Tiền đặt trước trong Luật Đấu giá tài sản 2016 được hiểu là khoản tiền người tham gia đấu giá phải nộp trước khi phiên đấu giá diễn ra. Khoản tiền này do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận. Theo luật, tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại. Tổ chức đấu giá chỉ được thu tiền trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá và không được sử dụng tiền này vào bất kỳ mục đích nào khác.
Theo luật, khoản tiền này sẽ được chuyển thành tiền đặt cọc trong trường hợp người tham gia trúng đấu giá và nhằm bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan (Khoản 5, Điều 39, Luật Đấu giá tài sản).
Luật sư Nguyễn Văn Thái giải thích thêm, sẽ có 2 loại đặt cọc là đặt cọc để đảm bảo giao kết dân sự và đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết dân sự. Như vậy, cần phải xác định giao kết dân sự là gì và với ai. Việc đặt cọc ban đầu cho đơn vị tổ chức bán đấu giá nhằm mục đích để đảm bảo quyền tham gia bán đấu giá. Còn việc đặt cọc với người có tài sản đấu giá để chuyển nhượng tài sản đấu giá.
Một bản án của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã chấp nhận đề nghị của nhà đầu tư yêu cầu phạt cọc do vi phạm thỏa thuận không chuyển nhượng cổ phần, trong khi kết quả đấu giá chưa được công nhận gây ra nhiều tranh cãi.
Trong vụ kiện này, nhà đầu tư là ông Nguyễn Ngọc Huy (ở TP.HCM) đã tham gia phiên đấu giá 233.733 cổ phần của Công ty cổ phần Du lịch An Giang. Phiên đấu giá diễn ra công khai ngày 21/10/2015, do Công ty cổ phần chứng khoán Đại Dương (OCS, nay là Everest) tổ chức. Ông Huy đã đặt cọc khoản tiền hơn 3,6 tỷ đồng.
Tại phiên đấu giá, ông Huy đã bỏ giá 194.000 đồng/cổ phần. Theo thông báo kết quả đấu giá của ban tổ chức, ông Huy là người trúng đấu giá với giá đặt mua cao nhất. Ngoài tiền cọc, ông Huy đã thanh toán số tiền 41,6 tỷ đồng để chuyển nhượng cổ phần.
Tuy nhiên, kết quả đấu giá không được Tổng công ty A. (chủ sở hữu số cổ phần trên) công nhận. Tổng công ty A. và OCS đã hoàn trả lại nhà đầu tư số tiền 45,3 tỷ đồng gồm tiền đặt cọc và tiền thanh toán. Sau đó, nhà đầu tư này khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, yêu cầu OCS và Tổng công ty A. phải liên đới bồi thường số tiền 3,6 tỷ đồng là tiền phạt cọc do vi phạm thỏa thuận không chuyển nhượng cổ phần mà ông trúng đấu giá. Bản án sơ thẩm đã chấp nhận đề nghị này của ông Nguyễn Ngọc Huy.
Như vậy, mấu chốt của vụ việc trên là ông Huy có phải là người trúng đấu giá hay không? Nếu kết quả đấu giá công nhận ông Huy trúng đấu giá thì tiền đặt trước là tiền đặt cọc. Việc nhà đầu tư chuyển tiền thanh toán sẽ phát sinh nghĩa vụ chuyển nhượng cổ phần.
Theo khoản 2, Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Trái lại, nếu chứng cứ và tài liệu làm rõ ông Huy không phải là người trúng đấu giá, nhà đầu tư nhận lại tiền đặt cọc ban đầu và không được yêu cầu phạt cọc.
Thực tế, ban tổ chức đấu giá là OCS không thông báo kết quả đấu giá cuối cùng. Phiên đấu giá chưa tuân thủ các quy định như biên bản xác định kết quả đấu giá thiếu chữ ký của thành viên ban tổ chức, nhà đầu tư không có giấy ủy quyền công ty vẫn được tham dự đấu giá… Hiện vụ việc đang được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xem xét lại theo trình tự phúc thẩm. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin khi có diễn biến mới nhất về kết quả phiên xét xử.