ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) xung quanh chủ đề này.
Một số thông tin báo chí gần đây đánh giá, chưa có năm nào thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn như năm nay. Xin bà cho biết những thách thức hiện nay của ngành?
Theo tôi, khó khăn hiện hữu của DN xuất khẩu thủy sản hiện nay không mới có, mà thực chất đã tồn tại nhiều năm qua. Ở trong nước, đó là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, dịch bệnh phát sinh tại các vùng nuôi tôm, chất lượng con giống cá tra suy giảm, một thời gian dài các DN thủy sản khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý khiến tình hình tài chính hiện nay suy yếu, một số DN ngấp nghé bên bờ vực phá sản... Trên thị trường thế giới là việc suy thoái kinh tế kéo dài khiến sức tiêu thụ và giá mua tại nhiều thị trường truyền thống suy giảm. Khó khăn như vậy, nhưng giai đoạn hiện nay vẫn mang tính sàng lọc, tạo cơ hội bứt phá cho các DN thủy sản chú trọng chiến lược phát triển bền vững, làm ăn bài bản.
Vậy bà đánh giá thủy sản Việt
Ngành thủy sản Việt
Đơn cử với VHC, nhiều năm liền Công ty đã tập trung sức lực xây dựng một hệ thống sản xuất theo mô hình phát triển bền vững, khép kín từ nuôi trồng tới chế biến, nên chúng tôi đã vượt qua được tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Các nỗ lực không ngừng trong việc quản lý chất lượng giúp sản phẩm của VHC đứng vững ở những thị trường khó tính nhất. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng quý I/2012, VHC đạt kim ngạch xuất khẩu gần 40 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vừa qua, VASEP đã tổ chức hội thảo về quản lý chất lượng ATTP thủy sản xuất khẩu. Quan điểm của bà trong vấn đề này ra sao?
Hội thảo mới đây được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp tăng hiệu quả của việc kiểm tra chất lượng ATTP thủy sản, đồng thời cũng giảm áp lực cho DN về các thủ tục hành chính và chi phí xuất khẩu. Đã có nhiều kiến nghị và đề xuất tại hội thảo, nhưng quan điểm riêng của VHC là để đảm bảo và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng ATTP thủy sản xuất khẩu, nên quản lý cả quá trình chứ không chỉ đơn thuần là kiểm soát riêng lẻ từng lô hàng như hiện nay.
Suy nghĩ này hình thành từ chiến lược phát triển bền vững của Công ty. Nhiều năm liền, VHC cố gắng khép kín quy trình sản xuất nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu nhất quán về chất lượng sản phẩm, nên không chỉ quản lý tốt chi phí mà còn giữ được uy tín với khách hàng, chủ động đối phó với các thay đổi về thị trường.
Được biết đến như DN tiên phong với chiến lược phát triển bền vững, tuy nhiên gần đây, Công ty đã tham gia nhiều mảng kinh doanh khác? Đâu là lý do của sự chuyển hướng này?
Các con số thống kê cho thấy, ngành thủy sản có khả năng tăng trưởng ngay cả trong khủng hoảng nếu có chiến lược phát triển hợp lý. Trước đây, VHC hướng tới mô hình sản xuất khép kín nhằm quản lý chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm đáp ứng cao nhất nhu cầu khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới việc hoàn thiện từng khâu trong chuỗi sản xuất khép kín nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu tiến tới việc nâng cao giá bán.
Bên cạnh đó, VHC cũng phát triển theo chiến lược tối ưu hóa chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đó là việc sử dụng các phụ phẩm từ da cá để sản xuất collagen. Hiện giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã hoàn tất, dự kiến quý III/2012 chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy.
Mới nhất, VHC tham gia thêm vào lĩnh vực sản xuất gạo. Đây là một phần của chiến lược lược tối ưu hóa chuỗi giá trị sản phẩm bằng việc cung cấp cám phát sinh ở khâu lau bóng cho nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Hiện tại, nhằm thực hiện kiểm soát chất lượng ngay từ đầu, VHC đang hợp tác với Trung tâm giống Đồng Tháp và đối tác Đài Loan, nhằm tạo ra giống lúa thuần chủng chất lượng cao nhất. Chúng tôi đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch bằng hệ thống sấy và tồn trữ theo công nghệ hiện đại. Đây là hai yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam hiện nay.