Trưởng nhóm chấm báo cáo PTBV bảo vệ kết quả chấm trước Hội đồng, tối 30/5/2015

Trưởng nhóm chấm báo cáo PTBV bảo vệ kết quả chấm trước Hội đồng, tối 30/5/2015

Phát triển bền vững, xu hướng chung của thời đại

(ĐTCK) Đó là đánh giá của ông Tô Vĩ Hùng, Trưởng phòng Tài chính và giám sát Rosneft Việt Nam - hội viên ACCA, Trưởng nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất 2015. Theo ông Hùng, để hội nhập tốt, các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ luật chơi này.

Xin ông cho biết những đánh giá cơ bản về báo cáo phát triển bền vững năm nay?

Số lượng báo cáo phát triển bền vững (PTBV) năm nay tăng tương đối so với năm trước, chất lượng báo cáo nhìn chung cũng tốt hơn.

Nội dung báo cáo PTBV được phát triển đầy đủ hơn các năm trước, bao gồm nhiều chỉ tiêu về môi trường và xã hội hơn, chứ không chỉ đơn thuần là tin tức về hoạt động từ thiện của công ty.

Về hình thức, cũng có sự tiến bộ rõ rệt, nhiều báo cáo được trình bày đẹp, màu sắc, hình ảnh hấp dẫn, thể hiện sự đầu tư về thời gian và công sức. Các báo cáo thường có cả bản cứng và bản mềm.

Ông Tô Vĩ Hùng
 

Ông có thể nêu những điểm nổi bật của các báo cáo PTBV, bao gồm cả những tiến bộ cũng như những hạn chế mà doanh nghiệp cần khắc phục?

Điểm nổi bật trong các báo cáo PTBV năm nay là sự gia tăng đáng kể số lượng công ty tham khảo và áp dụng các hướng dẫn của IFC, đặc biệt là chuẩn G4 của GRI. Các báo cáo này thường đầy đủ hơn, cấu trúc chặt chẽ hơn và độ tin cậy cũng cao hơn, nên được đánh giá cao trong thang điểm xếp hạng.

Điều này cũng phản ánh thực tế năm nay đã là năm thứ ba của giải thưởng báo cáo PTBV cộng với sự tuyên truyền rộng rãi của báo đài, đã tác động tích cực đến sự đầu tư của các công ty trong việc lập báo cáo PTBV.

Thêm vào đó về mặt chuyên môn, cũng có nhiều hoạt động trong năm được phối hợp tổ chức bởi IFC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ACCA để thúc đẩy nhận biết và nâng cao trình độ của các công ty trong lĩnh vực PTBV về chuẩn IFC và GRI G4.

Tuy nhiên, vẫn còn một số báo cáo có nội dung/cấu trúc chưa đầy đủ; không theo bất kỳ chuẩn mực nào nên thiếu những nội dung rất cơ bản (thông tin liên hệ, phạm vi báo cáo, đối tượng sử dụng báo cáo…).

Một vài báo cáo có nội dung tương đối đầy đủ nhưng không xác nhận chuẩn mực sử dụng nên cũng không được điểm tối đa. Việc nhận biết, phân tích lợi ích, cơ chế thu nhận và phản hồi thông tin đối với bên liên quan vẫn còn rất hạn chế và chưa có bằng chứng rõ rệt trong việc sử dụng ý kiến phản hồi.

Rất ít báo cáo đặt mục tiêu cho các chỉ tiêu báo cáo hoặc chỉ có những công bố mang tính định tính. Chưa có quy trình quản trị hữu hiệu để đảm bảo tính tin cậy của các thông tin và rất ít công ty có xác nhận độc lập.

Hầu như không có công ty nào có cơ chế khen thưởng liên quan đến PTBV. Đánh giá rủi ro về PTBV còn mỏng và thường tập trung miêu tả những thành tích hơn là thiếu sót trong PTBV.

Khoảng cách chất lượng giữa các nhóm báo cáo theo phân loại của Hội đồng như thế nào, thưa ông?

Có thể chia làm hai nhóm lớn và có sự khác biệt rõ rệt về chất lượng của các báo cáo nằm ở hai nhóm này. Thứ nhất, nhóm các báo cáo đơn giản chỉ đề cập đến các hoạt động xã hội của công ty, chủ yếu là hoạt động từ thiện, thường rất ngắn, hoặc nếu phong phú hơn thì các hoạt động về môi trường, các bên có liên quan khác nhưng cũng chủ yếu là mang tính chất miêu tả những gì đã diễn ra trong năm; không thể hiện được cam kết, chiến lược và định hướng PTBV của công ty.

Hai là nhóm các báo cáo có nội dung đầy đủ, chi tiết hơn về các khía cạnh của PTBV, thể hiện mức độ cam kết cao của ban lãnh đạo đối với PTBV, cũng như có sự đầu tư công sức nghiêm túc của công ty.

Các báo cáo này đề cập đến nhiều chỉ tiêu đa dạng hơn trong các lĩnh vực tác động về kinh tế, môi trường và xã hội lồng trong chiến lược phát triển và quan hệ của công ty với các bên liên quan. Hình thức trình bày chăm chút hơn, bố cục chặt chẽ hơn và áp dụng theo chuẩn mực báo cáo của GRI hoặc IFC.

Cuộc bình chọn năm nay đã xuất hiện nhiều “nhân tố mới”. Vậy điểm mới trong các báo cáo PTBV này là gì, thưa ông?

Phần lớn các công ty được đánh giá cao năm trước vẫn duy trì được chất lượng báo cáo trong năm nay. Tuy nhiên, một số công ty đã có sự nhảy vọt về chất lượng báo cáo so với năm trước như PVD, IMP, FPT và SSI.

