Theo các chuyên gia, việc phát triển và quản lý đô thị Việt Nam hiện nay có nhiều bất cập - Ảnh: Việt Dương

Theo các chuyên gia, việc phát triển và quản lý đô thị Việt Nam hiện nay có nhiều bất cập - Ảnh: Việt Dương

Phát triển đô thị, cần chính sách “cây gậy và củ cà rốt”

(ĐTCK) Cây gậy và củ cà rốt là một loại chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế thường được các nước mạnh sử dụng. “Cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, còn “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng. 

Chính sách này phải luôn hội tu đủ 3 yếu tố là yêu cầu thay đổi, quyền lợi nếu thay đổi và biện pháp trừng phạt. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố đó, thì chính sách này sẽ phản tác dụng và có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Điều này đang diễn ra tương tự như quá trình phát triển và quản lý đô thị tại Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhiều khu đô thị mới văn minh, khang trang đã được hình thành. Thế nhưng, việc thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch và quản lý yếu kém đã tạo ra nhiều hệ lụy tại các đô thị. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, không khó bắt gặp những hình ảnh nhức mắt với các khối kiến trúc, công trình lệch lạc, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, làm xấu diện mạo đô thị.

Những sai phạm về quy hoạch đô thị diễn ra ở nhiều thành phố tại Việt Nam, như Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM…, thậm chí thành phố “đáng sống” và được coi là có quy hoạch tốt như Đà Nẵng cũng không thiếu tình trạng vi phạm về quản lý đất đai, hay sử dụng quy hoạch không đúng như đề án. Tình hình này ở các đô thị mới, khu dân cư mới thậm chí còn đáng báo động hơn với hàng loạt dự án treo, trong đó có những dự án treo cả chục năm trời.

Tất cả những hiện trạng trên đã được các chuyên gia chỉ ra tại buổi tọa đàm “Vai trò của lãnh đạo trong quản lý đô thị” do Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 9/10 vừa qua.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, chính quyền các đô thị và các nhà làm chính sách quan tâm chủ yếu đến khâu lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch, mà chưa có sự chú ý đúng mức đối với quản lý thực hiện quy hoạch. Hậu quả là có sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển của đô thị. Tức là quy hoạch mất chức năng kiểm soát quá trình phát triển của đô thị. Quốc tế gọi hiện tượng này là “sự thất bại của quy hoạch” (Planning Failure).

Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Quản lý đô thị - Bộ xây dựng cho biết, quá trình đô thị hóa là điều tất yếu ở tất cả các quốc gia muốn tiến thêm một bước dài trên con đường phát triển và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Bước vào thế kỷ 21, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta là 24,2% (năm 2000), sau 12 năm, tỷ lệ này đã tăng lên đến hơn 35,5% (năm 2012). Số đô thị hiện tại cũng tăng nhanh, lên tới 768 đô thị, tỷ trọng đóng góp cho GDP từ các đô thị chiếm từ 72 - 75%, cho thấy vai trò của phát triển kinh tế đô thị. Tuy nhiên, đô thị tăng lên về số lượng, nhưng chưa cải thiện nhiều về chất lượng và không đồng đều. Có tỉnh có đến 3 đô thị loại 1, loại 2, nhưng có tỉnh lại không có đô thị nào được xếp loại. Điều này dẫn đến hệ lụy là tình trạng di dân cơ học xảy ra, tập trung tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM.

Khi hạ tầng đô thị không theo kịp sự gia tăng về dân số cơ học, thì gây áp lực lên hạ tầng xã hội và giao thông như điện, nước, tắc đường, tiêu biểu có thể kể đến tình trạng tắc đường cục bộ lên đến 2-3 tiếng mới xảy ra tại khu vực Nga tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Ông Chiến cũng cho biết, theo Định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, đất đô thị năm 2015 cần tới 400.000 héc-ta và năm 2025 cần 450.000 héc-ta (1,4% diện tích cả nước). Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh nước ta chịu tác động nặng nề của nước biển dâng. Để vượt qua thách thức này, cần phải phát triển đô thị theo chiều sâu, chứ không nên dàn trải theo bề rộng và vội vàng mở rộng đô thị khi đất đô thị hiện có chưa khai thác hết.

Theo ông Dương Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND TP. Ninh Bình, hiện tại, bên cạnh phát triển đô thị không đồng bộ, còn có những đô thị cứ xin mở rộng lãnh giới để lên cấp, nhưng dùng không hết, thậm chí còn không biết tìm đâu ra nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là một điều không bình thường.

“Bản thân lãnh đạo các cấp phải có ý thức trong việc phát triển gắn với nhu cầu thực của địa phương, đồng thời tạo ra được sự kết nối đồng bộ trong quy hoạch phát triển của một tỉnh, chứ không thể đơn phương, như vậy càng khiến cho thiếu sự nhất quán trong triển khai”, ông Khang khuyến nghị và cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định triển khai nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị theo Quyết định 1961/QĐ-TTg/2010 là điều cần thiết. Bởi đã là cán bộ quản lý, thì không chỉ cần thiết giỏi về chuyên môn quản lý, mà phải có cả kiến thức về xây dựng, pháp luật, chính sách. Khi đó mới có thể triển khai quy hoạch dự án theo đúng chủ trương và tinh thần đã đề ra.

Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch hạ tầng

GS. Jaiyoung Ryu, Nguyên cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng  và Giao thông Hàn Quốc

Phát triển quy hoạch đô thị đầu tiên phải gắn với việc quy hoạch hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, chúng tôi cũng là một nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh vào. Ngay sau đó, chúng tôi đã phải đề ra rất nhiều mục tiêu, cũng như kế hoạch để phát triển đất nước. Điều mà chúng tôi tập trung là phải xây dựng một mạng lưới liên kết khu vực, từ trung tâm đô thị đến các vùng ngoại ô và thậm chí là các khu vực cư dân nông thôn liên kề.

Việc hệ thống giao thông thuận tiện sẽ giúp cho các hoạt động vận tải dễ dàng, tiết kiệm chi phí, chưa kể, còn giúp phát triển du lịch vùng, mang lại nguồn thu rất lớn cho đất nước. Tuy nhiên, yếu tố mà cần phải quan tâm là phải đảm bảo hạ tầng công cộng cho mọi đối tượng, người già, trẻ nhỏ, người lao động và cả những người khuyết tật.

Nhiều đô thị tại Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn

Ông Achim Fock, Giám đốc Danh mục đầu tư và dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Sự phát triển của các đô thị và các thành phố là rất quan trọng cho một quốc gia. Trong quá trình phát triển, Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là cơ hội cho chúng tôi. Vấn đề của Việt Nam hiện tại là nhiều đô thị chưa có mức dân số như đúng tiêu chuẩn quy hoạch. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng cơ sở giao thông thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết, nên gia tăng về chi phí dịch chuyển.

Làn sóng di dân diễn ra khá mạnh, nhưng lại chậm trong việc hòa nhập và tiếp cận với những thay đổi ở các đô thị mới. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng, những kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia thế giới, đặc biệt là từ Hàn Quốc - một quốc gia có nhiều nét tương đồng có thể sẽ mang lại những thay đổi cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tạo cơ hội và hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực tài chính để phát triển các dự hạ tầng đô thị.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan