Chờ hướng dẫn bay
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn hỏa tốc số 10934/BGTVT - VT gửi Cục Hàng không Việt Nam liên quan đến kiến nghị thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt của Công ty cổ phần IPP Air Cargo (IPP Air Cargo).
Cụ thể, tại công văn này, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn cụ thể cho IPP Air Cargo trong việc thành lập mới hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.
“Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện và báo cáo Bộ GTVT (qua Vụ Vận tải) kết quả thực hiện trước ngày 5/11/2021”, ông Lê Anh Tuấn chỉ đạo.
Trước đó, vào giữa tháng 10/2021, ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐQT IPP Air Cargo đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị hướng dẫn các thủ tục thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hoá IPP Air Cargo.
IPP Air Cargo thông tin, doanh nghiệp này nhận được Văn bản số 7241/VPCP-CN ngày 7/10/2021 của Văn phòng Chính phủ trả lời về việc kiến nghị thành lập hãng hàng không. Trong văn bản này, Văn phòng Chính phủ đã hướng dẫn IPP Air Cargo tiếp tục làm việc với Bộ GTVT về việc xin cấp phép bay theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Hạnh cho biết, thấu hiểu sự khó khăn của các hãng hàng không và các giải pháp của Bộ GTVT trong giai đoạn Covid-19, IPP Air Cargo sẵn sàng chia sẻ với các hãng bay bằng cách lùi thời gian gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, chiến lược của Công ty là thành lập một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa, với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế, góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam, cũng như góp phần bình ổn giá cước vận chuyển hàng hóa, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và góp phần phát triển nền kinh tế.
Trong lúc chờ thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022) như báo cáo của Bộ GTVT, IPP Air Cargo đề xuất Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn Công ty các thủ tục xin cấp phép bay và các công tác chuẩn bị về điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành.
“Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, Công ty sẽ khẩn trương hoàn thành các bước chuẩn bị và thủ tục để xin cấp phép theo quy định trong năm 2022”, ông Nguyễn Hạnh thông tin.
Trước đó, trong tháng 7/2021, Bộ GTVT đã có liên tiếp 2 công văn (số 6782 và số 6969), báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá tình hình thị trường hàng không và kiến nghị của Công ty cổ phần IPP Air Cargo (các văn bản này có gửi cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo).
Tại Công văn số 6969, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay (bao gồm cả việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) vì đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đợi cơ hội
IPP Air Cargo đã thể hiện sự kiên nhẫn và đeo bám quyết liệt đối với đề xuất xin thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt.
Trong vòng 6 tháng qua, IPP Air Cargo đã 2 lần gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực hàng không.
Trong văn bản thứ hai gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 8/2021, dù lùi thời gian gia nhập thị trường, nhưng lãnh đạo IPP Air Cargo xin Chính phủ, Bộ GTVT được kích hoạt việc chuẩn bị thành lập hãng bay chuyên biệt nhằm tạo điều kiện cho việc đàm phán, thuê mua tàu bay.
Hiện IPP Air Cargo đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Boeing về việc đặt mua 10 tàu bay B10 B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.
“Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Việc IPP Air Cargo đẩy nhanh tiến độ gia nhập thị trường hàng không vận tải hàng hóa đã khiến các hãng hàng không nội địa đang phải cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết, sẽ bắt tay vào việc thành lập hãng hàng không hàng hóa sau 4 năm nghiên cứu, chuẩn bị đội ngũ khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt, thay vì sử dụng đội bay hiện tại để kết hợp giữa chở khách và chở hàng như hiện nay.
Cần phải nói thêm rằng, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam tuy chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng khối lượng, nhưng chiếm đến 25 - 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước do đây đều hàng có giá trị cao.
Bên cạnh đó, nông sản Việt hiện cũng đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do tính chất đặc thù của nông sản là chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ, nên vận chuyển bằng đường hàng không là giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.
“Chính vì vậy, việc sớm có một hãng hàng không vận tải hàng hóa của người Việt, chủ động chở hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới luôn là mong muốn của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, logistics Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội logistics Việt Nam đánh giá.