Kính viễn vọng vô tuyến CHIME ở Canada phát hiện các tín hiệu bí ẩn. Dự án CHIME
Các nhà khoa học vừa phát hiện tín hiệu chớp sóng vô tuyến nhanh (FRB) từ thiên hà cách trái đất 500 triệu năm ánh sáng và được lặp đi lặp lại theo một chu kỳ rất ổn định, dẫn đến nghi vấn về sự sống bên ngoài hệ mặt trời đang tìm cách liên lạc.
Theo trang Science News, giới khoa học từ năm 2007 ghi nhận hơn 100 FRB đến từ mọi hướng trong vũ trụ nhưng chưa rõ nguồn gốc, trong đó chỉ có 10 FRB từng lặp lại.
Nguồn gốc của chúng được cho là một nguồn năng lượng cực lớn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ phát hiện một FRB lặp lại rất nhiều lần với chu kỳ cố định.
Tín hiệu bí ẩn được phát hiện bởi nhà vật lý thiên văn Dongzi Li tại Đại học Toronto (Canada) cùng các đồng nghiệp khi xem xét dữ liệu từ kính viễn vọng vô tuyến CHIME đặt tại tỉnh bang British Columbia ở Canada.
Chu kỳ lặp lại của tín hiệu cho thấy có gì đó kiểm soát và điều khiển hoạt động truyền phát bí ẩn này.
Theo dữ liệu được ghi nhận từ tháng 9.2018 - 10.2019, tín hiệu phát ra 1 hoặc 2 lần mỗi giờ trong 4 ngày, im lặng trong hơn 12 ngày và tiếp tục phát ra theo tần suất như cũ.
Cũng có đôi lúc tín hiệu biến mất, nhưng nó luôn theo đúng chu kỳ khi xuất hiện trở lại.
“Chúng tôi kết luận rằng đây là nguồn FRB từng lặp lại theo chu kỳ đầu tiên được phát hiện trên thế giới. Phát hiện về chu kỳ lặp lại mỗi 16,35 ngày của một nguồn FRB là chứng cứ quan trọng về bản chất của vật thể này”, trang Vice dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu.
Theo nhà vật lý thiên văn Duncan Lorimer tại Đại học Tây Virginia ở Morgantown (Mỹ) - thành viên nhóm phát hiện ra FRB đầu tiên, phát hiện mới có tầm quan trọng rất lớn.
“Điều đó có thể định hướng cho chúng ta tìm ra căn cơ của những tín hiệu lặp lại”, ông nhận định.
Một giả thuyết cho sự lặp lại của tín hiệu là vì FRB đang xoay quanh một vật gì đó như ngôi sao hoặc lỗ đen.
Giả thuyết khác cho rằng hiện tượng thất thoát vật chất sao (gió sao) có thể thúc đẩy hoặc ngăn chặn các sóng vô tuyến theo chu kỳ.
Ông Lorimer cho rằng phát hiện mới mở ra hy vọng giới khoa học sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các FRB hoạt động theo chu kỳ khác.
Theo Sputnik, dù giới khoa học chưa đề cập nhưng vẫn không loại trừ khả năng phát hiện mới có liên quan đến một dạng sống ngoài hành tinh đang cố tìm cách gửi tín hiệu đến các dải ngân hà xa xôi, trong đó có hệ mặt trời.
Viễn vọng kính tìm sự sống ngoài trái đất
Viễn vọng kính BTA-6 của Nga. Ảnh: SAO RAS.
Hãng Sputnik ngày 9.2 đưa tin các nhà khoa học Nga đang xây dựng một viễn vọng kính hiện đại có khả năng tìm kiếm dấu hiệu của những nền văn minh ngoài trái đất.
Theo chuyên gia Alexander Panov tại Viện Vật lý hạt nhân thuộc Đại học Quốc gia Moscow, chức năng chính của viễn vọng kính mới là quan sát các tia vũ trụ.
Bên cạnh đó, thiết bị sẽ giúp quan sát những tia sáng ngắn được xếp vào diện những sự kiện thiên văn thoáng qua.
Theo ông Panov, có thể những tia sáng đó được người ngoài hành tinh gửi đến trái đất theo “kênh laser” thay vì tần số vô tuyến.
Để dẫn chứng, ông chỉ ra rằng con người có thể tạo ra các hệ thống chiếu tia laser mang thông điệp bằng ánh sáng vào vũ trụ.
Chuyên gia này cho hay Nga dự kiến sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về việc truy tìm các nền văn minh ngoài trái đất trong thời gian tới. Một trong những mục tiêu của sự kiện này là nhằm tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án liên quan tại Nga.