Phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4/2024 ghi nhận giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm với 2 nhóm phát hành chính vẫn là bất động sản và ngân hàng.

Phát hành trái phiếu nhộn nhịp hơn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4/2024 ghi nhận giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm. Ghi nhận đến ngày 02/05/2024, trong tháng 4 thị trường đón nhận 13 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. 2 ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4.

Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thị trường sơ cấp tháng 04/2024
Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thị trường sơ cấp tháng 04/2024

Các lô trái phiếu có giá trị phát hành lớn bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành 2 lô trái phiếu tổng giá trị 4.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12,5%. CTPC Vinhomes (VHM) phát hành 1 lô trái phiếu giá trị 2.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12%/năm. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán TCB) phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%/năm. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.800 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%/năm. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.000 tỷ đồng, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2 - 6,8%/năm.

“Theo nhận định của chúng tôi, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4. Đây là kết quả của việc NHNN liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý I/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (số liệu của Tổng cục thống kê)”, FiinRatings cho biết.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt, đồng thời để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong năm nay.

Dựa trên công bố thông tin hiện nay, các đợt phát hành trái phiếu trong thời gian tới sẽ đến từ Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và 3 doanh nghiệp trong ngành bất động sản bao gồm Vingroup, Vinhomes và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG).

Đáo hạn còn nhiều áp lực

Áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 là khá lớn, đặc biệt là đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023. Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ.

Số dư trái phiếu riêng lẻ dự kiến đáo hạn trong thời gian tới

Số dư trái phiếu riêng lẻ dự kiến đáo hạn trong thời gian tới

“Tuy áp lực đáo hạn và hoàn thành nghĩa vụ nợ sau khi thực hiện giãn/hoãn hoặc cơ cấu vẫn còn, chúng tôi ghi nhận các doanh nghiệp vẫn đang đáp ứng đúng tiến độ. Tính đến 02/05/2024, chúng tôi ước lượng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm đạt 257.170 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trái phiếu của nhóm ngành bất động sản đạt 100.260 tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng khối lượng đáo hạn và tương đương 2/3 số dư vào đầu tháng 12/2023”, Fiin Ratings cho biết.

Tin bài liên quan