Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đạt giải thưởng báo cáo PTBV tốt nhất; giải nhì thuộc về CTCP Sữa Việt Nam (VNM); ba giải khuyến khích gồm giải thuộc về CTCP Dược Hậu Giang (DHG) ở hạng mục Tính đầy đủ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) hạng mục Độ tin cậy và CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) nhận giải Trình bày.
Trong tổng số 121 báo cáo thường niên vào vòng chung khảo năm nay, có 62 báo cáo đề cập đến nội dung PTBV, trong đó có 33 báo cáo lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng PTBV. Giải thưởng nhận được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của nhóm chuyên gia đến từ Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA).
Tiêu chí bình chọn chủ yếu dựa trên chuẩn mực báo cáo PTBV được quốc tế công nhận và có sự linh động cho phù hợp với Việt Nam. Về tổng thể, báo cáo PTBV được đánh giá trên 3 phương diện: Tính đầy đủ chiếm 40% tổng điểm, Tính tin cậy 35% và hình thức, Trình bày chiếm 25%.
Theo nhận định của Hội đồng bình chọn, kết quả của các công ty trong Top 10 đều có số điểm cao hơn năm ngoái, cho thấy chất lượng báo cáo PTBV đã tốt hơn, có đầu tư công sức và thời gian hơn. Khoảng 50% công ty đề cập đến chuẩn mực về báo cáo của IFC, Global reporting initative (GRI). Đặc biệt, BVH đã áp dụng tiêu chuẩn GRI phát hành trong khoảng tháng 5/2014, hướng dẫn PTBV phiên bản 4 bằng tiếng Việt (bản tiếng Anh được thông tin từ năm 2013). Trong số 10 báo cáo có điểm số cao nhất năm nay về PTBV thì có tới 7 gương mặt cũ, cho thấy các DN có truyền thống vẫn duy trì được những cam kết cuả họ.
Bên cạnh đó, có một số đơn vị như STB, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã có tiến bộ nhảy vọt so với năm trước với báo cáo PTBV có nội dung phong phú hơn.
Một số đơn vị không chỉ đơn thuần đưa ra các báo cáo và thông tin, mà còn công bố các kết quả công bố đã được kiểm tra một cách độc lập như trường hợp của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD). Đây là một điểm đáng khích lệ, vì việc có kiểm tra bên ngoài sẽ nâng cao tính tin cậy của báo cáo PTBV.
Đối với hai DN đạt giải cao nhất, Hội đồng bình chọn cho biết, tổng số điểm của hai báo cáo này có khoảng cách xa so với những báo cáo còn lại. BVH là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất việc đánh giá tính trọng yếu và các bên liên quan. Báo cáo của VNM có cấu trúc hợp lý, bộ chỉ số tốt, toàn diện từ môi trường đến xã hội, có sự phân tích tốt hơn so với năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Hội đồng bình chọn, cả hai báo cáo đạt giải cao nhất này đều bị điểm trừ khi chỉ có các mục tiêu chung mà không được lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể dài hạn. Các chỉ tiêu trong ngắn hạn cũng chưa được nêu một cách đầy đủ. Cả BVH và VNM đều không có gắn kết quả về môi trường và xã hội đối với chế độ đãi ngộ cho nhân viên.
Trong Top 5 báo cáo đạt số điểm cao nhất, STB được đánh giá có sự tiến bộ nổi trội. Điểm số của STB tốt hơn hẳn do có cấu trúc báo cáo tương đối chặt chẽ, trong đó nêu chi tiết thông tin về đối tượng nhận báo cáo, đơn vị liên hệ và sử dụng chuẩn mực nào để tham chiếu. Báo cáo cũng nêu rõ cách thức tham vấn và kết quả tham vấn các bên liên quan, từ đó thực hiện dựa trên những ý kiến tham vấn đó.
Tương tự, IMP cũng đạt giải Trình bày với cấu trúc báo cáo tốt, trình bày dễ đọc, dễ nắm bắt thông tin. Báo cáo PTBV của IMP được tham khảo và xây dựng dựa trên các hướng dẫn của GRI, G3.1 về lĩnh vưc hóa chất (hóa dược) và hướng dẫn lập báo cáo PTBV của IFC. Các chỉ số về môi trường như báo cáo nước thải, khí thải được trình bày, phân tích rõ chất lượng từng chỉ số, không đơn thuần chỉ nêu số lượng.
Với thông tin đầy đủ và tốt hơn so với năm 2013, báo cáo của DHG được giải Tính đầy đủ.
Các thành viên Hội đồng bình chọn đều cho rằng, trong tương lai, Việt Nam nên luật hóa quy định công bố thông tin về vấn đề PTBV theo xu hướng của các sở GDCK trên thế giới. Do vậy, việc duy trì giải thưởng về PTBV sẽ tạo tiền đề tốt, giúp các DN có khả năng đáp ứng ngay các quy định về PTBV có thể được ban hành. Đồng thời, thực hiện và lập báo cáo PTBV sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho DN, cũng như sự thuyết phục với nhà đầu tư khi hội nhập với thị trường quốc tế.