Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Phát hoảng với "sa thải", "đuổi việc"

(ĐTCK) Sa thải, đuổi việc, tống cổ nhân sự… là những cụm từ mạnh mẽ, đang xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông, trong phát ngôn của một số lãnh đạo ngân hàng.

Năm 2009 - 2011, TTCK từng có lúc rơi sâu, VN-Index xuống gần 200 điểm và trầm lắng kéo dài, ngành chứng khoán phải trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn.

Trừ một số công ty chứng khoán (CTCK) lớn, dường như tất cả các CTCK đều cắt giảm nhân sự, co cụm, hoặc phải tìm cách đổi chủ để gắng gượng tồn tại.

Nhiều nhân sự chứng khoán từ sự tự tin, hân hoan với nghề, trở nên mang tâm trạng có lỗi, vì sự thất bát của giới đầu tư, của thị trường. Người làm nghề chứng khoán, vì thế, ít nhiều đã mất đi sự sang trọng vốn có của nghề nghiệp.

Chánh văn phòng CTCK trong TOP 5 chia sẻ, từ lâu, chị không dám nói mình làm ở CTCK, vì cảm giác mất tự tin, ngại cái nhìn của người xung quanh về cái nghề ăn xổi, lướt lát, lừa lọc để kiếm sống.

Trong khi đó, để được vào làm việc tại ngành này, không chỉ cần có bằng cấp, trình độ thực chất, mà còn cần nhiều kỹ năng, tố chất cao hơn nhiều ngành nghề khác.

Câu chuyện của chị Chánh văn phòng CTCK trên không phải là cá biệt, rất nhiều nhân viên CTCK, thậm chí lãnh đạo CTCK, cũng mang tâm trạng tự ti về công việc của mình.

Điều gì đã tạo nên sự mất tự tin này? Về khách quan, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự khó khăn của nền kinh tế trong nước bắt đầu từ năm 2008, đã đẩy TTCK Việt Nam rơi vào tình cảnh suy thoái kéo dài, khiến hình ảnh TTCK trở nên méo mó, không còn là một thị trường tài chính bậc cao, nơi tập hợp của những bộ óc thông minh, luôn đấu trí để mở rộng cơ hội sinh lợi.

Về chủ quan, trong khó khăn, khủng hoảng bung vỡ tại một số CTCK, DN niêm yết khi ở đây lộ ra những chiêu trò khiến nhà đầu tư bị mất tiền, mất cổ phiếu, tranh chấp kéo dài, tạo nên những hiệu ứng truyền thông, in dấu sự phản cảm trong lòng dư luận.

Dù chỉ là một số vụ việc cá biệt (vụ Dược Viễn Đông, Chứng khoán Trường Sơn, Chứng khoán Tràng An…), nhưng sự thiếu thiện cảm với "chứng trường" đã bao phủ lên cả những người không biết chứng khoán là gì.

Nay, ngành ngân hàng dường như đang đối diện với chuyện tương tự. Khó khăn của nền kinh tế đang thấm sâu vào ngành này, nhiều ngân hàng không thể giữ hình ảnh lung linh với doanh thu, lợi nhuận lớn như trước.

Sa thải, đuổi việc, tống cổ nhân sự… là những cụm từ mạnh mẽ, đang xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông, trong phát ngôn của một số lãnh đạo ngân hàng. Khó khăn, các ngân hàng phải tìm cách cơ cấu, cắt giảm nhân sự là đương nhiên, nhưng nếu xử lý và phát ngôn không khéo, rất dễ tạo nên cái nhìn phản cảm, không chỉ với các ông chủ đang quyết liệt giảm nhân sự, mà còn với cả ngành ngân hàng - nơi áp lực công việc, áp lực doanh số trở thành nỗi ám ảnh chung của xã hội.

Có 1.001 cách cắt giảm nhân sự, nhưng cần trên 1.001 cách thu hút và giữ chân người lao động và tạo động lực cho họ cống hiến. Khó khăn không dễ vượt qua, nhưng càng khó khăn, càng cần nhân lên những giá trị tinh thần tích cực để tạo nên động lực làm việc mới, thay vì reo rắc nỗi ám ảnh về áp lực, mất việc, sa thải… trong lòng nhân sự tại một ngành mang trọng trách huyết mạch của nền kinh tế hiện nay.

>> Eximbank: “Đỡ” giá cố phiếu, không sa thải 1.000 nhân viên

>> Tìm đủ cách sa thải nhân viên

>> Nhân sự chứng khoán tan tác chim muông  

>> Sóng ngầm cắt giảm nhân sự ngân hàng

>> Nhảy việc nhanh như nhân sự ngân hàng