Phát triển bền vững: Đường sáng đến tương lai

Phát triển bền vững: Đường sáng đến tương lai

(ĐTCK) Chủ trương phát triển bền vững đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội.

Do đó, chủ trương phát triển bền vững đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Vì không phát triển nhanh là sẽ tụt hậu, đi sau các nước, phải phát triển tốc độ cao để nâng cao vị thế Việt Nam. Nhưng phải khẳng định, phát triển phải bền vững”.

Con đường đã qua

Tháng 9/2015, Liên hợp quốc cùng các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng, tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc. Mục tiêu phát triển bền vững là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals - MDG).

Các SDG dựa trên 6 chủ đề, bao gồm nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng.

Hai chủ đề cuối cùng là chủ đề mới. SDG toàn diện hơn so với MDG và bao gồm 17 mục tiêu chung, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.

Những mục tiêu này vượt ra tầm phát triển xã hội, bao gồm cả các mục tiêu đối với biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng…

Mỗi mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu thường sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác.

Thực hiện cam kết quốc tế, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể.

Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách trên tất cả các ngành, lĩnh vực như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia thực hiện tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020...

Việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt những chính sách nêu trên đã thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là các chỉ tiêu: tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017;

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017; tỷ lệ học sinh hoàn thành giáo dục tiểu học là 99,7% năm học 2016 - 2017; hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam được tiếp cận với điện năm 2016; tăng trưởng GDP năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%...

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và lựa chọn những mục tiêu phát triển bền vững phù hợp để lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Xác định lộ trình

Ngày 4/6/2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 681/QĐ-TTg ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, về mục tiêu xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển bền vững, Quyết định đề ra lộ trình đến năm 2020 cơ bản giải quyết được trình trạng đói, đến năm 2025 không còn nạn đói.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp thì lộ trình thực hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 là 43 triệu đồng, năm 2025 là 60 triệu đồng và đến năm 2030 là 90 triệu đồng.

Lộ trình thực hiện mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho mọi người dân: Từ năm 2020 đến năm 2030, GDP duy trì mức tăng từ 5-6%/năm, GDP bình quân đầu người duy trì mức tăng từ 4-4,45%/năm, năng suất lao động duy trì mức tăng 5%/năm.

Quyết định nêu rõ, đối với những mục tiêu chưa có lộ trình, các bộ, cơ quan được phân công chủ trì có kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện đối với từng mục tiêu phù hợp với yêu cầu của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam bao gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai…

Tin bài liên quan