TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

Phát hành trái phiếu ngắn hạn, nên cân nhắc kỹ

(ĐTCK) “Nếu Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội cho phép phát hành một tỷ lệ nào đó trái phiếu Chính phủ (TPCP) loại ngắn hạn dưới 5 năm, thì phải làm rõ số nợ đáo hạn phải trả mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 là bao nhiêu so với tổng thu ngân sách nhà nước…”, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đề xuất khi trao đổi với ĐTCK.

​​Theo Bộ Tài chính, đến cuối tháng 8/2015, mới phát hành được 124.100 tỷ đồng TPCP, bằng khoảng 45,1% nhiệm vụ huy động vốn trong nước cả năm. Theo phản ánh của các thành viên thị trường, việc khó huy động vốn TPCP có nguyên nhân là do thực hiện Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội với quy định: từ năm 2015 không phát hành các loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm, nên khiến cho cung - cầu trên thị trường khó gặp nhau. Ông có đồng ý với quan điểm này?

Cái gốc, đồng thời là vấn đề quan trọng nhất là phải xem lại toàn bộ cơ cấu chi dùng ngân sách Nhà nước. Nhiều khoản chi như hiện tại tôi không đồng tình, vì còn dàn trải, kém hiệu quả, thậm chí thất thoát. Nếu cần thiết, có thể rút bớt các khoản chi tiêu, qua đó góp phần giảm bớt áp lực lên hoạt động huy động vốn qua kênh TPCP. Chi kiểu gì mà cứ đua nhau làm bảo tàng, tượng đài, trụ sở…?

Chúng ta cần phải bàn thảo nghiêm túc về hoạt động huy động và sử dụng vốn TPCP. Việc phát hành dồn dập TPCP ngắn hạn và trung hạn trong thời gian qua, đang tạo áp lực lớn lên cân đối thu-chi ngân sách Nhà nước. Không hành động quyết liệt, từ năm 2016 trở đi, số nợ phải trả so với tổng thu ngân sách sẽ vượt ngưỡng an toàn. Nên nhớ khủng hoảng nợ công không phải là tỷ lệ nợ/GDP bao nhiêu %, mà quan trọng nhất là số nợ phải trả hàng năm là bao nhiêu. Do đó, việc phát hành TPCP cần phải tính toán kỹ lưỡng, chứ không đơn thuần nhìn ở khía cạnh cung - cầu trên thị trường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hài hòa cung - cầu trên thị trường có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho thị trường tránh rơi vào trạng thái giật cục như hiện tại, qua đó phát triển lành mạnh, ổn định. Do đó, cần có giải pháp giải tỏa tình trạng cung - cầu “vênh” nhau như hiện tại, thưa ông?

Việc sức cầu trên thị trường TPCP hiện nay quá phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại là có vấn đề. Tôi không ủng hộ các ngân hàng mua nhiều TPCP vì những lợi ích của họ. Khi các ngân hàng quá đổ nguồn vốn vào TPCP, thì buộc phải “ăn” mất một phần đáng kể nguồn vốn lẽ ra dành cho người dân, doanh nghiệp vay để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh…

Mặt khác, phát hành TPCP là hướng tới đa dạng nhà đầu tư trong và ngoài nước, vậy tại sao phần lớn TPCP bán ra đều do ngân hàng thương mại mua, các nhà đầu tư khác ở đâu, phải chăng niềm tin vào thị trường đang có vấn đề? 

Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ, để dự kiến tháng 10 tới kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Nghị quyết 78/2015, theo hướng cho phép phát hành một tỷ lệ hợp lý các loại TPCP có các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm. Ông có ủng hộ hướng sửa đổi này?

Phải tính toán rất cẩn thận việc nên hay không nên phát hành tiếp các loại TPCP có kỳ hạn ngắn dưới 5 năm. Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội cho phép phát hành một tỷ lệ nào đó TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm, thì phải làm rõ số nợ đáo hạn phải trả mỗi năm giai đoạn 2016-2020 là bao nhiêu so với tổng thu ngân sách Nhà nước, vì hiện tại nguồn thu đang rất khó khăn.

Thu ngân sách đang dựa vào 2 nguồn lớn là thuế gián thu và thuế nhập khẩu, trong khi thu từ thuế nhập khẩu đang cắt giảm theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, cộng với thu từ dầu thô đang giảm mạnh, khiến cho thu ngân sách vừa khó, vừa bấp bênh. Các nguồn thu bền vững chậm được cải thiện rõ nét. Trong khi nguồn thu, nguồn trả nợ khó khăn như vậy, nếu không tính toán kỹ lưỡng mà vẫn tiếp tục vay nợ lớn qua kênh TPCP, sẽ gây nên những rủi ro khó lường đối với an toàn nợ công.

Tóm lại, để có cơ sở quyết định nên hay không nên phát hành TPCP ngắn hạn, phải giải đáp thấu đáo nhiều câu hỏi: sắp tới cơ cấu nguồn thu - chi có thay đổi gì không, đặc biệt từ 2016 trở đi, khoản phải chi chiếm bao nhiêu trong tổng thu ngân sách; mỗi năm phải vay để đảo nợ bao nhiêu; đã đánh giá thật chặt chẽ hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP chưa?...

Tin bài liên quan