh trang đô thị Đà Lạt theo nguyên tắc: “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, nhằm giúp Đà Lạt đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tránh việc các ý kiến góp ý chỉ tham gia theo cảm tính, chưa sát thực tế, còn những khuyến nghị cụ thể cách làm như thế nào, phương thức tiến hành ra sao nhằm đảm bảo sự hài hòa nhu cầu phát triển của người dân Đà Lạt, du khách, giới chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp để đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu thế thời đại chưa được quan tâm đúng nghĩa.
Một vấn đề quan trọng không kém hiện nay là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực đô thị. Giải pháp cụ thể là tiến hành đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực có liên quan đến phát triển đô thị như kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư quy hoạch đô thị, kỹ sư quản lý đô thị, kiến trúc sư cảnh quan... ở các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư theo hướng tiếp cận mới phát triển đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, nắm bắt xu hướng phát triển đô thị theo xu thế thời đại.
Ông Phạm S cũng hiến kế, cần tiếp cận trình độ khoa học công nghệ hiện đại, ứng dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện tối đa chuyển đổi số, công nghệ viễn thám... trong quy hoạch phát triển đô thị; xây dựng hệ thống thông tin phát triển đô thị, tạo dựng một hệ thống thông tin báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư phát triển đô thị tại các cơ quan, đơn vị một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác; phân công, phân cấp, tổ chức bộ máy thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin phục vụ cung cấp thông tin minh bạch cho người dân và doanh nghiệp…
Đặc biệt, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân, nhất là đội ngũ công chức có liên quan đến quy hoạch, tư vấn thẩm định, xúc tiến đầu tư; nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ công chức, viên chức trực tiếp đến phát triển đô thị theo 4 chữ T (tâm, tầm, tư duy và trách nhiệm) để công tác quy hoạch phát triển đô thị với mục tiêu là phục vụ chất lượng cuộc sống tốt nhất đối với người dân; quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, tránh phải điều chỉnh gây phức tạp xã hội và lãng phí nguồn lực.
Tư duy chiến lược có hệ thống thích ứng với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu; công tác thẩm định phải có tâm, chú ý đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Quá trình phát triển đô thị cần chú ý môi trường chiến lược, phân tích thật kỹ tác động kinh tế, xã hội và môi trường với trách nhiệm cao nhất, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.