Trong đợt xử phạt hành chính 14 DN vì đã vi phạm công bố thông tin (CBTT), bên cạnh các hình thức xử phạt doanh nghiệp, UBCK còn yêu cầu các DN phải xác định cá nhân gây lỗi và báo cáo lại với UBCK trước ngày 20/11/2011. Mục đích của yêu cầu này là nhằm xác định trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ tài chính của cá nhân trong vi phạm đó. TTCK đã đón nhận thông tin trên với thái độ tích cực. Một số nhà đầu tư còn kỳ vọng, đây sẽ là giải pháp giúp ngăn chặn tình trạng vi phạm CBTT khá đại trà hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có một luồng dư luận bàn về tính khả thi của quy định này. ĐTCK xin trích đăng một số ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, Đại học Mở TP. HCM
Hiện nay, mỗi doanh nghiệp niêm yết đều có người phụ trách CBTT. Do đó, nếu có sai phạm trong CBTT, có thể truy trách nhiệm người này. Các văn bản luật cũng đã đề cập, ai được lợi trong sử dụng không tin nội gián sẽ bị truy cứu. Ngoài ra, người đại diện pháp luật của công ty thường được hiểu là người đứng ra chịu trách nhiệm khi công ty vi phạm luật.
Tuy nhiên, trong những sai phạm như chậm nộp BCTC, chậm CBTT bất thường… xử lý người CBTT hay truy cứu người đại diện pháp luật ở doanh nghiệp đều không ổn thỏa. Vì những lỗi này thường không phải do cá nhân mà thuộc về cả ban điều hành và có tính hệ thống. Ngoài ra, chủ thể niêm yết là công ty chứ không phải cá nhân. Do đó, cơ quan quản lý quy trách nhiệm ở góc độ doanh nghiệp là có lý do của nó.
Nếu quy trách nhiệm cá nhân thì trong những trường hợp này, lỗi cá nhân thường sẽ ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ. UBCK hay các Sở có làm gì thì cũng không thể cách chức họ.
Xử phạt cá nhân chủ yếu do cổ đông thực hiện, thông qua ĐHCĐ bất thường để gây áp lực buộc ban lãnh đạo từ chức. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức này không phổ biến vì hiếm có đơn vị mà cổ đông nhỏ hoặc cổ đông bên ngoài công ty đủ khả năng tập hợp ĐHCĐ bất thường. Vì thế, giải pháp mà cổ đông có thể làm là không đầu tư vào những cổ phiếu của những đơn vị này.
Về phía cơ quan quản lý, tôi nghĩ một giải pháp nâng mức độ cảnh báo cũng như tiến tới hủy niêm yết những đơn vị vi phạm CBTT sẽ khả thi hơn.
Luật sư Trần Thanh Tùng, Văn phòng Luật sư Phước & Partners
Doanh nghiệp niêm yết vận hành thông qua hành vi của các cá nhân. Vì vậy, không thể không truy trách nhiệm cá nhân trong doanh nghiệp liên quan đến việc CBTT.
Mục 6 của Nghị định 85/2010/NĐ-CP đã ghi nhận nhiều hành vi vi phạm có thể chịu trách nhiệm cá nhân như thực hiện mua bán chứng khoán mà không báo cáo; báo cáo không đầy đủ, không chính xác; báo cáo không đúng thời điểm. Ngoài ra, nếu các cá nhân là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc của doanh nghiệp thì việc vi phạm trên còn có thể bị coi là hành vi không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao. Do đó, họ còn có thể bị cổ đông khởi kiện theo các quy định tại Điều 25, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Pháp luật đã đưa ra nhiều cơ chế cho việc quy trách nhiệm cá nhân. Vấn đề còn lại là việc thực thi các quy định này như thế nào. Với tư cách là nhà quản lý thị trường, UBCK cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm CBTT để làm gương cho các doanh nghiệp niêm yết khác. Muốn vậy, UBCK cần tạo ra những kênh thông tin trực tiếp với thị trường để kịp thời xử lý những trường hợp cố tình vi phạm nghĩa vụ CBTT.
Ở góc độ người chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhà đầu tư phải đóng vai trò chủ động trong việc phát hiện các vi phạm này để qua đó, tự bảo vệ mình. Một khi nhà đầu tư đã nắm được các thông tin về vi phạm, họ có thể chọn lựa rất nhiều phương án để xử lý vi phạm này như thông báo cho cơ quan quản lý, cho những người có trách nhiệm trong doanh nghiệp, khởi kiện hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc của doanh nghiệp (nếu nhà đầu tư đồng thời là cổ đông), yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự...