Cơ hội lớn nhất để gia tăng sức cạnh tranh
Theo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, có tới 71% doanh nghiệp cho biết họ đã lên kế hoạch hành động cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và có 13% đã xác định các công cụ cần và 29% đặt ra các mục tiêu cụ thể.
Trong khi đó, 90% người dân tin rằng việc các doanh nghiệp đăng ký với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là quan trọng, với hơn 80% cho biết họ có nhiều khả năng sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các bên đã đăng ký thực hiện các mục tiêu này hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng, phát triển bền vững là đòi hỏi tất yếu từ cộng đồng xã hội, từ phía khách hàng với doanh nghiệp. Điều này đã ngấm vào ý thức của đa số doanh nghiệp Việt Nam và bước đầu được chuyển hóa thành hành động, mục tiêu cụ thể.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tài sản vô hình (giá trị thương hiệu, uy tín, kế hoạch nghiên cứu và phát triển, độ hài lòng của khách hàng, sức khỏe an toàn, hiệu quả hoạt động về môi trường, quản trị doanh nghiệp, gắn kết lao động và sự đồng thuận của xã hội với hoạt động doanh nghiệp) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp và “áp đảo” vị trí của tài sản hữu hình.
Nếu như năm 1975, tài sản hữu hình chiếm 83% trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp thì năm 1985 giảm xuống 68% đến năm 1995 chiếm 32%. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ trọng tài sản vô hình tăng lên. Đến năm 2010, tài sản vô hình chiếm 80% và năm 2015 con số này là 84%.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thế kỷ 21, phát triển bền vững được xem là cơ hội lớn nhất và duy nhất để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tập trung cho chiến lược phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các giá trị gắn kết với người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro hoạt động, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tối ưu hóa lợi nhuận…
Mỗi doanh nghiệp tùy đặc thù hoạt động sẽ có những lựa chọn khác nhau trong hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững. Với Coca-Cola là tập trung các hoạt động vào vấn đề nguồn nước, phụ nữ, nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của cộng đồng cùng việc quản lý rác thải, nhựa tái chế, Traphaco lại chọn đồng hành chia sẻ lợi ích với người nông dân.
Qua nhiều năm triển khai chiến lược “Con đường sức khỏe xanh”, đến nay, Traphaco đã có 5 vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Bộ Y tế với trên 36.000 ha cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho Công ty. Với mô hình phát triển dược liệu này, Traphaco đã tạo ra việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó, trên 40% là đồng bào dân tộc ít người với thu nhập gia tăng từ 3 - 5 triệu đồng/hộ/tháng; đa dạng hóa các sản phẩm bản địa.
Trong khi đó, một doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng cho biết họ có 18 nhãn hàng phát triển theo tiêu chí bền vững và nhóm này tăng trưởng nhanh hơn 50% so với nhóm còn lại, chiếm 60% tổng doanh số của tập đoàn.
Heneiken đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối, 99% phụ phẩm và phế liệu được tái chế hoặc tái sử dụng, giảm gần 1/2 lượng nước tiêu thụ, giúp tiết kiệm chi phí không nhỏ, gia tăng hiệu quả sản xuất – kinh doanh.
Đó là những trái ngọt của các doanh nghiệp khi đầu tư cho chiến lược phát triển bền vững.
Vấn đề sống còn của doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững tốt có lợi thế trong thu hút đầu tư. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng chia sẻ, những năm gần đây, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đều coi hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp là cơ hội để thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia vào doanh nghiệp.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng đến phá triển bền vững cũng như lập báo cáo phát triển bền vững. Trong ảnh: Top 5 doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất mùa bình chọn DN niêm yết 2018.
Báo cáo phát triển bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam quan tâm triển khai.
Bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng ban Truyền thông Thương hiệu, Tập đoàn Bảo Việt cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã theo dõi báo cáo bền vững của doanh nghiệp để quyết định mua cổ phiếu. Đi theo con đường phát triển bền vững, Tập đoàn Bảo Việt đã tái cấu trúc lại các hoạt động, lấy lại thị phần số 1 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại Việt Nam.
Còn tại Nestle Việt Nam, phát triển bền vững giúp doanh nghiệp có những bước tiến vững chắc. “Chúng tôi nhận thấy càng thực hiện các chương trình phát triển bền vững thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng tốt hơn. Ba năm qua, doanh nghiệp luôn trong Top 100 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam và thứ hạng ngày càng được nâng cao", bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại Nestle Việt Nam cho hay.
Nestle Việt Nam đã thực hiện hành trình phát triển bền vững từ năm 2011. Trong lĩnh vực thế mạnh là chế biến sản phẩm cà phê, Công ty đã hoàn thiện liên kết chuỗi từ người nông dân đến người tiêu dùng, thu mua 20 - 25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam để chế biến sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Đối với những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, phát triển bền vững cũng là một trong những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cho hay, phát triển bền vững là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trường tồn trên thị trường. Hiệp hội này cũng đã đăng ký tham gia thực hiện báo cáo phát triển bền vững, xây dựng bộ chỉ số cụ thể riêng cho ngành.
Coi phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng cần ưu tiên với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Đã qua rồi thời kỳ phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ. Trong xu hướng mới, các doanh nghiệp hãy phát triển bền vững ngay từ khi còn là công ty siêu nhỏ. Đây cũng là giấy thông hành cho doanh nghiệp bước vào thời kỳ mới”.
Những doanh nghiệp phát triển bền vững đang được ví như những “hạt giống xanh” trong “khu vườn” của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
“Hy vọng, thời gian tới, trên bản đồ hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ ghi dấu những doanh nghiệp Việt đủ tài, đủ tâm sánh ngang cùng các cường quốc, không chỉ về sức mạnh tài chính, mà còn phát triển nhân văn, bền vững theo đúng Chương trình nghị sự 2030 và 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.