Phát hiện hơn 100 thiên thể ở rìa hệ Mặt Trời

Những thiên thể nằm ngoài vòng quỹ đạo của sao Hải Vương có thể cung cấp thêm thông tin về sự tồn tại của hành tinh thứ 9.
Kính viễn vọng Blanco, Chile, được sử dụng trong dự án Khảo sát Năng lượng Tối. Ảnh: Digital Trends.

Kính viễn vọng Blanco, Chile, được sử dụng trong dự án Khảo sát Năng lượng Tối. Ảnh: Digital Trends.

Các nhà thiên văn phát hiện thêm 139 hành tinh vi hình (loại thiên thể bay quanh Mặt Trời, không phải hành tinh hay sao chổi) nhờ dữ liệu từ dự án Khảo sát Năng lượng Tối, Digital Trends hôm 13/3 đưa tin.

Chúng nằm ngoài vòng quỹ đạo của sao Hải Vương, hành tinh thứ 8 trong hệ và cách xa Mặt Trời nhất.

Những thiên thể này có thể cung cấp thêm manh mối về sự tồn tại của hành tinh thứ 9, hành tinh giả thuyết quay quanh Mặt Trời nhưng giới thiên văn chưa từng quan sát được.

Dự án Khảo sát Năng lượng Tối kéo dài 6 năm, chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu năng lượng tối.

Tuy nhiên, dữ liệu thu được từ dự án cũng hữu ích trong việc tìm ra các thiên thể mới thuộc hệ Mặt Trời, đặc biệt là Thiên thể bên ngoài sao Hải Vương (TNO). Nguyên nhân là dự án này giúp quan sát vùng không gian rộng lớn một cách chi tiết.

"Số TNO mà bạn tìm thấy phụ thuộc vào độ lớn của vùng trời và vật thể mờ nhất mà bạn quan sát được", Pedro Bernardinelli, tác giả nghiên cứu, chuyên gia tại Đại học Pennsylvania, cho biết. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Astronomical Journal Supplement Series.

Thách thức khi sử dụng dữ liệu theo cách này là nhóm chuyên gia phải nghĩ ra biện pháp mới để theo dõi các chuyển động.

Họ xác định 400 ứng cử viên, sau đó tìm những thiên thể có vẻ ổn định và rút gọn danh sách xuống còn 316 TNO.

Trong đó, 139 thiên thể hoàn toàn mới, chưa từng được quan sát trước đây.

Phần lớn bằng chứng ủng hộ hành tinh thứ 9 tồn tại đến từ việc theo dõi TNO chuyển động. Một số TNO tập hợp thành nhóm theo cách kỳ lạ, mở ra khả năng về sự hiện diện của một thiên thể kích thước lớn như hành tinh.

Kho dữ liệu mới cho phép các nhà thiên văn tìm hiểu hiện tượng này kỹ lưỡng hơn.

"Có nhiều giả thuyết về những hành tinh khổng lồ từng tồn tại trong hệ Mặt Trời nhưng giờ đã biến mất, hoặc hành tinh lớn và xa xôi nhưng quá mờ, khiến chúng ta chưa quan sát được. Lập danh sách các thiên thể phát hiện là công việc thú vị. Sau đó, bạn có thể so sánh những gì mình tìm được với giả thuyết trước đó về chúng", giáo sư Gary Bernstein tại Đại học Pennsylvania, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Tin bài liên quan