Cánh cửa tới tương lai
Tuy vẫn còn một số nhà khoa học và chính phủ chưa thống nhất về nguyên nhân của hiện tượng trái đất nóng dần lên, dẫn đến biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng lên, nhưng đa số các nước trên thế giới đều đồng thuận quan điểm với yêu cầu cấp bách của việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà điển hình là việc ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Ô nhiễm môi trường, thực phẩm, khủng hoảng nguồn nước… cũng là những vấn đề mà nhân loại và chính phủ các nước đang phải đương đầu. Nếu các vấn đề này không được giải quyết, về lâu dài, các doanh nghiệp không thể hoạt động và phát triển trong một môi trường đầy bất ổn như vậy.
Mặt khác, những vấn đề trên cũng chính là cơ hội có một không hai cho những doanh nghiệp nhạy bén nắm bắt được xu thế và tích hợp phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh và đầu tư phát triển của mình.
Làm được điều này, doanh nghiệp sẽ tạo cho mình lợi thế cạnh tranh quan trọng trong một thị trường đang có tốc độ phát triển như vũ bão, với mức đầu tư hàng năm ước tính lên tới 2.000 - 3.000 tỷ USD.
Những doanh nghiệp quyết đoán sớm cũng sẽ chủ động hơn trong việc đối mặt với những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, đồng thời mang lại cho mình danh tiếng là những người dẫn dắt thị trường.
Ông Tô Vĩ Hùng, Hội viên ACCA, Trưởng phòng Kế toán, Rosneff Việt Nam, Thành viên Hội đồng bình chọn báo cáo phát triển bền vững.
Phát triển bền vững không còn là một ý tưởng, mà đã là một xu hướng không thể đảo ngược. Kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, có tới 54% người tiêu dùng mong muốn mua sắm những sản phẩm và dịch vụ có ít tác động đến môi trường, hoặc mang tính bền vững hơn.
Ở các quốc gia đã phát triển và đang phát triển, người tiêu dùng ngày nay đã thông minh và tinh tế hơn. Họ không chỉ quan tâm đến tính năng sử dụng và giá cả sản phẩm, mà còn quan tâm đến cả nguồn gốc và những ảnh hưởng của sản phẩm đến đời sống và môi trường. Trước những đòi hỏi mới như vậy, nếu doanh nghiệp tiếp tục mô hình kinh doanh truyền thống, không chịu đưa phát triển bền vững vào chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp sẽ đồng nghĩa với việc tự đóng lại cánh cửa tương lai của mình.
Nói như Paul Simpson, Tổng giám đốc CDP, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận chuyên công bố thông tin về ảnh hưởng môi trường, “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang đứng ở thời điểm quan trọng trong qua trình chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp. Sẽ có những cơ hội vô cùng to lớn dành cho những công ty đặt mình được ở vị trí tiên phong của xu thế này và cũng sẽ là những rủi ro vô cùng to lớn cho những ai chậm quyết định”.
Phát triển bền vững không chỉ là hoạt động từ thiện
Khi đã thấy rõ nhu cầu và quyết tâm phát triển bền vững, doanh nghiệp nên xác định và lồng ghép các sứ mệnh và mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển chung của mình. Các mục tiêu phát triển bền vững phải phù hơp với hoàn cảnh, môi trường, thế mạnh, rủi ro của doanh nghiệp trong thị trường mà nó hoạt động để mang tính khả thi và hiệu quả.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ rằng, phát triển bền vững không gói gọn trong việc tiến hành những chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo định kỳ, hay thi thoảng thực hiện những hoạt động cứu trợ, từ thiện. Mặc dù các hoạt động trên cũng là một phần rất quan trọng trong hành vi của một doanh nghiệp công dân tốt, nhưng nó chưa đủ.
Rõ ràng, phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị thực cho doanh nghiệp, tuy nhiên các vấn đề phát triển bền vững phải đối mặt như an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, vệ sinh môi trường… đều là những vấn nạn cần thời gian dài để chuyển biến.
Một doanh nghiệp phát triển bền vững thì chiến lược phát triển bền vững phải bao trùm toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng tạo ra hoặc ảnh hưởng đến định hướng cho hoạt động mua sắm, đầu tư, sản phẩm, dịch vụ mới hoặc chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu và nhân lực của doanh nghiệp.
