Quý III/2019, cả doanh thu và lợi nhuận của VPD đều đi xuống, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên lượng nước về các hồ thủy điện ít, sản lượng sản xuất thấp hơn cùng kỳ năm 2018.
Trong kỳ, VPD ghi nhận doanh thu 151 tỷ đồng, giảm 27,4%; lợi nhuận sau thuế gần 60 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty lần lượt là 412 tỷ đồng và 114 tỷ đồng, giảm 14% và 18% so với cùng kỳ.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu của VPD là Nhà máy thủy điện Khe Bố (Nghệ An) với tỷ trọng 77%, tiếp theo là Nhà máy thủy điện Bắc Bình (Bình Thuận) với tỷ trọng 20,6% và Nhà máy thủy điện Nậm Má.
Thời điểm cuối quý III/2019, nợ phải trả ngắn hạn của VPD là 635 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, gấp 3,3 lần tài sản ngắn hạn. Tổng nợ phải trả là 1.115 tỷ đồng, chiếm 47% tổng tài sản.
Vừa qua, VPD quyết định lùi ngày thanh toán cổ tức năm 2018 bằng tiền. Theo đó, thay vì thanh toán ngày 25/10/2019, Công ty sẽ trả cổ tức vào ngày 31/12/2019.
Giải thích lý do, VPD cho biết, hoạt động và kết quả sản xuất - kinh doanh của Công ty vẫn đảm bảo, các khoản vốn đầu tư của cổ đông được sử dụng hiệu quả, lợi nhuận và cổ tức tăng dần qua các năm.
Tuy nhiên, do các điều kiện khách quan, bất khả kháng như trong năm 2019, tình hình khí tượng, thủy văn bất lợi, khiến sản lượng điện thực hiện trong 9 tháng đầu năm giảm 61 triệu kWh so với kế hoạch. Do đó, Công ty gặp nhiều khó khăn trong công tác tài chính và cân đối dòng tiền.
Hội đồng quản trị VPD sẽ cân đối dòng tiền, lựa chọn thời điểm thích hợp thanh toán cổ tức năm 2018, đảm bảo các tháng còn lại của năm 2019 không bị mất cân đối tài chính và duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Thực tế cho thấy, những khó khăn với VPD nói riêng và các doanh nghiệp thủy điện nói chung vẫn hiện hữu, nhất là khi điều kiện thủy văn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng, thủy văn, tình hình khô hạn có khả năng tiếp tục xảy ra ở những tháng cuối năm 2019, việc tích nước ở các hồ chứa vẫn là thách thức lớn.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông báo về tình hình vận hành hệ thống điện. Theo đó, đến hết tháng 9, thời tiết khô hạn tiếp tục xảy ra ở nhiều hồ thủy điện trên cả nước, lượng nước về vẫn ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.
Đặc biệt, trên lưu vực sông Đà, lượng nước về các hồ chứa lớn ở phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) và nhiều hồ thủy điện tại khu vực Nam Trung Bộ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến đầu tháng 10/2019, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,67 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 7,67 tỷ m3 (tương đương gần 2 tỷ kWh điện).
Điện sản xuất các nhà máy thủy điện đạt 51,98 tỷ kWh, giảm 18,3% (giảm 11,7 tỷ kWh) so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 20 ngày đầu tháng 10/2019, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 13,2 tỷ kWh, trong đó EVN phải huy động các nguồn điện dầu là 178 triệu kWh.
Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch vận hành hệ thống điện trong 3 tháng cuối năm 2019 của EVN dự kiến đối mặt với nhiều khó khăn.
Cụ thể, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện; mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp, đặc biệt các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà đang ở gần mức nước chết; việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn, nhất là khi các nhà máy nhiệt điện đã phải huy động cao trong 9 tháng đầu năm; nguồn khí trong nước suy giảm, từ tháng 10/2019, sản lượng khí PM3 tiếp tục giảm mạnh.
Các nguồn điện dầu dự kiến sẽ phải huy động cao trong 3 tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của EVN. Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành và dự kiến tiếp tục tăng cao ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện...