Một tế bào (xanh dương/xanh lục) bị nhiễm nặng các hạt virus SARS-CoV-2 (màu vàng), được phân lập từ mẫu của bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chứa 46 đột biến, khiến biến thể này có khả năng né tránh vaccine tốt hơn và dễ lây lan hơn chủng gốc (nhưng hiện nay vẫn chưa vượt qua được Omicron).
Hiện có 12 ca nhiễm biến thể mới này ở gần thành phố Marseille, trong đó ca đầu tiên là người từng du lịch đến Cameroon.
Biến thể mới được các nhà khoa học tại IHU Mediterranee Infection phát hiện vào ngày 10/12/2021 ở Pháp, chưa được phát hiện ở nước nào khác và chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên.
Hiện có ít dấu hiệu cho thấy biến thể mới sẽ vượt Omicron trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch. Hiện Omicron đang gây ra hơn 60% số ca nhiễm tại Pháp.
Giáo sư Philippe Colson, người đứng đầu nhóm phát hiện biến thể mới, cho biết nhóm đã tạm gọi đây là "biến thể IHU" và đã thông báo về phát hiện này trên trang y khoa medRxiv. Nhóm đã trình hai trình tự gene mới. Tên khoa học của biến thể này là B.1.640.2.
Các nhà khoa học cho biết biến thể này có sự khác biệt về gene so với biến thể B.1.640, từng được phát hiện ở Cộng hòa dân chủ Congo hồi tháng 9/2021.
Các xét nghiệm cho thấy biến thể này mang đột biến E484K, giúp chúng né tránh vaccine tốt hơn. Ngoài ra, biến thể này có đột biến N501Y - lần đầu tiên phát hiện trong biến thể Alpha - khiến chúng lây lan nhanh hơn.
Đây là một dòng biến thể khác xa với Omicron. Các nhà khoa học cho rằng nhiều khả năng đây là sự biến đổi từ một biến thể trước đó.
Trong tài liệu công bố biến thể mới, các nhà khoa học cho biết: "Các quan sát này một lần nữa cho thấy rằng không thể dự báo được sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2".