Một trong những điểm mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này là đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản. Ảnh: N.L

Một trong những điểm mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này là đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản. Ảnh: N.L

Phát huy trí tuệ chuyên gia trong hoạt động lập pháp của Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV đang được xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Làm thế nào để phát huy một cách thiết thực, hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động của Quốc hội là vấn đề được đặt ra, khi Dự thảo báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV đang được xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Chưa có cơ chế rõ ràng, phù hợp

Trách nhiệm bấm nút thông qua luật và các vấn đề quan trọng khác của đất nước là của đại biểu Quốc hội, nhưng quá trình xây dựng và phản biện chính sách lại không thể thiếu được sự đóng góp của các chuyên gia.

Một trong những điểm mới được nhấn mạnh trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này là đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản, huy động trí tuệ của xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật. Các đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều hình thức thảo luận, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức hữu quan và cá nhân ở địa phương vào các dự án, dự thảo luật.

Nhưng, Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội cũng nêu một trong các hạn chế của nhiệm kỳ này, đó là chưa có cơ chế rõ ràng, phù hợp để phát huy một cách thiết thực, hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động lập pháp.

Khắc phục hạn chế trên là yêu cầu cấp bách, bởi Quốc hội chỉ có hơn 30% đại biểu hoạt động chuyên trách, việc soạn thảo luật vẫn chủ yếu dựa vào các bộ chuyên ngành. Trong khi đó, các quan hệ kinh tế - xã hội thay đổi thường xuyên, diễn biến khó lường, bên cạnh yêu cầu ban hành các đạo luật mới để đáp ứng yêu cầu quản lý, thì việc sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng hết sức nặng nề. Bối cảnh đó cho thấy, việc huy động trí tuệ của chuyên gia trong xây dựng luật càng đóng vai trò quan trọng.

Ngay tại nghị trường, khi các đại biểu Quốc hội muốn bấm nút thông qua một nội dung nào đó còn nhiều ý kiến tranh cãi, thì các đại biểu có những hiểu biết chuyên sâu đã có những tác động rất lớn tới các đại biểu khác. Bởi thế, giữa năm 2020, khi thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, không ít đại biểu đã đề nghị cần dành tỷ lệ khoảng 3-5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội... làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, xem đây như nguồn lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của Quốc hội.

Nhưng, để vừa bảo đảm được tính đại diện, vừa có những đại biểu chuyên gia góp phần cho các đại biểu Quốc hội khác tiếp cận một cách đúng đắn hơn hay tiếp cận sâu hơn các dự thảo luật là vấn đề quá khó.

Thù lao không phải vấn đề lớn

Phải khẳng định, tham vấn ý kiến chuyên gia, không chỉ riêng trong hoạt động lập pháp, mà cả trong giám sát, đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội rất coi trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số vị chuyên gia vẫn tỏ ra tiếc nuối khi nhớ về hoạt động tham vấn của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khoá XII qua các Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân, Mùa Thu tập hợp được ý kiến rất đa chiều và tranh thủ được sự đóng góp của đông đảo đội ngũ chuyên gia kinh tế trên cả nước. Họ được mời với tư cách cá nhân, không phân biệt đang làm nhà nước hay tư nhân, đã nghỉ hưu hay đang còn trẻ, họ được thể hiện chính kiến mà không lo “nhìn trước, ngó sau”. Bởi thế, họ tạo nên “thương hiệu” cho Diễn đàn và đóng góp không nhỏ cho hoạt động của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

“Ý kiến của các chuyên gia là kênh thông tin cực kỳ quý giá, còn nếu chỉ gói gọn ý kiến trong Ủy ban thì có thể đánh giá không đầy đủ, không kết hợp được lý luận và thực tiễn, nhất là khi đánh giá các vấn đề mang tầm vĩ mô”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khoá XII, ông Hà Văn Hiền - tác giả của mô hình mở tham vấn ý kiến chuyên gia khi đó - từng nhận xét.

Vì nhiều lý do, các diễn đàn trên đã vắng bóng. Là người từng tham gia quá trình xây dựng các dự án luật và phản biện chính sách, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những sự kiện uy tín như các diễn đàn nói trên sẽ thu hút được các chuyên gia có uy tín tham gia.

Ông Tuấn góp ý, hiện có rất nhiều chuyên gia tốt từ các bộ, nhưng họ gặp trở ngại là khi Chính phủ đã trình dự luật thì họ không thể nói ngược được, nên phải có cơ chế để họ có thể tham gia với tư cách cá nhân.

Cũng từng tham gia nhiều Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân, Mùa Thu, một vị chuyên gia khác chia sẻ, sau khi các diễn đàn này nhạt dần và không được tổ chức nữa, ông vẫn tiếp tục đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, nhưng với cách khác. Đó là khi được hỏi ý kiến, ông sẽ gặp trực tiếp hoặc gửi văn bản, nói thẳng, nói thật bản chất vấn đề mà ông am hiểu và đề xuất giải pháp. Sau đó, ông theo dõi xem người đã tham vấn sử dụng ý kiến của ông thế nào tại nghị trường.

“Rất mừng là đại biểu từng tham vấn ý kiến của tôi đã không ngại động chạm, đã chắt lọc được nhiều thông tin để tham gia thảo luận và thuyết phục chính sách tại nghị trường”, vị chuyên gia chia sẻ.

Cũng như chuyên gia Đậu Anh Tuấn, một số chuyên gia khác cho rằng, tiền thù lao không phải vấn đề lớn. Mà chính quá trình đóng góp xây dựng và phản biện chính sách cũng cho họ cơ hội được lắng nghe, được ghi nhận, được tham gia có ý nghĩa vào quá trình xây dựng luật, chính sách.

Nói thêm về kinh phí, từ nhiệm kỳ XIII, Quốc hội đã có quy định mỗi đại biểu Quốc hội có thể chi tối đa 50 triệu đồng mỗi năm để trả thù lao cho chuyên gia, giới hạn mỗi sản phẩm của chuyên gia được trả không quá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, theo một số vị đại biểu, quy định này khá cứng nhắc, thủ tục phức tạp, nên không mấy phát huy tác dụng. Bởi vậy, trong khi quy định này chưa được sửa đổi, theo một số đại biểu, sự lắng nghe một cách cầu thị, sử dụng thông tin từ chuyên gia đúng lúc, đúng chỗ chính là “cơ chế” hiệu quả nhất để đại biểu hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, đại biểu có thể cân đối trong nguồn lực 50 triệu đồng/năm để trả thù lao cho chuyên gia, nhưng không nên quy định cứng là 2 triệu đồng/sản phẩm với khá nhiều thủ tục ít nhiều còn nặng về hình thức như hiện nay.

Bà Thúy cho rằng, để linh hoạt hơn, từng đại biểu có thể đề xuất chuyên gia cho mình, bộ phận chuyên môn sẽ làm việc với họ về chế độ, thù lao. Hoặc cũng có cách khác là mỗi Thường trực Ủy ban của Quốc hội có thể chọn ra khoảng 20 chuyên gia trong lĩnh vực mình phụ trách, đại biểu có thể tham vấn ý kiến của họ thường xuyên, mà không phải lo đến những thủ tục hành chính, tài chính khác.

Tin bài liên quan