Pháp phạt nặng Google và Facebook vì vi phạm quyền riêng tư khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
Google bị phạt 150 triệu euro (hơn 169 triệu USD) và Facebook bị phạt 60 triệu euro (hơn 67 triệu USD) do hành vi sử dụng lịch sử hoạt động của khách hàng (cookie) để điều phối thông tin quảng cáo.
Biểu tượng Google tại trụ sở ở Mountain View, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Biểu tượng Google tại trụ sở ở Mountain View, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ủy ban quốc gia về thông tin và quyền tự do (CNIL) của Pháp ngày 5/1 đã thông báo phạt Google và Facebook về hành vi sử dụng lịch sử hoạt động của khách hàng (cookie) nhằm phục vụ mục tiêu điều phối thông tin quảng cáo.

Mức phạt đối với hai “gã khổng lồ” này lần lượt là 150 triệu euro (hơn 169 triệu USD) và 60 triệu euro (hơn 67 triệu USD).

Số tiền phạt đối với Google là con số kỷ lục trong tất cả các quyết định trừng phạt mà CNIL từng đưa ra - cao hơn nhiều so với khoản tiền phạt 100 triệu euro đối với Google vào tháng 12/2020 cũng liên quan việc theo dõi lịch sử hoạt động của khách hàng.

Thông báo của CNIL nêu rõ: “CNIL nhận thấy rằng các trang facebook.com, google.fr và youtube.com không cho phép khách hàng thực hiện thao tác từ chối cookie một cách đơn giản như là thao tác chấp nhận chúng.”

Theo CNIL, Google và Facebook có 3 tháng để thực hiện các điều chỉnh phù hợp. Nếu không thực hiện được điều này, “mỗi công ty sẽ phải trả khoản tiền phạt 100.000 euro cho mỗi ngày chậm trễ.”

Đáp lại thông báo trên, Google khẳng định sẽ có sự thay đổi trong hoạt động của mình.

Cookie là một tệp thông tin chứa các dữ liệu của người dùng như tên đăng nhập, mật khẩu, các lựa chọn của người dùng khi truy cập website. Cookie lưu những dữ liệu duyệt web trên máy tính và giúp truy cập những trang web thường dùng một cách nhanh chóng.

Dữ liệu cookie là dữ liệu nhạy cảm vì nó chứa các thông tin của người dùng và có thể làm rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng nếu bị lộ ra ngoài.

Đặc biệt, chúng cho phép các công ty theo dõi lịch sử duyệt web của người dùng, để có thể gửi các quảng cáo được cá nhân hóa liên quan đến các lĩnh vực người dùng quan tâm. Việc sử dụng các cookie có thể vi phạm quyền riêng tư của người dùng Internet.

Kể từ khi quy định của châu Âu về dữ liệu cá nhân có hiệu lực vào năm 2018, các trang web bắt buộc phải tuân thủ các quy tắc chặt chẽ hơn để có được sự đồng ý của người dùng Internet trước khi lưu trữ cookie của họ.

Tin bài liên quan