Bức tranh ảm đạm
Trong 10 dự án sản xuất điện tử lớn nhất tại Việt Nam từ năm 2003 đến nay, Samsung đứng đầu với 4 dự án đi vào vận hành, tổng vốn cam kết hơn 17,3 tỷ USD. Tiếp theo là các dự án của Inter, LG, Canon, Nokia, Panasonic và không có dự án lớn nào của doanh nghiệp Việt Nam.
Cả nước hiện có 610 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện - điện tử
Doanh nghiệp sản xuất điện tử của Việt Nam giờ èo uột, chỉ còn một số doanh nghiệp như Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronic), Công ty cổ phần Hanel… chủ yếu nhập khẩu SKD và IKD để lắp ráp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tình thế của thị trường. Với việc phát triển không có chiến lược dài hạn, thị trường điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng.
Cả nước hiện có 610 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện - điện tử, chiếm 53,28% trong tổng số doanh nghiệp ngành điện tử, một tỷ lệ thấp và chưa hợp lý.
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hợp đồng theo từng đơn hàng nhỏ lẻ, chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp các nguyên liệu, phụ tùng đơn giản như bao bì, vật liệu, phụ tùng nhựa, kim loại, một số dịch vụ hậu cần như vận chuyển, vệ sinh, ăn uống..., phần còn lại chủ yếu do các doanh nghiệp FDI đảm nhận.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần SUNPLA cho biết, hiện khách hàng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử tại Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với khách hàng Hàn Quốc, hình thức hợp tác chủ yếu là doanh nghiệp Việt ký hợp đồng với các nhà thầu phụ của Samsung hay LG. Với dạng hợp tác này, phần lớn doanh nghiệp Việt sẽ không nắm được kế hoạch cụ thể và hình thức hợp đồng thường theo từng đơn hàng.
Còn với khách hàng Nhật Bản, nếu là hợp tác trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt và các tập đoàn điện tử lớn như Canon, Brother..., các doanh nghiệp thường được ký các hợp đồng sản xuất hàng loạt và thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt có thể ký hợp đồng trực tiếp, số doanh nghiệp ký hợp đồng gián tiếp thông qua các nhà thầu phụ cũng không quá nhiều.
Ngoài ra, sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa cũng rất hạn chế, phần lớn nguồn nguyên liệu, linh kiện đầu vào được nhập khẩu hoặc mua từ doanh nghiệp FDI. Có nghĩa là, ngay cả doanh nghiệp khách hàng nội địa, thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam cũng chưa đáp ứng được.
Đẩy mạnh liên kết
Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Công ty Samsung Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được những linh phụ kiện tinh vi hơn, thay vì chỉ làm bao bì và đóng pallet. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm điện thoại di động Samsung đã đạt mức 57%, tính đến cuối năm 2016. Hiện nay, có 29 doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho Samsung.
Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó có thể đầu tư lớn để đáp ứng những yêu cầu cao của doanh nghiệp FDI.
- Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA)
Cũng theo ông Bang Hyun Woo, Samsung đã nỗ lực tìm kiếm, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tự nâng cao trình độ, thông qua việc mời chuyên gia, người từng có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản làm cố vấn.
“Sự liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI đang khởi sắc, nhưng vẫn còn lỏng lẻo”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết và nhận định, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó có thể đầu tư lớn để đáp ứng những yêu cầu cao của doanh nghiệp FDI.
Còn ông Cao Bảo Anh, chuyên viên Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, thời gian tới, cần tập trung hỗ trợ phát triển ngành điện tử theo hướng đa dạng hóa, kết hợp giữa vốn quốc tế và vốn trong nước. “Đặc biệt, cần vận động doanh nghiệp nước ngoài chủ động chuyển giao công nghệ hiện đại cho đối tác Việt Nam, kể cả kinh nghiệm, cách làm phù hợp để tiệm cận, làm chủ tình hình trong bối cảnh hội nhập”, ông Cao Bảo Anh nói.