Đặc biệt là báo cáo của PVD có thể nói đã có những tiến bộ vượt bậc so với năm trước về mức độ đầy đủ, tin cậy cao nhờ áp dụng chuẩn mực báo cáo và số liệu có quá trình thu thập chuyên nghiệp và được kiểm tra độc lập.

Báo cáo của FPT cũng có sự tiến bộ nhiều về tính đầy đủ, nêu được sự tham gia của các bên liên quan, chiến lược và bối cảnh của sự phát triển bền vững của công ty; đồng thời phần trình bày của báo cáo có định hướng xuyên suốt, ngắn gọn, súc tích, đi vào nội dung cụ thể, dùng các con số để biểu thị cho dễ hiểu và rất chuyên nghiệp, phù hợp với môi trường kỹ thuật cao của công ty.

Theo ông, các báo cáo của doanh nghiệp Việt Nam đạt giải đã có thể “so tài” với các báo cáo của doanh nghiệp khác trong khu vực?

Như đề cập ở trên, đã có sự tiến bộ đáng kể trong chất lượng báo cáo PTBV của các công ty Việt Nam qua các năm.

Mặc dù vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện, nhưng nhóm chấm báo cáo cũng khá hài lòng với chất lượng của các báo cáo PTBV nằm trong nhóm đầu của năm nay và tin rằng, các báo cáo này không thua kém nhiều so với các báo cáo PTBV trong khu vực.

Trong một năm qua, xu hướng lập báo cáo PTBV có thay đổi gì, thưa ông? Theo thông lệ quốc tế, nên lập báo cáo riêng hay tuỳ theo điều kiện, quy mô, nhu cầu của doanh nghiệp?

Trên thế giới, báo cáo PTBV tiếp tục có xu hướng phát triển rộng rãi để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các bên có liên quan về tiết lộ thông tin minh bạch của các công ty niêm yết. Có một sự quan tâm lớn của các bên liên quan, đặc biệt là từ nhân viên của chính công ty, về các tác động biến đổi khí hậu như khí thải nhà kính, sử dụng năng lượng sạch hoặc tiết kiệm tài nguyên nước.

Ở Việt Nam, các báo cáo PTBV bắt đầu đề cập đến các vấn đề này và có các chỉ tiêu tương ứng. Tuy vậy, còn cần phải xem xét các vấn đề ở quy mô rộng hơn, bao gồm cả toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ giai đoạn nguyên liệu đến giai đoạn thải loại.

Về vấn đề lập báo cáo PTBV riêng hay lồng ghép trong BCTN, theo cá nhân tôi không có khác biệt nhiều. Báo cáo PTBV là không bắt buộc và có thể có những đối tượng sử dụng khác với BCTN, nên việc tách biệt hai báo cáo có thể hợp lý về mặt nào đó.

Trên thế giới, hiện nay cũng đã có những xu hướng thúc đẩy mạnh mẽ việc lập báo cáo tích hợp mà điển hình là Integrated Reporting Framework (tạm dịch là Khung báo cáo tích hợp) của International Integrated Reporting Council (IIRC) (tạm dịch là Hội đồng Quốc tế về báo cáo tích hợp).

Theo định nghĩa của họ: “Báo cáo tích hợp là một sự giao tiếp súc tích về việc làm sao mà chiến lược, quản trị, hiệu quả hoạt động và triển vọng của một tổ chức, đặt trong bối cảnh của môi trường bên ngoài của nó, dẫn đến việc tạo ra các giá trị trong ngắn, trung và dài hạn...”. Tóm lại, báo cáo là một nỗ lực để tích hợp trong một chuẩn báo cáo chung cả kết quả và tình hình về tài chính và PTBV (không tài chính).

Mặc dù vậy, báo cáo tích hợp vẫn còn trong quá trình định hình và thực tế không thể phủ nhận các công cụ và chuẩn mực để lập báo cáo PTBV vẫn còn rất thô sơ so với báo cáo tài chính.

Báo cáo PTBV có lợi ích như thế nào đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới (tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, ký kết các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA…), thưa ông?

Báo cáo PTBV có lợi ích to lớn trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác của doanh nghiệp với các bên liên quan, đáp ứng yêu cầu thông tin minh bạch với nhà đầu tư, cộng đồng và các bên liên quan về những khía cạnh ngoài tài chính.

Ngoài ra, quá trình làm báo cáo cũng giúp doanh nghiệp xác lập được chiến lược PTBV, có mô hình quản trị hiệu quả hơn, quản lý được rủi ro tốt hơn…, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng. PTBV là xu hướng chung của thời đại. Để hội nhập tốt, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị, hiểu và chơi theo luật chơi này. 

Được biết, nhiều doanh nghiệp đạt giải năm trước và năm nay đều đã tham gia khoá đào tạo lập báo cáo PTBV. Theo ông, để thực hiện báo cáo PTBV tốt, đây có phải là giải pháp quan trọng?

Mặc dù chất lượng báo cáo PTBV nói chung có những tiến bộ, nhưng vẫn chưa đồng đều ở các nhóm và vẫn còn nhiều mặt có thể hoàn thiện hơn. Do vậy, các khóa đào tạo hoặc thảo luận chuyên đề về lập báo cáo PTBV là rất hữu ích và nên được tổ chức thường xuyên.

Để cho báo cáo PTBV mang tính rộng khắp hơn, chắc chắn, cần có sự ủng hộ và hướng dẫn của cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, các vụ liên quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…

Đồng thời, các định chế tài chính, những nhà đầu tư lớn cần nêu bật những yêu cầu, chuẩn mực của mình về trách nhiệm xã hội và môi trường, để tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong việc minh bạch thông tin, báo cáo PTBV.

Tin bài liên quan