Sản phẩm giấy từ phân voi của Nampath Paper. Ảnh: BBC

Sản phẩm giấy từ phân voi của Nampath Paper. Ảnh: BBC

Phát tài nhờ làm giấy từ phân voi

Mọi người thường chỉ hứng thú với ngà voi, nhưng John Matano thì lại chỉ quan tâm đến chất thải của động vật to lớn này.

Doanh nhân 58 tuổi người Kenya này dùng phân voi để tạo ra giấy cao cấp. Và để nguồn cung không bị gián đoạn, ông lúc nào cũng mong đàn voi ở Kenya sống khỏe mạnh.

Nhiều người có thể cảm thấy ghê khi nghĩ rằng phân voi được sản xuất thành giấy. Nhưng thực ra đây là ngành công nghiệp đang tăng trưởng khá nhanh tại quốc gia Đông Phi này. Theo số liệu chính thức của Chính phủ, hiện Kenya có 17 công ty tham gia vào lĩnh vực này.

"Nếu anh hỏi giấy từ phân voi có chất lượng tốt không? Câu trả lời của tôi là có", Matano - Giám đốc Nampath Paper cho biết. Công ty ông hiện có 42 nhân viên, với lợi nhuận hằng năm 2,3 triệu shilling Kenya (23.000 USD).

Thủ phủ ngành công nghiệp giấy từ phân voi của Kenya nằm tại Mwaluganje Elephant Sanctuary - một khu bảo tồn rộng 36 km2, cách thành phố ven biển Mombasa 45km về phía Tây Nam.

Ngành này bắt đầu từ một dự án thử nghiệm năm 1994, và được thương mại hóa một thập kỷ sau đó, khi các nông dân địa phương như Matano mở nhà máy riêng.

Khu bảo tồn này thành lập năm 1993 để giúp bảo vệ đàn voi. Nhưng nó cũng đang hỗ trợ hơn 200 nông dân địa phương. Nhiều năm trước, các nông dân thường xuyên phải đối phó với việc đàn voi tràn vào ruộng nhà, ăn hoặc phá hủy mùa màng. Vì thế, Mwaluganje Elephant Sanctuary đã được thành lập với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Theo đó, nông dân xung quanh vùng sẽ được trích một phần lợi nhuận du lịch từ khu bảo tồn này, để bù cho số mùa màng bị voi phá. Họ cũng được khuyến khích tìm hiểu thêm các cách kiếm tiền khác, như nuôi ong, lấy phân voi đem bán cho các nhà máy giấy, hoặc tự làm giấy.

Matano cho biết làm giấy từ phân voi "rất dễ, không phức tạp chút nào". Phân voi có rất nhiều cỏ và các loại sợi thực vật khác đã được chia nhỏ khi đi qua hệ tiêu hóa của voi. Đầu tiên, số phân này sẽ được rửa sạch. "Sau khi rửa, nó sẽ chỉ còn lại các loại sợi. Rồi số sợi này lại được đun sôi trong 4 giờ nữa để hoàn toàn sạch sẽ", ông nói.

Rồi sau đó, quy trình cũng tương tự làm giấy bình thường (từ bột giấy). Matano cho biết: "Một con voi trung bình ăn 250kg thức ăn mỗi ngày. Chúng thải ra 50kg phân, đủ làm 125 tờ giấy A4", ông nói. Cả chất lượng và giá cả đều tương đương giấy bình thường. Cách làm này còn có lợi là bảo vệ được cây cối.

phat-tai-nho-lam-giay-tu-phan-voi-1
Ngành công nghiệp này đã giúp hơn 200 người dân địa phương thoát nghèo. Ảnh: AFP

"Nó sẽ giúp các cánh rừng xung quang không bị phá hủy. Ngành công nghiệp này rất bền vững, tương lai rộng mở, và có thể giảm tình trạng săn bắn cũng như khai thác gỗ trái phép", Matano cho biết. Ông hiện sở hữu nhiều cửa hàng ở Mombasa và thủ đô Nairobi.

Kenya Wildlife Service - một tổ chức phi chính phủ tại Kenya cho biết ngành sản xuất giấy từ phân voi đang giúp cả 7.000 cá thể voi tại nước này và giảm khai thác gỗ trái phép. "Chúng tôi sử dụng rất nhiều giấy làm từ phân voi. Đây là việc tốt, giúp cả người và voi chung sống hòa bình", Paul Gathitu - người phát ngôn của tổ chức nói.

Jane Muihia cũng có một nhà máy làm giấy từ phân voi tại Nairobi, tên là Transpaper Kenya. Dù phần lớn sản phẩm của bà làm từ gỗ, khoảng 20% là làm từ phân voi.

"Giấy từ phân voi chất lượng không khác bình thường đâu. Giá cả cũng gần như tương đương. Giấy này không có mùi tí nào, vì nó cũng qua các khâu sản xuất bình thường rồi", bà cho biết.

Nhà máy của bà hiện sản xuất hơn 2.800 tấn giấy từ phân động vật năm ngoái. Và con số này dự kiến tăng gấp 3 cuối năm nay.

Giám đốc khu bảo tồn Mwaluganje Elephant Sanctuary thì nhận định ngành công nghiệp này đến nay đã giúp hơn 500 người dân địa phương thoát nghèo. Và với số lượng voi tại đây, nguồn nguyên liệu thô sẽ khó mà thiếu hụt.

Tin bài liên quan