Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 16/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững”.

Hội thảo với chủ đề: “Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững” có dự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND một số tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực kinh tế...

Phát biểu Hội thảo, TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững đã và đang trở thành xu thế được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Trải qua 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quan điểm lãnh đạo phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Đảng ta vẫn là kế thừa xuyên suốt, phát triển và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện thông qua các kỳ Đại hội Đảng.

Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện mới đã chỉ rõ: “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần và bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã quyết nghị rằng cần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Bên cạnh đó là phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh và có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp.

Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

Như vậy có thể thấy, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng và Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến trình phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua.

TS Trần Doãn Tiến nhấn mạnh: Sau gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả nước đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt được một số kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành tựu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân...

Hội thảo lần này là dịp để tiếp tục trao đổi, đánh giá những nội dụng chủ yếu nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của Đảng trong việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua, thể chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Cụ thể, năm 2023, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023) với dự kiến khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Việc triển khai các chính sách về thuế, phí tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân đã đạt kết quả tích cực. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng); năm 2021 là khoảng 145 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng); năm 2022 là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng).

Hiện nay, Bộ Tài chính đang theo dõi tình hình thực tế để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Tin bài liên quan