Tương đương khoảng 30% tổng số cổ phiếu đang lưu hành hiện nay của Gỗ Trường Thành, rõ ràng lượng cổ phiếu phát hành lần này là một lượng cổ phiếu không nhỏ. Điều này đặt ra mối quan tâm lớn trong giới đầu tư về tác động pha loãng của nguồn hàng khủng này.
Gỗ Trường Thành hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến gỗ hàng đầu, với hệ thống 8 nhà máy đa số được trang bị công nghệ chế biến hiện đại của châu Âu.
Nhóm sản phẩm xuất khẩu chính của công ty này bao gồm: nội thất, ngoại thất, ván sàn và particle board được xuất sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Australia… Công suất hiện tại của các nhà máy đạt mức 5.500 container/năm. Địa bàn kinh doanh của đại gia nhiều tham vọng này khá rộng, với trên 30 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, Gỗ Trường Thành xuất hiện tại hầu khắp các địa phương TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Đà Lạt, Đak Lắk, Đắk Nông, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Nha Trang, Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội…
Quy mô vốn tăng nhanh đi kèm với việc lợi nhuận phải tăng với tốc độ tương đương trong ngắn hạn sẽ là những áp lực không nhỏ đối với Gỗ Trường Thành trong năm 2016.
Đánh giá về viễn cảnh ngành gỗ gia dụng trong năm 2016 mà Gỗ Trường Thành đang hoạt động, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) cho biết, ngành gỗ gia dụng đang có cơ hội gia tăng thị phần khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, theo đó, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ có vai trò lớn hơn trong chuỗi giá trị đồ gỗ gia dụng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Đăng cũng đưa ra cảnh báo, các doanh nghiệp gỗ gia dụng cũng sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Riêng Gỗ Trường Thành tỏ ra đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho cuộc so găng sắp diễn ra. Đại gia này thậm chí đặt ra kỳ vọng, sẽ bước vào nhóm 3 nhà trồng rừng tư nhân (có hoạt động chế biến gỗ) có diện tích rừng trồng lớn nhất khu vực ASEAN từ năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Gỗ Trường Thành đã đầu dự án mua lại rừng và trồng mới 100.000 ha rừng sản xuất tại Việt Nam và hiện đang sở hữu 13.000 ha rừng đã trồng. Để tăng cường tiềm lực tài chính, Trường Thành cũng đã liên doanh với đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Giấy OJI (hàng đầu của Nhật Bản, thứ 6 trên thế giới) để thực hiện các dự án của mình.
Những kỳ vọng về cơ hội lớn của ngành gỗ nói chung và Gỗ Trường Thành nói riêng đã tạo động lực cho giới đầu tư mối quan tâm khá nhiều vào cổ phiếu TTF trong năm vừa qua. Theo đó, đây cũng là một trong những cổ phiếu mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho nhà đầu tư trung thành với cổ phiếu này từ đầu năm.
Trong vòng nửa đầu năm 2015, TTF chỉ giao dịch loanh quanh mức giá khoảng 10.000 – 11.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, cổ phiếu của Gỗ Trường Thành đã có một đợt đi lên dài hơi và vững vàng, thị giá của TTF hiện đã lên đến mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu.
Trở lại câu chuyện tăng vốn của Gỗ Trường Thành, trong năm 2015, đại gia ngành gỗ cũng đã có một đợt tăng vốn khá khủng với quy mô 40 triệu cổ phần phát hành thêm. Mặc dù đợt phát hành diễn ra khá chật vật, trong lần chào bán đầu tiên, chỉ có 5% số lượng cổ phiếu chào bán được cổ đông hiện hữu đăng ký mua. Tuy nhiên, cuối cùng Công ty cũng đã khéo léo xoay sở để bán hết 40 triệu cổ phiếu, thu về số tiền tương ứng đạt trên 400 tỷ đồng.
Bằng đợt chào bán này, vốn điều lệ của Gỗ Trường Thành đã tăng từ khoảng 1.000 tỷ đồng lên mức 1.400 tỷ đồng, tương đương 140 triệu cổ phần hiện hữu.
Các động thái tăng vốn liên tục của Gỗ Trường Thành được giới đầu tư nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ tích cực, việc tăng vốn là cần thiết trước bối cảnh doanh nghiệp cần phải có một tầm vóc đủ mạnh để bước vào cuộc đua hội nhập trong năm 2016. Mặc dầu vậy, quy mô vốn tăng nhanh đi kèm với việc lợi nhuận phải tăng với tốc độ tương đương trong ngắn hạn sẽ là những áp lực không nhỏ đối với Gỗ Trường Thành trong năm 2016.