Toàn cảnh phiên họp thứ 14 của Ủy ban Tư pháp.
Sáng 6/9 Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 14, thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp.
Tại báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (số liệu tính từ ngày 1/10/2023 đến 31/7-2024), Chính phủ đánh giá tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu; phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng. Tội phạm dùng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong nhân dân. Như bị án tại công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An…
Nổi lên trong kỳ báo cáo còn có vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần, đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tội phạm, vi phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, kế toán, thuế, khai thác tài nguyên, khoáng sản... tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương.
Báo cáo cũng nêu rõ, đã phát hiện một số lĩnh vực và phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự.
Đối tượng sử dụng giấy tờ giả để đăng ký chữ ký số, thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử và chiếm quyền phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử của một số doanh nghiệp để phát hành và bán hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi trái phép. Lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm.
Chính phủ nhận định, tội phạm buôn lậu còn diễn biến phức tạp; các đối tượng lợi dụng pháp nhân để gian lận thương mại, khai sai chủng loại, số lượng thông qua xuất, nhập khẩu chính ngạch. Tội phạm ở lĩnh vực này cũng lợi dụng sơ hở trong quản lý kiểm hóa hàng hóa (luồng xanh, vàng, đỏ), kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro để khai sai mặt hàng, chủng loại, số lượng. Các đối tượng phạm tội còn lợi dụng cơ chế hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, tạm nhập tái xuất qua các cảng biển hay ký gửi hàng hóa có giá trị cao qua đường hàng không để buôn lậu.
Trước tình hình trên, Chính phủ cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Tập trung vào các lĩnh vực quản lý kinh tế như tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, xây dựng cơ bản, đầu tư công, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả… , báo cáo nêu.
Theo báo cáo, qua công tác nắm tình hình và điều tra, xử lý các vụ việc từ cơ sở đã phân tích, dự báo, nhận diện các vấn đề phức tạp nổi lên. Tập trung nhận diện đúng và trúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực nhạy cảm gây bức xúc trong thời gian dài.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Báo cáo cũng nêu một số con số đáng chú ý như đã phát hiện 4.150 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, ít hơn cùng kỳ 16,09%, phát hiện 936 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, nhiều hơn 37,85%, phát hiện 1.735 vụ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, nhiều hơn 31,04%.
Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó nhiều vụ án có quy mô đặc biệt lớn.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, xử lý cả những vụ việc xảy ra đã lâu, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương. Tuy nhiên theo đánh giá của dư luận thì kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Về công tác phòng ngừa, nhóm nghiên cứu cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, còn để tình trạng doanh nghiệp phát hành “trái phiếu khống”, bán cổ phiếu doanh nghiệp không có thật để lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư.
Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai, tài chính, ngân hàng, xăng dầu, điện với hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã gây bức xúc trong nhân dân, nhóm nghiên cứu nhận định.