Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 12 giảm tốc

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng và bất động sản vẫn là hai lực lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ chốt trong nửa đầu tháng 12/2021. Apec Group đứng đầu về lãi suất huy động với mức trả lãi 13%/năm.
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 12 giảm tốc

Số liệu của FiinPro cho thấy nửa đầu tháng 12/2021 đã có 5.218 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành ở thị trường trong nước, giảm mạnh so với tháng 11/2021.

Ngân hàng chiếm tới hơn 83% lượng TPDN phát hành nửa đầu tháng 12/2021. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 1.500 tỷ đồng, tiếp theo là ABBank với 1.000 tỷ đồng và Vietcombank 950 tỷ đồng, VIB và HDBank lần lượt phát hành 500 và 400 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu của ngân hàng chỉ dao động từ 2,8-3,2%/năm tùy từng kỳ hạn.

Phát hành TPDN bất động sản có dấu hiệu chậm lại sau các động thái thanh kiểm tra mạnh của cơ quan quản lý. Trong nửa đầu tháng 12/2021, TPDN bất động sản phát hành chỉ đạt gần 870 tỷ đồng, thuộc về các đợt phát hành của Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt, Tập đoàn Cienco4, Công ty cổ phần KCN Thành Thành công và Tập đoàn Apec Group.

Lãi suất phát hành của doanh nghiệp bất động sản dao động từ 9,5-13%/năm. Trong đó, lãi suất TPDN của Bất động sản Phát Đạt là 12%/năm, Apec Group đứng đầu về lãi suất huy động TPDN với mức trả lãi 13%/năm.

Phát hành TPDN nửa đầu tháng 12/2021. Nguồn: FiinPro, MBS
Phát hành TPDN nửa đầu tháng 12/2021. Nguồn: FiinPro, MBS

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định xử phạt 600 triệu đồng đối với CTCP Tập đoàn Apec Group (Hà Nội) về hành vi “bán chui” trái phiếu. UBCKNN buộc Apec Group phải thu hồi chứng khoán đã chào bán. Công ty này cũng phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng.

Ngoài xử phạt một số công ty vi phạm quy định về phát hành, chào bán trái phiếu riêng lẻ, tới đây, sẽ có nhiều quy định siết chặt thị trường TPDN riêng lẻ.

Cụ thể, từ 15/1/2022, các ngân hàng thương mại sẽ bị siết chặt hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành…

Đồng thời, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 cũng bổ sung quy định về đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn giao dịch. Quy định này được giới chuyên gia đánh giá cao. Việc lập sàn giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ sẽ tạo ra một chợ giao dịch sôi động cho các nhà đầu tư, làm tăng tính thanh khoản của thị trường này.

Liên quan chất lượng trái phiếu riêng lẻ được niêm yết trên sàn, Bộ Tài chính cho biết sẽ có đưa ra nhiều quy định để chặn trái phiếu rác. Theo Dự thảo của Bộ Tài chính, ngoài trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng chỉ được lên sàn nếu đáp ứng một số điều kiện, như có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn; doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm giao dịch trên hệ thống từ 30 tỷ đồng trở lên; hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán…

Tin bài liên quan