Thu hút dòng vốn FDI vào các ngành thúc đẩy phát triển bền vững là hướng đi phù hợp với các nước đang phát triển

Thu hút dòng vốn FDI vào các ngành thúc đẩy phát triển bền vững là hướng đi phù hợp với các nước đang phát triển

Phát triển bền vững: Nói dễ, làm khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay cả với nước giàu, để đoạn tuyệt với những ngành kinh tế gây ô nhiễm cũng là việc không dễ dàng.

Phát triển bền vững có cái giá của nó

2021 có thể coi là một năm bản lề quan trọng của phát triển bền vững. Thứ nhất, với việc Tổng thống Biden vừa nhậm chức, Mỹ được kỳ vọng sẽ nối lại những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, điều mà Tổng thống nhiệm kỳ trước Donald Trump xem là không quan trọng. “Khí hậu đổi rồi sẽ đổi lại” (nguyên văn “Change back again”) - cách nghĩ và phát biểu nổi tiếng của ông Trump khiến những nhà hoạt động vì phát triển bền vững và môi trường lo ngại. Nhưng nay, nước Mỹ đang được điều hành bởi những người quan tâm nghiêm túc hơn đến vấn đề này.

Thứ hai, lãnh đạo của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình thể hiện rõ quan điểm hướng tới phát triển bền vững và muốn Trung Quốc nhanh chóng trở thành quốc gia tiên phong trong việc giảm khí thải ra môi trường. Việc yêu cầu cắt giảm sản lượng của các nhà máy sản xuất thép và hạn chế sản lượng khai thác than từ đầu năm là một minh chứng.

Tuy nhiên, 2021 cũng là năm mà dự đoán của nhiều tổ chức đầu tư về những chi phí ngầm của phát triển bền vững trở thành sự thật. Giá năng lượng tăng cao, trong khi giá than tăng 5 lần. Cuối cùng thì Trung Quốc, bất chấp quyết tâm cắt giảm khí thải của lãnh đạo, đã phải yêu cầu tăng sản lượng khai thác than trở lại để giải quyết vấn đề thiếu điện khẩn cấp của nước này trong tháng 10/2021.

Đợt thiếu điện lần này của Trung Quốc được cho là tệ hại nhất trong vòng hai thập kỷ qua và được xem là một đòn giáng mạnh vào tham vọng cắt giảm nhanh nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc. Nhiều người dự đoán, sau than thì tham vọng cắt giảm thép của Trung Quốc cũng khó thành hiện thực khi mà nền kinh tế nước này tốt lên sau khi những khó khăn của thị trường bất động sản qua đi.

Nếu như các nền kinh tế đã phát triển và có tích lũy nguồn vốn dồi dào có thể chấp nhận bỏ tiền, vay nợ, thậm chí là chấp nhận giảm tăng trưởng vài điểm phần trăm để tiếp tục đi vào con đường phát triển bền vững, những nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt với nhiều thử thách hơn.

Sức ép ở các nước đang phát triển chưa đủ mạnh

Ông Hồ Quốc Tuấn , Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Ông Hồ Quốc Tuấn , Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Trước Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu COP26, diễn ra ở Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, Martin Wolf - cây bút bình luận kỳ cựu của tờ Financial Times nhận xét rằng, rất dễ để cam kết không tăng phát thải (“net zero”) trong vòng 30 năm tới (tức là tới năm 2050), nhưng để đạt được mục tiêu tham vọng hơn, nhìn thấy ngay được là cắt giảm lượng khí thải đến 40% vào năm 2030 là cực kỳ khó khăn, nhất là với các nước đang phát triển.

Để đạt được điều đó, những nước này phải nhanh chóng giảm phá rừng, đẩy nhanh tái tạo rừng, giảm khí thải carbon trong sản xuất điện, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải trong việc sưởi ấm vào mùa đông và giảm phát thải ở nhiều lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế các nước này như sản xuất thép, xi măng, hóa chất và cả bay đường dài. Với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đây là những thử thách không nhỏ. Ngay các nước đi trước và tham vọng như Trung Quốc còn chưa làm được.

Bên cạnh đó, để giảm phát thải, bắt buộc phải tăng đầu tư vào kinh tế tuần hoàn. Hiểu nôm na là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại của một doanh nghiệp góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này đòi hỏi phải có nguồn vốn để đầu tư lại hạ tầng, sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong cả các mô hình kinh doanh.

Ở các nước giàu, những chuyển biến này là bắt buộc do sức ép nhiều phía. Thứ nhất là từ phía những khách hàng trẻ hơn và cấp tiến hơn trong yêu cầu bảo vệ môi trường và sẵn sàng chạy các chiến dịch tẩy chay những mặt hàng gây ô nhiễm. Thứ hai là sức ép lớn từ phía các quỹ đầu tư cam kết đầu tư bền vững, nói “không” với những lĩnh vực gây ô nhiễm. Ví dụ, quỹ hưu trí ABP của Hà Lan vừa cam kết rằng trước năm 2023, họ sẽ bán toàn bộ các khoản đầu tư trị giá khoảng 15 tỷ euro của mình tại các công ty năng lượng hóa thạch. Các công ty năng lượng hóa thạch nào muốn giữ lại các khoản đầu tư của ABP phải cho thấy tốc độ chuyển sang các mảng năng lượng thay thế nhanh và rõ ràng.

Thứ ba là vấn đề pháp lý. Ở các nước phát triển, số vụ kiện tụng công ty gây ô nhiễm môi trường, ngân hàng và quỹ đầu tư đầu tư vào các công ty phá rừng, gây tổn hại môi trường và xã hội đang tăng với cấp số nhân. Rủi ro bị kiện tụng trở thành một rủi ro chủ yếu của nhiều công ty chậm thay đổi và kém nhạy cảm với các khái niệm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

“Phát triển và chuyển đổi, không phải đóng cửa”, theo Tổng thống Na Uy là cách tiếp cận thực tế và hợp lý.

Cuối cùng là các cam kết đầu tư hạ tầng khổng lồ ở Mỹ, Nhật, châu Âu và Trung Quốc hướng tới xây dựng hạ tầng xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm khí carbon trong nền kinh tế. Nói cách khác, các chính phủ đang tung ra các gói đầu tư hạ tầng và kích thích kinh tế để khôi phục kinh tế hậu Covid, nhưng điều kiện đi kèm là các gói đầu tư này kèm theo yêu cầu phát triển bền vững, kinh tế xanh. Đi kèm với đó, họ phải chấp nhận quy mô đầu tư vào những ngành công nghiệp tạo ra phát thải lớn như năng lượng hóa thạch phải giảm đi. Đầu tư giảm, nhu cầu không thể giảm nhanh, tất yếu giá phải tăng.

Vấn đề là các nền kinh tế đang phát triển có thể làm như các nước đã phát triển được hay không? Sức ép về kiện tụng, những gói đầu tư kèm điều kiện kinh tế xanh, cũng như sức ép từ các quỹ đầu tư hầu như mờ nhạt ở các nền kinh tế đang phát triển. Trong khi đó, chính bản thân nhiều doanh nghiệp ở các nước này nhìn thấy những việc giảm đầu tư vào các doanh nghiệp thép, hóa chất độc hại ở các nước phát triển là một cơ hội đẩy mạnh doanh thu và lợi nhuận của mình. Trên hết, những nước này có một lượng lớn nhân công cần giải quyết.

Ở những nước đang phát triển, các ngân hàng và quỹ đầu tư đang tiếp tục tài trợ các dự án gây tổn hại môi trường. Một điều tra gần đây của Tổ chức Global Witness cho biết, các ngân hàng toàn cầu và quỹ đầu tư đã vừa mở rộng nguồn tài trợ lên đến 119 tỷ USD cho khoảng 20 dự án nông nghiệp sẽ dẫn đến phá hoại rừng và môi sinh.

Phát triển xanh, con đường chông gai

Ngay cả với nước giàu, việc đoạn tuyệt với những ngành kinh tế gây ô nhiễm cũng không dễ dàng. Đối mặt với lời kêu gọi đóng bớt các giàn khoan dầu, Thủ tướng Na Uy đã thẳng thắn cho rằng làm như vậy có thể tạo hiệu quả ngược lại. Nếu Na Uy không có tiền kiếm được từ các hoạt động đó, họ sẽ không còn tiền để đầu tư nhằm đạt được mục tiêu xanh hóa nền kinh tế của mình. “Phát triển và chuyển đổi, không phải đóng cửa” (nguyên văn “Develop and transit, not close down”) là cách tiếp cận theo ông là thực tế và hợp lý. Ông định vị Na Uy như một nền kinh tế sản xuất xăng dầu lớn nhất Tây Âu nhưng cũng là nước đầu tư hàng đầu vào công nghệ xe điện, thu và trữ khí carbon, cũng như điện gió ngoài khơi.

Nói cách khác, lấy nguồn tiền từ kinh tế ô nhiễm để tái đầu tư lại chính nó, đổi mới công nghệ, nhiên liệu sử dụng, tạo kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận của một số nước giàu hiện tại, với điều kiện họ có đủ tích lũy và khấu hao những khoản đầu tư thì bây giờ mới có thể lấy tiền từ dầu để nuôi kinh tế xanh. Chứ nếu vẫn đang phải dùng tiền từ kinh tế chưa sạch để trả nợ và đổi mới hạ tầng lạc hậu thì lấy đâu ra để đầu tư kinh tế xanh. Bài toán của các nước đang phát triển khó khăn hơn nhiều. Chính vì vậy, Martin Wolf cho rằng, các nước phát triển cần phải trợ giúp các nền kinh tế đang phát triển để đạt mục tiêu của mình.

Thử thách để xanh hóa nền kinh tế ở các nước đang phát triển còn lớn hơn nhiều lần ở các nước phát triển và con đường đi đến phát triển bền vững ở những nước này còn chông gai hơn. Để gỡ khó cho chính mình, các nước đang phát triển không có cách nào ngoài việc phải có một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ưu tiên vào các ngành thúc đẩy phát triển bền vững như năng lượng tái tạo, công nghệ vật liệu, hóa chất thân thiện môi trường, cũng như những ngành như xe điện. Mà muốn như vậy, môi trường đầu tư, chất lượng nhân lực phải đi trước một bước. Đón đại bàng đã khó, đón đại bàng “xanh” càng không dễ.

Nhưng nếu thấy “khó quá, bỏ qua” thì chúng ta lại có nguy cơ bỏ qua một cơ hội đổi mới cực kỳ quan trọng của nền kinh tế. Nếu Na Uy tự lấy tiền vốn của mình để “quá độ”, Việt Nam đang cần một cách thu hút vốn nước ngoài để quá độ một cách khôn ngoan.

Tin bài liên quan