Đã có DN chào bán cổ phiếu với giá dưới mệnh giá. Đây có lẽ là tiền lệ để các doanh nghiệp khác có thể làm điều tương tự và cũng phù hợp với “tín hiệu đèn xanh” của cơ quan quản lý. Song việc phát hành dưới mệnh giá không phải cứ muốn là làm được.
Không phát hành được thì … phá sản
CTCP Vitaly (mã VTA) có cổ phiếu hiện đang giao dịch trên UPCoM. Theo BCTC bán niên có soát xét năm 2011, vốn chủ sở hữu của công ty này là -31,3 tỷ đồng trên vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Giá cổ phiếu này đóng cửa phiên ngày 12/1 là 1.100 đồng/cổ phiếu. Nếu muốn huy động thêm vốn chủ để kéo dài thời gian hoạt động, Vitaly chỉ còn đường cầu cứu cổ đông chiến lược. Hy vọng phát hành được cổ phiếu với giá không dưới 10.000 đồng/cổ phiếu của VTA là điều xa xỉ.
Tình trạng của Vitaly khiến công chúng đầu tư liên tưởng đến trường hợp của Tribeco (mã TRI). Cuối năm 2008, Tribeco có vốn chủ sở hữu là -5,32 tỷ đồng, dù vốn điều lệ trên giấy đăng ký kinh doanh lên tới gần 75,5 tỷ đồng.
Giai đoạn đó, Tribeco đã được “cải tử hoàn sinh” nhờ bán thành công 20 triệu cổ phần cho 3 đối tác chiến lược là: Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, Công ty TNHH Uni President Việt Nam và CTCP Tribeco Bình Dương với giá bán 7.520 đồng/cổ phiếu. Tribeco trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên TTCK tập trung phát hành cổ phiếu mới với giá chào bán dưới mệnh giá.
Vitaly có thể sẽ là một Tribeco thứ hai, nếu tìm được “ân nhân”. Nhưng Vitaly không phải là duy nhất lúc này, bởi theo tìm hiểu của ĐTCK, nhiều DN khác, về bản chất cũng đang âm vốn chủ nếu hạch toán sòng phẳng các tài sản và nghĩa vụ tài chính. Với những DN này, phát hành sẽ là cứu cánh để họ có thể trụ được và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng điều kiện thị trường chỉ cho phép các DN này phát hành dưới mệnh gia, nếu cơ quan quản lý “tuýt còi” thì…
Lo hiệu quả kinh doanh
TTCK suy giảm khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp không đến nỗi bi bét về dưới mệnh giá. Nhiều trong số những doanh nghiệp này muốn phát hành thêm để có vốn mở rộng kinh doanh, song dù cơ quan quản lý có “bật đèn xanh”, việc phát hành cũng chưa chắc đã thực hiện được.
Tổng giám đốc một DN ngành xây dựng chia sẻ, thiếu vốn và... sắp không còn đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (do BCTC kiểm toán năm 2011 dự kiến lỗ nhẹ), nhưng công ty lại không thể chào bán được vì giá cổ phiếu chỉ còn 8.000 đồng. Ở mức giá này, cổ đông bên ngoài chẳng mặn mà để phải bỏ 10.000 đồng mua một cổ phiếu mà 3 tháng nữa mới được giao dịch.
Sau thông tin trên ĐTCK phản ánh quan điểm của một lãnh đạo UBCK về việc không phản đối nếu DN phát hành dưới mệnh giá, công ty này đã có cuộc trao đổi nhanh trong HĐQT. Những tưởng đây sẽ là lối thoát hợp lý cho việc huy động vốn lúc này, nhưng câu trả lời lại là không.
Vị tổng giám đốc này nói: “giá trên sàn là 8.000 đồng/cổ phiếu, nếu muốn giảm giá để phát hành thành công thì chỉ có nước giảm về 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, DN thực ra không huy động được nhiều vốn, mà các giai đoạn sau lại chịu sức ép sinh lời trên vốn điều lệ rất lớn. Những cổ đông cũ cũng bị thiệt vì giá trị sổ sách của công ty sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng”.
Thêm vào đó, một nỗi lo khác lớn hơn nữa đang ngự trị nơi các thành viên Ban lãnh đạo công ty là: nếu giảm giá bán về mức thấp, thì liệu giá trên sàn có không giảm theo? Giống như “lạm phát kỳ vọng”, nếu cuộc rượt đuổi giữa giá thị trường và giá phát hành cứ tái diễn thì công ty sẽ có nguy cơ bị đẩy vào đường cùng trong việc huy động vốn.
Lo NĐT nhỏ lẻ phản đối
Trên thực tế, hướng mở cho phép DN phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá thực sự là cứu cánh đối với trường hợp những công ty rơi vào bờ vực phá sản. Đối với những trường hợp DN là công ty đại chúng có vốn chủ sắp về 0, đôi khi chỉ cần một nguồn vốn không lớn cũng có thể lật ngược thế cờ. Và nếu cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn rõ ràng việc phát hành dưới mệnh giá thì đây chính là một bước tiến quan trọng để “cứu vớt” DN.
Một số NĐT bày tỏ, thay vì mua thêm cổ phiếu trên sàn, nếu mua trực tiếp từ DN mà vừa góp phần giúp công ty tốt hơn, vừa không bị thiệt so với mua cổ phiếu có sẵn trên thị trường thì họ sẽ sẵn sàng ủng hộ.
Nhưng với nhiều trường hợp khác, câu chuyện không phải vậy. Không chỉ lãnh đạo DN lo nguy cơ giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm sau khi DN đưa ra giá phát hành thấp, mà chính NĐT cũng e ngại. NĐT tại CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) Nguyễn Kim Huệ cho biết, nếu công ty mà bà đầu tư có ý định phát hành dưới mệnh giá thì đó thực sự không phải là một tin tốt. Bởi vì theo bà, điều đó có nghĩa là công ty ấy đã rơi vào tình trạng quá khó khăn về thanh khoản, hoặc có thể bởi nó... xứng đáng nhận được mức giá ấy.
Chưa kể, tâm lý e ngại DN phải có gì xấu mà chưa biết nên giá mới bị giảm mạnh như vậy khiến chính các NĐT không mặn mà với DN nữa, bởi lịch sử hơn 10 năm của TTCK cho thấy, tin đồn nhiều khi là sự thật... bị phát hiện chậm.
Có vẻ như, lối thoát hiểm cho phát hành ra công chúng của các DN có thị giá thấp hơn mệnh giá chưa kịp mở thì đã có nguy cơ bị... “ruồng rẫy” bởi những e ngại. Xuất phát điểm của mọi vấn đề vẫn là ở khái niệm mệnh giá và vốn điều lệ.
Thị trường chờ một giải pháp mới, có hiệu quả lớn nhất và bao trùm nhất, có lẽ là... chính sự đi lên của các chỉ số thị trường, VN-Index và HNX-Index.