Mặt khác, việc lồng ghép phát triển bền vững vào chiến lược chung của mình cũng tránh cho doanh nghiệp bị “lạc đường”, quên mất ý nghĩa tồn tại của doanh nghiệp. Một chiến lược phát triển bền vững tốt phải phù hợp và phục vụ tốt cho định hướng thương mại của doanh nghiệp. Từ đó, các mục đích kinh doanh và lợi ích xã hội mới có thể kết hợp hài hòa trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng phải rất thận trọng trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược phát triển bền vững không thể là một danh sách dài các hoạt động mà doanh nghiệp phải tiến hành. Doanh nghiệp phải quyết định vấn đề, lĩnh vực nào quan trọng nhất đối với mình để tập trung nguồn lực vào giải quyết.
Tiếp đến, doanh nghiệp phải thuyết phục được các nhóm có quyền lợi liên quan chính của doanh nghiệp, cụ thể là các cổ đông chính, nhà đầu tư lớn, rằng đầu tư vào phát triển bền vững là có hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong tương lai.
Trong một phát biểu về phát triển bền vững, Paul Polman, CEO của Unilever cho biết, việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm giặt rửa tiêu hao ít nước hơn đã tạo điều kiện cho phụ nữ ở các nước đang phát triển cần ít thời gian hơn để đi lấy nước, nên có nhiều thời gian hơn cho học tập, công việc và chăm sóc con cái.
Điều này thật sự quan trọng ở nhiều vùng tại châu Phi và châu Á nơi người dân có thể phải đi bộ tới 6 ki-lô-mét mỗi ngày mới đến được nguồn nước.
Các sản phẩm này đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 30% so với các sản phẩm khác của Tập đoàn. Các nhãn hàng này đã kết hợp hài hòa các mục đích và ý nghĩa của phát triển bền vững vào trong sản phẩm đã tạo nên sức thu hút cao với người tiêu dùng.
Rõ ràng, phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị thực cho doanh nghiệp, tuy nhiên các vấn đề phát triển bền vững phải đối mặt như an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, vệ sinh môi trường… đều là những vấn nạn cần thời gian dài để chuyển biến.
Vì vậy, các nhà đầu tư phải có sự kiên nhẫn, không đòi hỏi phải thấy ngay những cải thiện lập tức trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong thời gian ngắn. Họ phải thật sự là những nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn lâu dài về giá trị của công ty. Điều này thật sự không dễ trong tình hình thị trường chứng khoán hiện nay, khi mà thời gian giữ cổ phiếu của các cổ đông ngày càng ngắn dần.
Cách thức tốt để tránh xu hướng ngắn hạn là doanh nghiệp thông tin và phân biệt rõ ràng giữa mục tiêu và chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI). Mục tiêu thường là dài hạn và có thể không được định lượng rõ ràng.
KPI thường là các chỉ số đo lường mang tính định lượng, tính trong thời gian ngắn hoặc định kỳ. Do vậy, nếu doanh nghiệp có một hệ thống KPI trình bày tốt có thể giúp cho cổ đông nắm bắt được rõ ràng về khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và tác động của chúng đến hoạt động chung của doanh nghiệp.
Ngoài các sự ủng hộ của các cổ đông chính và nhà đầu tư lớn, việc thực thi chiến lược phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao của toàn thể nhân viên của doanh nghiệp, đặc biệt là các thành viên hội đồng quản trị và các giám đốc cấp cao. Nếu không có sự ủng hộ hết lòng từ ban lãnh đạo cao nhất chiến lược phát triển bền vững sẽ không có đủ nguồn lực để thực thi.
Cũng như chiến lược kinh doanh thông thường, đối với chiến lược phát triển bền vững, phương thức thực thi cũng đóng vai trò tối quan trọng. Trước khi đưa ra áp dụng các hành động và thực thi các mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp nên lên kế hoạch và thiết lập lại các biện pháp liên quan đến chiến lược phát triển bền vững như: hệ thống quản trị, kiểm soát, cơ chế thu thập thông tin, phản hồi, phân công trách nhiệm và tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên… Có như vậy, chiến lược phát triển bền vững mới có điều kiện thực hiện cao nhất.