Phát triển bền vững: những doanh nghiệp tiên phong
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ 3, với chủ đề: “Sáng tạo để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững”, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) phối hợp với các đối tác tổ chức ngày 8/11, ông Trần Vũ Hoài, Phó chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ, phát triển bền vững giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
Theo ông Hoài, một câu hỏi mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thường đặt ra liệu phát triển bền vững có là gánh nặng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp hay không, có khiến lợi nhuận giảm không? Thực tế tại Unilever cho thấy, thực hiện phát triển bền vững là con đường tạo ra giá trị gia tăng mới cho Tập đoàn thông qua tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Từ mục tiêu hướng tới cộng đồng, Uniliever tập trung thiết kế và triển khai các nhãn hàng phát triển bền vững - đây là một trong hai tài sản (cùng với con người) quan trọng nhất của Tập đoàn. Kết quả, sau hơn 5 năm kể từ khi triển khai phát triển bền vững, các nhãn hàng phát triển bền vững có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 50% trong tốc độ tăng trưởng của Uniliever.
Riêng tại Việt Nam, các nhãn hàng phát triển bền vững đạt mức tăng trưởng gấp đôi trong 5 năm qua. Từ năm 2008 đến nay, nhờ triển khai kinh doanh theo mô hình phát triển bền vững mà Uniliever Việt Nam tiết kiệm được khoảng 600 triệu Euro.
Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho hay, triển khai mô hình kinh doanh phát triển bền vững, Tập đoàn chuyển hệ thống Bệnh viên đa khoa quốc tế Vinmec và Hệ thống giáo dục Vinschool sang hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Toàn bộ lãi thu được, Tập đoàn đều tái đầu tư cho các lĩnh vực này. Đó là lý do đến nay Vingroup không thu hồi hơn 40.000 tỷ đồng đầu tư cho Vinmec và Vinschool.
Vingroup sẽ dành khoảng 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 trường đại học theo mô hình phi lợi nhuận, góp phần làm giảm số lượng học sinh ra nước ngoài du học, đồng thời thu hút học sinh nước ngoài vào Việt Nam học tập. Mỗi năm có khoảng 3 tỷ USD chảy ra khỏi Việt Nam để trang trải cho hơn 110.000 du học sinh Việt Nam học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Số tiền mỗi năm người Việt Nam sử dụng để chữa bệnh ở nước ngoài vào khoảng 2 tỷ USD/năm.
Phải hành động và hành động
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về tầm quan trọng của hành động cả với cơ quan quản lý lẫn cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực thi có hiệu quả các sáng kiến về phát triển bền vững.
Thực tế, trong các nghị quyết của Đảng, Chính phủ có các đường hướng, cơ chế về phát triển bền vững, nhưng qua trực tiếp phỏng vấn một số đối tượng từ cán bộ hoạch định chính sách đến người dân, thì câu trả lời nhận được là họ chỉ biết các nội dung cơ bản, còn chi tiết chưa nắm được.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, địa phương nhằm thúc đẩy triển khai các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên tinh thần hành động, làm rõ nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng chịu trách nhiệm gì.
“Được phân công đứng đầu nhiều ủy ban liên ngành, nhưng ở vị trí Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh khiến tôi không yên lòng nhất, vì liệu những việc làm hôm nay có ảnh hưởng xấu đến các thế hệ mai sau không”, ông Đam chia sẻ.
Để tạo bước chuyển mạnh trong cải cách môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ một việc không mới, nhưng cần làm với quyết tâm cao là làm sao Chính phủ, các bộ phải làm ít việc đi. Chính phủ làm những việc thực sự cần thiết, còn những gì doanh nghiệp, xã hội làm được thì Chính phủ không cần làm.
Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành phải thuê dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai dịch vụ hành chính công, chứ không làm trực tiếp.
Hay như với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa. Có ý kiến đặt câu hỏi, nhiều doanh nghiệp đang làm ăn có lãi sao Chính phủ lại bán. “Mục đích của Chính phủ không đi kinh doanh lấy tiền…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
“Chính phủ mong muốn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực và mong muốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế… Thị trường còn rất lớn, nếu có tầm nhìn dài hạn thì đây là các lĩnh vực đầu tư bền vững trên nhiều khía cạnh”, ông Đam nhìn nhận.
Thúc doanh nghiệp niêm yết phát triển bền vững
Liên quan đến định hướng phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, Sở sẽ sớm triển khai Chỉ số cổ phiếu Phát triển bền vững, bao gồm các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường; nghiên cứu triển khai niêm yết Trái phiếu xanh, tạo điều kiện phát triển các dự án xanh mang lại giá trị về môi trường, xã hội hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người; nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế hướng tới niêm yết xanh.
Cùng với đó, HOSE thúc đẩy các doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững, nhất là về chất lượng thông tin do doanh nghiệp công bố; nâng cao đào tạo về phát triển bền vững theo chủ đề thông qua các lớp học, hội thảo; đẩy mạnh quảng bá đầu tư bền vững đến các nhà đầu tư; khuyến khích các quỹ đầu tư có cam kết về đầu tư có trách nhiệm.
“Phát triển bền vững là con đường độc đạo doanh nghiệp phải đi”
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Chưa bao giờ phát triển bền vững lại được nhấn mạnh đến như vậy tại nhiều quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 2016 là năm đầu tiên VCCI xây dựng và công bố Bộ chỉ số phát triển bền vững, để doanh nghiệp tham khảo và là căn cứ để xếp hạng doanh nghiệp. Đây là bước đi cụ thể thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế.
Phát triển bền vững là con đường độc đạo, duy nhất mà doanh nghiệp phải đi nếu muốn thành công bền vững. VCCI luôn đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, nhất là về 3 trụ cột trong phát triển bền vững đối với doanh nghiệp là: con người, trái đất và lợi nhuận. Hoạt động của doanh nghiệp dứt khoát phải tạo ra lợi nhuận, nhưng phải quan tâm đến con người và trái đất.
“80% giá trị doanh nghiệp ở dạng vô hình”
Ông Andrew Chan, Giám đốc vùng, PwC Đông Nam Á
Các cổ đông thường quan tâm nhiều hơn tới lợi nhuận trong ngắn hạn, trong khi phát triển bền vững là hướng tới các giá trị dài hạn, nên đây là thách thức cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Cách đây 10 năm, khi nói đến giá trị thương hiệu thì gần như không định lượng được, nhưng hiện nay lượng hóa được khá dễ dàng. Nhờ đo lường được giá trị thương hiệu, cũng như các giá trị khác, mà qua khảo sát các doanh nghiệp chúng tôi nhận thấy, tại nhiều doanh nghiệp, có tới 80% giá trị của công ty nằm ở các giá trị vô hình gồm: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, hiệu quả đóng góp, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, 20% còn lại là giá trị hữu hình. Điều đó cho thấy, phát triển bền vững góp phần làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều số liệu chứng minh, khi doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới phát triển bền vững thì giá trị của doanh nghiệp nhờ đó gia tăng.