Đại dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam với số ca nhiễm lên đến cả chục nghìn người mỗi ngày. Trong lịch sử, nhân loại cũng đã từng phải chứng kiến nhiều chủng dịch bệnh có sức tàn phá vô cùng khốc liệt với tỷ lệ tử vong ở mức cao, chẳng hạn như dịch cúm mùa Tây Ban Nha năm 1918 (tỷ lệ tử vong 10%) và dịch SARS năm 2002 (tỷ lệ tử vong 9,5%). Đại dịch Covid-19 tuy nguy hiểm, song trên thực tế, tỷ lệ tử vong của nó chỉ nằm ở mức 2,1%. Sự nguy hiểm của virus Corona nằm ở cách mà người ta ứng xử với nó.
Corona là chủng virus có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng. Điều này khiến cho hệ thống y tế trở nên quá tải, không có khả năng điều trị cho nhiều ca bệnh chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là nguyên nhân chính gây nên tử vong vì Covid-19.
Bên cạnh đó, đời sống kinh tế xã hội của nước ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch lần thứ 4 này. Khác so với những lần trước, hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm như các thành phố lớn và khu công nghiệp đều phải tiến hành giãn cách xã hội, khi mà dịch bùng lên trên diện rộng với cả chục nghìn ca mỗi ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ 4 này, Việt Nam đã hành động rất kịp thời để ứng phó với dịch bệnh, nhờ vào kinh nghiệm chống dịch tích lũy từ 2020 và tiếp cận học hỏi của những quốc gia cũng trải qua và thành công trong việc kiểm soát đại dịch.
“Muốn chống dịch hiệu quả, chúng ta cần phải phát triển kinh tế để lấy đó làm nguồn lực đối phó lâu dài, và ngược lại, muốn phát triển kinh tế thì cần phải kiểm soát được dịch bệnh”. Do đó, việc thực hiện thành công mục tiêu kép như Chính phủ đã đề ra là cực kỳ quan trọng.
Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên HĐQT độc lập Dragon Holdings, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Đầu năm 2021, Việt Nam đã có chủ trương rất đúng đắn để phù hợp với điều kiện bình thường mới, không còn thực hiện giãn cách toàn phần như đầu năm 2020, mà có chiến lược khoanh vùng dập dịch theo địa bàn để đảm bảo mục tiêu kép. Chúng ta đã nhận ra rằng, việc phòng chống dịch không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Trong 6 tháng đầu năm, GDP vẫn tăng trưởng tốt, đạt mức 5,64%. Nếu như so sánh với cùng kỳ những năm không có dịch, đây là mức tăng trưởng thấp, tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, mức 5,64% là một con số tích cực và rất đáng ghi nhận.
Mặc dù vậy, trong điều kiện làn sóng Covid thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng GDP vẫn chưa nói lên nhiều ý nghĩa. Có thể nói, đây là làn sóng ảnh hưởng mạnh nhất từ trước đến nay, khi mà những vùng có dịch đều là những vùng kinh tế và khu công nghiệp trọng điểm như thủ đô Hà Nội và các vùng thủ đô như Bắc Ninh, Bắc Giang khiến các địa phương này phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tại trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành phía Nam, dịch bệnh cũng đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Điều này gây áp lực lên chuỗi sản xuất như tiếp vận, lực lượng lao động và các chi phí sản xuất khác, khiến các chi phí đầu vào sản xuất đội lên cao. Các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ chính sách 3 tại chỗ của Chính phủ để được tiếp tục hoạt động và hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ để đảm bảo duy trì sản xuất. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thử thách vô cùng lớn trong làn sóng Covid năm nay.
Trong thời điểm hiện tại, Việt Nam muốn tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra thì cần phải duy trì được tổng cầu bằng cách duy trì hệ thống việc làm và kế sinh nhai cho người dân. Để làm được điều này, chúng ta cần phải đạt được mục tiêu kép như Chính phủ đề ra, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do sức ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á cũng đang trở thành các tâm dịch mới của thế giới khi có đến 9 vạn ca phát sinh mới mỗi ngày.
Các đối tác lớn trong khu vực của Việt Nam như Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí Ấn Độ còn rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tại Mỹ và Liên minh châu Âu, chủng Delta bùng phát trở lại đe dọa tình hình phục hồi kinh tế. Trước diễn biến dịch bệnh của thế giới, khu vực và Việt Nam, chúng ta cần phải xác định rằng, cuộc chiến chống Covid-19 không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà là cuộc kháng chiến trường kỳ, do các chủng virus có khả năng biến thể gây ra dịch bệnh kéo dài.
Trong nửa đầu năm 2021, mặc dù phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế Việt Nam cũng đã gặt hái được một số thành tựu nhất định. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5 % so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm tăng 6,8% so với cùng kỳ, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh cũng tiếp tục tăng bất chấp dịch bệnh đe dọa. Vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán cũng được xin tăng thêm quy mô.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định và bền vững với tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái và lãi suất được duy trì ở mức ổn định. Dòng vốn tín dụng vẫn đáp ứng dồi dào cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Thị trường chứng khoán vẫn có tính thanh khoản cao qua các phiên giao dịch.
Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thêm nhiều điểm sáng, đó là hầu hết các doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần lạc quan tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ dưới dự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Đảng về công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Điểm sáng lạc quan đó được thể hiện qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đạt hiệu quả và có lợi nhuận. Trong quý I/2021, các công ty niêm yết có lợi nhuận ròng tăng trưởng hơn 80% so với cùng kỳ. Quý II lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có giảm hơn do ảnh hưởng bởi tác động của Covid nặng hơn từ đầu tháng 6.
Có thể nói, tính đến thời điểm kết thúc quý II/2021, kinh tế Việt Nam đã được kết quả tương đối tốt. Thành quả này đạt được là nhờ Việt Nam đang bước vào chu kỳ điểm rơi của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đất nước trong suốt 5 năm qua thực hiện, như là các chính sách đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và đặc biệt quan trọng là chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Hầu hết giới quan sát trên thế giới cũng đánh giá khá tốt nỗ lực chống dịch của Chính phủ Việt Nam. Một trong những thành công vượt bậc trong việc kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế là vào ngày 5/6, Việt Nam đã thành lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc cùng toàn hệ thống chính trị nhằm tận dụng được nguồn lực xã hội trong nước và kiều bào nước ngoài. Ngay sau khi thành lập, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã cùng chung tay ủng hộ với mục tiêu giúp Việt Nam trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.
Có thể nói, sự thành công lớn nhất của công tác chống dịch và phát triển kinh tế theo mục tiêu kép trong 6 tháng đầu năm là nhờ vào sự đồng lòng của toàn dân tộc, từ quần chúng nhân dân cho đến cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể hệ thống chính trị.
Thành công trong công tác chống dịch trong làn sóng thứ 4 song song với phát triển kinh tế là một thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, như đã nêu từ đầu, sự nguy hiểm của Covid-19 không chỉ nằm ở khả năng gây chết người của nó, mà là sự ảnh hưởng nghiêm trọng liên quan đến đời sống xã hội của thế giới và Việt Nam, từ chính trị, kinh tế cho đến đời sống nhân dân. Do đó, nguyên tắc tiên quyết để ứng phó với Covid-19 là phải tiến hành song song, muốn chống dịch bệnh thì phải phát triển kinh tế để lấy nguồn lực và muốn phát triển kinh tế thì phải khống chế được dịch bệnh.
Mặc dù đến hiện tại, Việt Nam đã có kinh nghiệm chống dịch sau 2 năm Covid-19 bùng phát, nhưng phải đến đợt bùng phát thứ 4 trong 6 tháng đầu năm này, nền kinh tế mới thực sự tiếp cận được chiến lược chống dịch theo xu hướng chung của thế giới.
Nếu như trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, Việt Nam chủ trương chống dịch bằng cách đóng cửa toàn bộ nền kinh tế, xác định đánh nhanh thắng nhanh thì nay chúng ta đã gặt hái được một bài học mới: “Việc chống dịch không thể kết thúc trong một sớm một chiều, mà đây là công cuộc trường kỳ kháng chiến” do virus liên tục biến thể với các biến chủng mới. Vì vậy, để tiếp tục chống dịch thành công và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, cần phải đảm bảo một số nhân tố sau:
+ Duy trì đạt được sự đồng lòng của toàn dân tộc từ quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể hệ thống chính trị, tất cả cùng chia sẻ khó khăn để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong làn sóng thứ 4 này, toàn dân đã hưởng ứng lời hiệu triệu của Tổng Bí thư và ủng hộ Chính phủ chống dịch, thể hiện qua hình ảnh xúc động toàn thể nhân dân ủng hộ chiến lược chống dịch của Đảng và Chính phủ, hình ảnh từ lãnh đạo trung ương có mặt ở mọi điểm nóng, cho đến các chủ tịch phường xã và các cấp có mặt ở các chốt kiểm dịch để bảo vệ vùng xanh đã chạm vào trái tim của người dân. Vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tinh thần đồng lòng này để cùng nhau vượt qua đại dịch. Đặc biệt, chúng ta cần phát huy tinh thần doanh nhân dân tộc và nhà tư bản dân tộc.
Hiện tại, kinh tế Việt Nam đã hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Do vậy, cùng với tinh thần đồng lòng toàn dân, tinh thần doanh nhân dân tộc được phát huy hơn nữa. Các tập đoàn lớn sẽ là trụ đỡ dẫn dắt thúc đẩy kinh tế phát triển trong điều kiện khó khăn của đại dịch Covid.
+ Tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế đang thực hiện từ 2016 cho đến nay, đồng thời tranh thủ trong giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19 thực hiện chuyển đổi sâu rộng sang mô hình nền kinh tế số.
+ Nâng cao nguồn lực của Quỹ vắc xin để tiếp cận được nhiều nguồn nhập khẩu trên thế giới, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ và bằng mọi giá phải có được nguồn vắc xin sản xuất trong nước để ứng phó diễn biến phức tạp của biến thể mới.