Thông tin được Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc phát đi vào cuối tuần trước, đó là Tập đoàn JA Solar đã quyết định thuê 88 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) để đầu tư Dự án Sản xuất pin năng lượng mặt trời, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn I có vốn đầu tư là 300 triệu USD.
Một sự hứng khởi khá rõ ràng sau thông tin ban đầu về dự án tỷ USD này và có lẽ nó cũng không khác bao nhiêu so với thời điểm đầu năm 2011, khi First Solar (Mỹ) nhận chứng nhận đầu tư dự án pin năng lượng mặt trời có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 300 triệu USD và khởi công chỉ 2 tháng sau đó.
Tuy nhiên, chỉ sau 8 tháng khởi công, First Solar công bố dừng thực hiện Dự án và nguyên nhân là do sự mất cân bằng về cung - cầu về sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu. Nhà đầu tư này sau đó nỗ lực tìm cách bán Dự án nhưng bất thành.
Thông tin vào đầu năm nay, đó là có một nhà đầu tư sẽ thay thế First Solar triển khai một dự án có mục tiêu tương tự trên khu đất ở Khu công nghiệp Đông Nam (TP.HCM). Chi tiết thông tin cũng như danh tính của nhà đầu tư không được tiết lộ, song nguồn tin của Báo Đầu tư khi đó cho biết, đây cũng là một dự án lớn, có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, thậm chí có thể ngang bằng dự án của First Solar. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có thông tin nào cụ thể và việc tìm nhà đầu tư thay thế là không dễ dàng.
Không chỉ là dự án của Firts Solar, mà thực tế, ngoại trừ một số dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời quy mô nhỏ như Dự án Bo Viet (thuộc Tập đoàn Boway -Trung Quốc) đi vào hoạt động vào cuối tháng 6/2014, vốn đầu tư 50 triệu USD thì các dự án quy mô lớn đều đã phá sản.
Ở Thừa Thiên Huế có Dự án Pin năng lượng mặt trời, vốn đầu tư 300 triệu USD, do Worldtech làm chủ đầu tư, với sự hợp tác của Global Sphere (UAE). Dự án này cũng đã được khởi công xây dựng vào tháng 1/2013 tại Khu công nghiệp Phong Điền (TP. Huế), ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, song không bao lâu sau đó, Global Sphere đã rút khỏi Dự án và có khá nhiều lình xình xung quanh dự án này.
Trước đó, Dự án Pin năng lượng mặt trời ở Quảng Nam của Công ty Công nghiệp năng lượng Đông Dương (IC Energy) cũng lâm cảnh tương tự. Khởi công vào trung tuần tháng 5/2011, với tổng vốn đầu tư 390 triệu USD và với rất nhiều kỳ vọng, song cuối cùng dự án này cũng “phá sản” vì những khó khăn liên quan tới thị trường, cũng như công nghệ sản xuất sản phẩm này.
Sự phá sản liên tục của các dự án pin năng lượng mặt trời khiến dư luận không khỏi phấp phỏng sau khi JA Solar quyết định đầu tư dự án 1 tỷ USD ở Bắc Giang. Liệu số phận có lặp lại, khi mà nhiều thông tin cho biết, giá các loại pin năng lượng mặt trời vẫn đang giảm một cách chóng mặt.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), chi phí các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm tới 80% kể từ năm 2010. Và dự báo, giá của pin năng lượng mặt trời có thể giảm tới 59% trong 10 năm nữa. Giá quá thấp có thể sẽ khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà đầu tư sản xuất mới. First Solar có thể coi là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, giá các tấm pin năng lượng mặt trời giảm lại là cơ hội cho việc phát triển điện mặt trời. Một báo cáo gần đây của IRENA cho biết, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đã sẵn sàng để bùng nổ trong 15 năm tới, vì chi phí mua và lắp đặt pin mặt trời đã giảm đáng kể. Tỷ trọng điện năng được sản xuất từ năng lượng mặt trời, theo IRENA, có thể tăng từ mức 2% hiện nay lên 13% vào năm 2030.
Còn theo bản báo cáo mới đây của SolarPower Europe, tổng công suất điện mặt trời được lắp đặt trên thế giới tới cuối năm 2015 là 229 GW, gấp hơn 45 lần so với 10 năm trước. Năm ngoái thêm được 50GW, năm nay có thể sẽ lắp thêm được 60GW. “Điện mặt trời đang bùng nổ và tiếp tục phá vỡ những kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới. Sẽ có khoảng 700 GW được lắp đặt vào năm 2020”, SolarPower Europe nhận định và cho rằng, lý do của sự bùng nổ này là giá cả của điện mặt trời đang ngày càng cạnh tranh. Ở Việt Nam, cũng rất nhiều nhà đầu tư quan tâm xây dựng các dự án điện mặt trời.
Sự bùng nổ của điện mặt trời sẽ là cơ hội cho các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời như JA Solar. Và có thể, trong bối cảnh ấy, Dự án JA Solar sẽ không đi vào vết xe đổ của First Solar.
Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng, khi First Solar tuyên bố ngừng triển khai Dự án, nhiều nguồn tin cho biết, ngoài lý do cung - cầu mất cân bằng trên thị trường thế giới, First Solar dừng khai thác dự án có phần là do phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường thế giới do Trung Quốc sản xuất.
JA Solar là một doanh nghiệp của Trung Quốc. Mới thành lập vào năm 2005 nhưng tập đoàn này đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. JA Solar hiện có 8 nhà máy chuyên cung cấp sản phẩm pin năng lượng mặt trời cho thị trường châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản. Năm 2015, Tập đoàn đạt doanh thu 2,15 tỷ USD, với tổng số nhân viên là 22.000 người.
Sự thất bại của người này chính là cơ hội cho kẻ khác. Có vẻ như JA Solar đang tận dụng được các cơ hội của thị trường. Tuy nhiên, việc tập đoàn này sẽ triển khai dự án ở Việt Nam như thế nào thì còn phải chờ đợi.